Cao lương không phải là cây trồng mới mẻ, nhất là với các nước trên thế giới. Những năm 1990, cao lương cũng từng được nhập vào Việt Nam. Thời gian gần đây, một giống siêu cao lương mới do Cty NTS Partners nhập về trồng thử nghiệm đã nhận được quan tâm đặc biệt của các Cty chăn nuôi bò sữa.
Giống siêu cao lương này được tập đoàn Syswave (Nhật Bản) chọn tạo. Giống đã được trồng khảo nghiệm tại các nước như Indonesia, Trung Quốc, Canada, Úc ...
Siêu cao lương có nguồn gốc từ châu Phi, Nam Mỹ. Trước đây khi ông Nguyễn Công Tạn còn làm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- CNTP (cũ) đã từng cho nhập cao lương về trồng thử nghiệm tại Việt Nam nhưng với diện tích nhỏ. Nguyên nhân cơ bản, khi đó ngành chăn nuôi bò sữa chưa phát triển nên cây cao lương chưa “có đất dụng võ”. Nói như vậy để thấy, cao lương không phải là giống cây trồng mới.
Sau này, các nhà khoa học Nhật Bản đã cấy gen vào giống cao lương cũ để biến thành siêu cao lương, nhằm tận dụng các ưu thế lai của giống mới.
Theo các nhà khoa học của Tập đoàn Sysware, giống siêu cao lương mới được tạo ra trong khoảng 7- 8 năm gần đây bằng việc ứng dụng công nghệ sinh học, không phải là giống chuyển gen (GMO). Sau khi giải mã gen của cây cao lương thành công, các nhà khoa học đã đưa các gen quyết định sinh khối và hàm lượng đường cao vào dòng bố, mẹ của giống siêu cao lương này bằng cách lai quay lui (back cross), dùng phương pháp đánh dấu phân tử, và sử dụng hạt ưu thế lai F1 để gieo trồng.
Siêu cao lương trồng một lần, thời vụ thích hợp ở khu vực các tỉnh phía Bắc là trồng vào vụ xuân, từ tháng 2 đến tháng 4 và cho thu hoạch 3 lần trong năm, với khối lượng chất xanh lên tới trên 400 tấn/ha, sản lượng ethanol đạt trên 17.000 lít/ha. Siêu cao lương có hàm lượng đường cao, hàm lượng chất khô trên 40%. So với sắn, mía, sản xuất Ethanol từ siêu cao lương cao gấp 2- 2,5 lần.
Siêu cao lương có chiều cao cây từ 5- 6m, khả năng tái sinh nhanh, thích ứng rộng và có thể gieo trồng trên nhiều loại đất, khả năng chịu hạn tốt, chống đổ khá. Khi gặp gió cây siêu cao lương có thể đổ ngã khi tốc độ gió đạt trên 17m/s, tuy nhiên siêu cao lương có khả năng hồi phục sau 3-4 ngày bị đổ nghiêng (giai đoạn cây cao 3-4 m).
Những vấn đề cần lưu ý với siêu cao lương là đòi hỏi thâm canh cao, tốn chi phí phân bón, pH đất không được thấp hơn 5, tốt nhất là pH từ 6-8, song nó cũng không bị ảnh hưởng trên đất kiềm pH > 8,5, ngay cả khi pH= 9, chú ý sâu đục thân, bệnh đốm lá lớn và đốm lá nhỏ, rệp...
Theo các tài liệu khoa học, cây cao lương có 3 chức năng: chế biến thành thức ăn chăn nuôi cho bò sữa, và cả bò thịt; thân cây làm đường; nếu trồng diện tích lớn có thể chế biến thành cồn etanol. Trong đó hướng chế biến thức ăn chăn nuôi là khả dĩ nhất, đặc biệt trong thời điểm hiện nay nước ta đang tăng tốc phát triển đàn bò sữa.
Cây siêu cao lương thuộc họ lúa với các lợi thế như chống chịu tốt với cả sức ép từ khô hạn lẫn độ ẩm, thậm chí chịu được cả úng. Chúng có thể phát triển ngay vùng bán khô hạn nơi mà cây ngô hay mía khó có thể sống được.
Cây lớn nhanh, có thể cao tới 5- 6m sau 65- 70 ngày trồng, cho lượng chất thô xanh cực lớn gấp 2 lần cây ngô, hàm lượng đường trong thân cao tới 16- 17%, lá không ráp, có lông nên bò ăn không nhả bã. Siêu cao lương có khả năng tái sinh mạnh (trồng 1 lần thu hoạch 3 lần), sản lượng đường và ethanol sinh học cao, bã cây siêu cao lương sau khi chiết xuất có thể ủ thành thức ăn gia súc rất tốt cho bò sữa.
Dự án siêu cao lương được Công ty NTS Partners và Syswave (Nhật Bản) bắt đầu đưa về trồng khảo nghiệm tại Việt Nam vào tháng 4/2014 đến nay thông qua hệ thống khảo nghiệm của Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống và sản phẩm cây trồng Quốc gia (Cục Trồng trọt).
Ở phía Bắc, cao lương được Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Thành Tây (Trường Đại học Thành Tây) trồng thử nghiệm tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Siêu cao lương cũng được trồng khảo thí diện hẹp và diện rộng tại hàng loạt Cty như ở phía Bắc như các Công ty CP Mía Đường Lam Sơn, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), Cty CP Chuỗi thực phẩm TH (TH true milk) trồng tại Thanh Hóa làm thức ăn cho bò sữa; Công ty CP Đường Quảng Ngãi trồng tại Quảng Ngãi để theo dõi thay thế một phần diện tích mía bằng siêu cao lương để SX đường. Ngoài ra Công ty CP Minh Nông cũng đã trồng thử nghiệm cây cao lương.
Ở phía Nam, siêu cao lương được trồng thử nghiệm tại Bà Rịa- Vũng Tàu, hiện cây cao trên 5m.
Điều kiện trồng khảo nghiệm tại các nơi diễn ra rất khả quan, tình trạng sâu bệnh rất ít, cây sinh trưởng tốt và theo đánh giá sơ bộ đây là cây trồng rất là tiềm năng.
Nhiều đại biểu dự hội thảo đã đặt những câu hỏi với Sysware Holding, đề nghị cho biết các thông tin về hàm lượng dinh dưỡng, đặc biệt là Protein và hàm lượng chất khô có trong siêu cao lương, Vinamilk và TH true milk bày tỏ mong muốn được khảo nghiệm thử nghiệm siêu cao lương ở vùng đất khô hạn cũng như vùng đất bãi ở đồng bằng sông Hồng, nhiều câu hỏi về chế biến và các sản phẩm phụ của siêu cao lương trong quá trình chế biến...
Vì là giống cây trồng mới, theo quy định hiện hành, Cục Trồng trọt đề nghị Tập đoàn Syswave phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ, các doanh nghiệp liên quan tiến hành các thủ tục nhập hạt giống để khảo nghiệm theo hướng tiếp cận: sản xuất thức ăn chăn nuôi cho bò thịt, bò sữa trên đất của TH true milk, lựa chọn địa điểm khảo nghiệm tại các tỉnh miền Trung để tiếp cận theo hướng sản xuất etanol; trồng siêu cao lương theo hướng lấy đường trên diện tích đất mía tại Cty CP Đường Quảng Ngãi để theo dõi với đối chứng…
Việc khảo nghiệm phải được thực hiện bài bản và khoa học để có đánh giá chính xác về tiềm năng và khả năng phát triển của giống cây trồng mới này nhằm phục vụ tốt nhất cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo chủ trương của Bộ NN- PTNT.
nguồn: nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã