Sản xuất kẹo cu đơ vốn là nghề gia truyền bao đời nay của gia đình ông Lưu Văn Anh (phường Thạch Bình, TP Hà Tĩnh). Nhớ lại những buổi đầu theo nghề, ông Anh kể: “Lúc đó, cầu Phủ vẫn chưa được xây dựng. Giao thương chủ yếu bằng đò. Gia đình tôi thường làm kẹo lạc rồi bưng ra bến bán cho khách qua lại. Từ những năm 1990, khi kinh tế thị trường phát triển, nghề sản xuất cu đơ cũng phát triển theo”.
Đến nay, ông Lưu Văn Anh đã có hơn 50 năm gắn bó với nghề sản xuất kẹo cu đơ. Từ chỗ chỉ có 1 cơ sở sản xuất vài kg lạc mỗi ngày, ông Anh đã phát triển được 4 cơ sở sản xuất, mỗi ngày cho ra lò hơn 4 tạ lạc. Không chỉ giữ lửa niềm đam mê với nghề gia truyền, ông còn truyền cảm hứng cho các con. Hiện tại, 2 người con của ông Anh sau khi tốt nghiệp đại học cũng theo cha phát triển nghề truyền thống của gia đình.
Anh Lưu Đức Lĩnh (con trai ông Anh) – chủ cơ sở sản xuất cu đơ Thành Đạt III, chia sẻ: “Lớn lên từ lò sản xuất cu đơ nên tôi luôn trăn trở phát triển nghề truyền thống của gia đình. Đặc biệt, khi học Đại học Bách khoa, tôi có thêm nhiều cơ hội để tìm hiểu máy móc về ứng dụng vào sản xuất. Từ khi tiếp cận được công nghệ nấu cu đơ bằng nồi áp suất điện, chất lượng sản phẩm được nâng lên đáng kể”.
Chị của Lĩnh là Lưu Thị Phượng (SN 1987) cũng đã tốt nghiệp trường Đại học Tài chính, hiện là chủ cơ sở sản xuất cu đơ Thành Đạt II.
Từ năm 2010, cu đơ Thành Đạt bắt đầu ứng dụng công nghệ nấu bằng nồi áp suất điện. Đây cũng là năm cơ sở đăng ký thành công nhãn hiệu. Sau khi xây dựng được thương hiệu, ông Anh bắt đầu mở rộng quy mô sản xuất. Ông đầu tư 6 nồi áp suất điện, mở rộng quy mô sản xuất ở 4 cơ sở.
Với công nghệ sản xuất kẹo bằng nồi áp suất điện, chất lượng cu đơ Thành Đạt được nâng lên rõ rệt. “Nấu bằng nồi áp suất điện thì nhiệt độ được duy trì đều, chính xác. Vì vậy, lạc nấu chín và ngon hơn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hơn” – ông Lưu Văn Anh chia sẻ.
Để làm được kẹo ngon, ông Anh tuân thủ nghiêm ngặt việc tuyển chọn nguyên liệu đầu vào. Lạc được ông đích thân mua ở các vùng bãi ngang huyện Thạch Hà vì độ béo và thơm ngon hơn các vùng đất khác. Đặc biệt, lạc phải bóc bằng tay, đảm bảo khô tuyệt đối, không mua lạc xay máy vì thường thấm nước trước khi cho vào xay. Riêng mật mía được nhập từ Nghĩa Đàn (Nghệ An), còn mạch nha thì đặt mua từ làng nghề sản xuất nha Hà Tây. Kinh nghiệm làm nghề lâu năm của ông Anh cho thấy, nấu kẹo phải giữ nhiệt phù hợp, pha chế tỷ lệ nha và mật hợp lý để có sản phẩm ngon.
Hướng tới sản xuất theo chuỗi khép kín, từ năm 2016, cu đơ Thành Đạt còn đầu tư hơn 150 triệu đồng để trang bị máy sản xuất bánh đa, máy quạt bánh đa. Trong chiến lược phát triển, ông Lưu Văn Anh hướng đến thị trường là các xe khách đường dài. Vì vậy, ông đầu tư mặt bằng sân bãi rộng để các xe khách có thể dừng chân.
Ông Lưu Văn Anh cho biết: “2 cơ sở trên đường tránh TP Hà Tĩnh hiện có lượng tiêu thụ nhiều nhất vì đây là những địa điểm lý tưởng để xe khách đường dài dừng chân nghỉ ngơi và mua quà. Tính chung cả 4 cơ sở, cao điểm có ngày tiêu thụ khoảng 500 gói kẹo với doanh thu hàng chục triệu đồng”.
Từ nghề truyền thống sản xuất cu đơ, ông Lưu Văn Anh không chỉ tạo dựng được cơ ngơi khang trang mà còn tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động với mức lương 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Tác giả bài viết: Quang Minh
Nguồn tin: baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã