Hiểu thế nào về ESCO?
ESCO là hình thức công ty dịch vụ năng lượng, chuyên cung cấp các giải pháp năng lượng toàn diện, bao gồm thiết kế và thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng, bảo tồn năng lượng, cho thuê cơ sở hạ tầng năng lượng…
Trên thế giới, nhiều nước đã bắt đầu có những hoạt động đầu tư thực hiện dự án ESCO từ rất sớm (cách đây khoảng 20 năm) và quy mô đầu tư cho các dự án ESCO ngày càng tăng. Tuy nhiên, mô hình này vẫn còn tương đối xa lạ với các doanh nghiệp Việt Nam mặc dù thị trường tiết kiệm năng lượng ở Việt Nam hiện vô cùng rộng lớn và tiềm năng tiết kiệm năng lượng còn rất nhiều.
Ngành điện tích cực vào cuộc
Theo đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thí điểm mô hình Công ty dịch vụ năng lượng để đầu tư vào các dự án tiết kiệm năng lượng thông qua hình thức ESCO. Trên cơ sở thí điểm thành công bước đầu chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, EVN đẩy mạnh mô hình ESCO tại khu vực ĐBSCL.
Từ năm 2015 đến nay, Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) đã thực hiện đầu tư và đưa vào vận hành công trình tại một số đơn vị như Công ty CP XNK Thủy sản Cần Thơ (Caseamex); Công ty TNHH Công nghiệp thủy sản miền Nam… góp phần tiết giảm 795.618 kWh cho hệ thống điện và giúp khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Cụ thể, Caseamex là khách hàng tiên phong áp dụng mô hình ESCO, EVN SPC đã đầu tư lắp đặt và cung cấp hệ thống máy nước nóng năng lượng mặt trời với quy mô sử dụng trên 23.000 lít nước nóng/ngày, lượng điện năng tiêu thụ cần thiết để gia nhiệt cho hệ thống nước (đến 550C) vào khoảng 983 kWh/ngày, tương đương 1,6 triệu đồng/ngày. Việc áp dụng mô hình ESCO đã giảm được 24,1% điện năng tiêu thụ, tiết kiệm được hơn 1,2 triệu đồng/ngày.
Hay như Công ty TNHH Công nghiệp thủy sản miền Nam - doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra tại Cần Thơ, ông Nguyễn Phước Lập, Phó Giám đốc Công ty phấn khởi kể về dự án đầu tư tiết kiệm điện theo mô hình ESCO sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời cho nước nóng để vệ sinh nguyên liệu do EVN SPC giới thiệu. Ông Lập cho biết: “Nếu như trước, chúng tôi sử dụng bình nước nóng, tiêu thụ khoảng 20.000 kWh trong một tháng thì nay với mô hình này đã tiết kiệm được 90% điện năng, còn 2.000 kWh. Tổng chi phí dự án là 1,1 tỷ đồng, nhưng doanh nghiệp chỉ phải trả 100 triệu đồng đầu tư, còn lại khấu trừ hằng tháng trong 5 năm”.
Ngoài việc đẩy mạnh cung cấp mô hình ESCO cho các doanh nghiệp, gần đây EVN SPC cũng đã triển khai nhiều mô hình hỗ trợ tiết kiệm điện trong nuôi tôm như: Sử dụng nước nóng từ năng lượng mặt trời; Thay thế gối đỡ chữ U bằng con lăn đỡ trục quay; Đồng trục hóa mô tơ với dàn quạt và sử dụng con lăn trục quay thay thế gối đỡ chữ U hay gần đây nhất là sáng kiến “Cải tiến dàn quạt tạo ôxy để tiết kiệm điện trong nuôi tôm” giành giải Nhất trong cuộc thi “Sáng kiến vì cộng đồng”. Thực tế cho thấy, những giải pháp này đã góp phần giảm sản lượng điện tiêu thụ; từ đó tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận trong nuôi trồng thủy sản, là đòn bẩy để người dân vươn lên làm giàu.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã