Những năm gần đây, nhất là những tháng hè, sông Phổ Lợi, đoạn chảy qua các xã Phú Dương về Phú Tân (Phú Vang) bèo dày đặc kín sông, thân bèo cao đến 0,5m. Nhiều hộ dân sống dọc 2 bên bờ sông Phổ Lợi trước đây vẫn thường tận dụng nước sông để giặt, rửa nhưng đến mùa bèo phát triển dày đặc, sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng. Trước đây, mỗi năm có vài trận lụt lớn, nhỏ đã giúp tống khứ bèo, chất bẩn bám đặc dòng sông. Song những năm gần đây, ít có lũ lụt, nên bèo mọc không kể xiết. Theo tính toán của chính quyền địa phương, mỗi năm, ngoài vận động người dân tự giác vớt bèo, địa phương phải trích kinh phí vài chục triệu đồng để xử lý. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tạm thời, vì dù rất tốn công, tốn của vẫn không thể vớt xuể, chỉ dăm bữa nửa tháng bèo tiếp tục sinh sôi trở lại.
Thuê nhân công để trục vớt bèo trên sông Phổ Lợi
Bà Lê Thị Giắn, thôn Lu Khánh, xã Phú Dương thi thoảng 5, 10 ngày thường xuống sông vớt bèo về đắp cho cây, một phần chống nắng nóng, phần khác để mục, làm phân bón cho cây. Theo bà Giắn, việc vớt bèo này giúp tạo sự thông thoáng cho mặt sông để phục vụ giặt rửa hằng ngày, nhưng cái chính là để bón cho cây ăn trái, rau màu, vừa sạch, không lo độc hại và tốn kém tiền mua phân bón.
Tại các bể ủ bèo để làm phân hữu cơ vi sinh của HTX NN Phú Dương
Với lượng bèo quá lớn, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường sông Phổ Lợi, vừa qua, từ một phần kinh phí huyện hỗ trợ, UBND xã Phú Dương đã chi thêm để thuê nhân công trục vớt bèo cho khoảng một nửa đoạn sông chảy qua địa bàn xã. Bác Nguyễn Thú, phụ trách đội vớt bèo cho biết. Hội Nông dân, phụ nữ, thanh niên trong xã đăng ký đấu “công trình” trục vớt bèo đoạn từ cầu chợ Nọ về đến cầu Phò An dài khoảng 1km. Do lượng bèo quá dày, nên dù đã huy động từ 15 đến 17 nhân công mỗi ngày và tổ chức trục vớt trong nhiều ngày liền nhưng vẫn không thể hoàn thành đúng kế hoạch dự kiến. Theo ý kiến của nhiều người dân, do lượng bèo vớt được quá lớn, nên nếu chỉ vớt xong rồi tấp vào hai bên bờ sông vừa gây nhếch nhác vừa lấn diện tích mặt sông, ảnh hưởng đến môi trường và sinh hoạt của bà con.
Trước thực tế đó, để tận thu lượng bèo lên đến hàng chục tấn, vớt được, trên cơ sở một phần hỗ trợ của huyện, xã, HTX Nông nghiệp Phú Dương đã đầu tư cơ sở sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ bèo. Từ đầu năm 2015, HTX đầu tư 100 triệu đồng xây dựng 6 bể ủ và 1 phòng vô bao bì. Bước đầu, mô hình này đã tận dụng bèo thu vớt được từ các sông, hói trên địa bàn, khắc phục được tình trạng quá tải của cả bèo sống lẫn bèo khô nằm hai bên bờ sông.
Hướng đến sản xuất sạch
Ông Trần Hữu Toàn, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Phú Dương cho hay, HTX đã đề xuất với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Vang và UBND huyện hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật thực hiện mô hình làm phân vi sinh từ bèo. Để chủ động thực hiện kế hoạch, trước mắt HTX tự đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất và vật tư để sản xuất phân vi sinh.
Lợi ích lớn nhất của mô hình này ngoài tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào từ các loại phế phẩm hữu cơ có hại cho môi trường, sản phẩm phân hữu cơ vi sinh làm ra được sử dụng cho trồng trọt giúp tránh trơ đất trong nông nghiệp, tăng độ phì nhiêu trong đất. Ngoài ra, mục tiêu lớn nhất của HTX là hướng tới sản xuất sạch, giải quyết vấn đề về môi trường và tạo ý thức cho người dân dần có thói quen phân loại rác, tận dụng nguồn rác hữu cơ, rơm rạ để tự làm phân phục vụ sản xuất nông nghiệp bền vững.
Bước đầu triển khai mô hình này, ngoài 20 triệu đồng được Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Vang hỗ trợ để mua men, HTX còn được Trạm Khuyến nông lâm ngư huyện hỗ trợ về mặt kỹ thuật. Phương pháp ủ được sử dụng bằng 2 loại men. Trước tiên là ủ men visura (mua từ Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ - Sở KH&CN) vào bèo trong vòng 1 tháng và cứ 7 đến 10 ngày đảo một lần. Sau 1 tháng bèo phân hủy trộn thêm men đa chức năng và một ít phân NPK. Đến nay, HTX đã ủ được 4 bể với khoảng 50m3 bèo và cho ra khoảng 8,5 - 9 tấn phân thành phẩm. Ban đầu, do khối lượng phân hữu cơ vi sinh làm ra còn ít nên HTX chỉ dùng để bón cho cây hoa, rau màu. Về lâu dài, khi công suất sản xuất phân tăng lên thì nhân rộng dùng bón cho cây lúa. Kế hoạch sắp tới, HTX sẽ đầu tư thêm máy thái bèo và sau này kết hợp dùng để thái rơm làm phân vi sinh, tránh tình trạng người dân đốt rơm rạ ngoài đồng sau mỗi vụ gặt gây ảnh hưởng đến môi trường.
Dự trù một năm, HTX sẽ làm khoảng 50 tấn phân vi sinh. Hiện tại, nguồn nguyên liệu được lấy từ bèo lục bình ở các sông. Về sau, khi tăng công suất sẽ tận thu thêm nguồn rơm rạ khá dồi dào từ 335 ha ruộng lúa mỗi vụ trong toàn xã, cùng với rác thải tự hoại hữu cơ thu gom từ trong dân. Ông Toàn nhẩm tính, riêng trữ lượng rác thải hữu cơ không thôi, hiện toàn xã Phú Dương có khoảng 3.000 hộ dân thì bình quân 1 tháng có trên 50 tấn rác hữu cơ. HTX sẽ phối hợp với chính quyền địa phương vận động từng hộ dân tự phân loại rồi chuyển cho HTX, thông qua đó người dân được giảm bớt phí vệ sinh môi trường hằng tháng.
Hoài Thương
Báo: Thừa Thiên Huế
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã