Cũng như bao hộ dân ở Cao Viên, trước kia, gia đình ông Giáp sống chủ yếu bằng nghề làm pháo. Đầu những năm 1990, Nhà nước cấm sản xuất pháo, ông chuyển sang buôn bán hoa quả. Ngày ngày, ông thức khuya dậy sớm rong ruổi đạp xe sang Văn Giang (Hưng Yên) thu mua cam về chợ nhà bán buôn, tiền công nhiều lắm cũng chỉ được vài chục nghìn đồng/ngày. Nhận thấy giống cam Văn Giang thơm ngon, cho năng suất cao, ông nghĩ: “Sao cứ phải vất vả đi buôn mà không trồng cam ở ngay vườn nhà”. Nghĩ là làm, ông lấy giống về trồng thử 1 sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2). Nhờ kiến thức học hỏi từ người dân Văn Giang và kinh nghiệm từ những ngày đi buôn mà ông đã chăm sóc tốt vườn cam của mình. Vốn ham chơi cây cảnh, lại am tường quá trình sinh trưởng của nhiều loại cây, ông Giáp nảy ra sáng kiến “biến” vườn cam thành vườn cây cảnh bằng cách ghép thêm nhiều loại quả trên thân mỗi cây cam. Ông chọn cây có dáng đẹp, tán cân đối, quả phân bố đồng đều để thực hiện ý tưởng. Ông chia sẻ: “Để những loại quả ghép vào thân cây cam có thể phát triển bình thường thì cần ghép cuống quả vào cành sao cho khớp. Quá trình này được tiến hành từng bước với từng loại quả. Như quả phật thủ ghép vào thân cây cam vào tháng 7 âm lịch, quả bưởi ghép vào tháng 6 âm lịch…” Thấy 5-6 loại quả sống khỏe trên một thân cây khác, người dân Cao Viên vô cùng ngạc nhiên và trầm trồ khen ngợi ông; cán bộ địa phương còn đem “cây lạ” đi tham gia hội chợ nông nghiệp ở khắp nơi. Ông Giáp dần được nhiều người biết tới. Đứng bên cây bưởi Diễn cao gần 2m, ông Giáp bảo, trên cây có 5 loại quả: cam Đường, cam Malaysia, quýt, quất, bưởi Diễn. Thời gian tới, ông sẽ ghép nhiều loại quả nữa. Khi hoàn thiện, cây này sẽ có tất cả 10 loại quả. Ông làm được “cây lạ” nào, dịp Tết đến xuân về, người ta đều đặt mua hết, giá dao động từ 1-6 triệu đồng/cây. Hiệu quả kinh tế cao, ông mở rộng vườn lên tới 10.000m2. Thu nhập bình quân của gia đình đạt 400 triệu đồng/năm. Tiếng tăm về lão nông thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ tài ghép nhiều loại quả trên một thân cây ngày càng vang xa, người làm vườn ở khắp nơi tìm tới học hỏi kinh nghiệm. Ai đến ông cũng giúp đỡ nhiệt tình chẳng mảy may tính toán thiệt hơn. Một trong số những nông dân trở nên giàu có sau khi được ông Giáp truyền dạy kỹ thuật là anh Đinh Công Thắng ở xã Trần Phú (huyện Chương Mỹ). Sau lần theo người bạn tới thăm vườn của ông Giáp, anh Thắng đâm ra mê mẩn và ước muốn có được vườn cây như vậy. Biết thanh niên trẻ giàu nhiệt huyết nhưng còn nhiều khó khăn về vốn và kinh nghiệm, ông Giáp giúp toàn bộ chi phí về cây giống và hướng dẫn tỉ mỉ. Thời gian đầu anh Thắng chỉ trồng cây trên diện tích 1 mẫu (1 mẫu Bắc Bộ = 3.600m2). Những năm sau, khi đã có của ăn của để, anh tiếp tục mua thêm đất mở rộng quy mô. Tới nay, chàng trai này đã có vườn cây rộng 3 mẫu, cho thu nhập bình quân 700 triệu đồng/năm. Theo ông Giáp, đầu năm nay, một nông dân ở tỉnh Đắk Lắk đã vượt hàng trăm cây số ra xem mô hình làm vườn của ông và quyết định mua 3.000 cây giống về trồng. Hai bên thường xuyên giữ liên lạc, trao đổi kỹ thuật, kinh nghiệm chăm sóc cây. Sau thời gian làm quen với đất cao nguyên, tuy số cây này chưa cho quả nhưng đang sống khỏe, hứa hẹn những mùa bội thu. Hiệu quả kinh tế chưa phải là điều ông Giáp hài lòng mà điều khiến ông vui nhất là ngày càng có nhiều người giàu lên nhờ mô hình ghép nhiều loại quả trên một thân cây. Kiên Thành Nguồn:kinhtenongthon.com.vn | ||
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã