Tại Bắc Ninh, lưu vực sông Đuống được đánh giá là có thể triển khai nuôi cá lồng khá tốt do môi trường nước chưa bị ô nhiễm. Trung bình, mỗi lồng có thể tích 108m3, dạng hình khối chữ nhật, khung lồng được làm bằng sắt, lưới bao quanh lồng dệt bằng sợi dù, mật độ thả từ 40-90 con/m3 tùy loại. Nếu chăm sóc tốt, mỗi lồng cá có thể cho thu hoạch 4,5 - 5 tấn/vụ nuôi.
Khu vực nuôi cá lồng của ông Cao Thanh Khương trên dòng sông Thái Bình.
Ông Cao Thanh Khương, thôn Cáp Điền, xã Trung Kênh (Gia Bình) là người đầu tiên đưa mô hình này về trên khúc sông Thái Bình quê hương. Năm 2011, sau khi đi tham quan các mô hình nuôi cá lồng ở bờ sông phía bên của tỉnh Hải Dương, ông nhận thấy, khúc sông này rất thuận lợi để phát triển nuôi các loại cá khác nhau. Từ những thử nghiệm ban đầu ở 8 lồng cá, đến nay ông đã xây dựng khoanh vùng 17 lồng với nhiều loại cá khác nhau như: Rô phi, điêu hồng, trắm đen, trắng, chép đến các loại cá đặc sản như cá lăng, cá vược. Mỗi lồng, thả từ 5000-7000 con giống, sau khoảng 6 tháng đối với cá rô phi, cho đến 2 năm đối với cá lăng là bắt đầu thu hoạch.
Do tận dụng môi trường tự nhiên, nên chất lượng thịt cá thơm ngon được khách hàng ưa chuộng, vì vậy, đầu ra của sản phẩm hết sức ổn định. Hiện nay, giá bán một lồng cá rô phi khoảng 200 triệu đồng/lồng, còn các loại cá giá trị như cá lăng cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng/lồng. Học tập mô hình của ông Khương, trên đoạn sông này đã có 4 hộ thử nghiệm nuôi cá lồng và doanh thu hàng tỷ đồng cho một năm nuôi cá không phải là điều quá khó. Tuy nhiên, chi phí ban đầu người dân bỏ ra tương đối cao, khoảng 40-50 triệu đồng/lồng chưa kể các chi phí về phao nâng, lưới...
Theo kinh nghiệm của ông Khương, khó khăn lớn nhất của những người mới nuôi cá lồng là ở kỹ thuật chăm sóc. Trong suốt quá trình nuôi, có những vụ ông thắng lớn khi tỷ lệ cá sống đến 90%, nhưng cũng có những vụ gần như mất trắng vì bệnh dịch. Sau những bài học thực tế, ông đã biết cách phòng, trị bệnh và xử lý nguồn nước bảo đảm an toàn cho đàn cá. Theo hướng dẫn của các cán bộ thủy sản, để có được hiệu quả cao, người nuôi cần làm tốt việc chuẩn bị lồng bè, chọn giống, chăm sóc, đặc biệt là kỹ thuật cho cá ăn và quản lý thức ăn dư thừa ở các giai đoạn cá phát triển. Bên cạnh đó, cần chọn mua giống ở những nơi tin cậy, có nguồn gốc rõ ràng, cá khỏe mạnh, cỡ cá đồng đều, sử dụng thức ăn của những doanh nghiệp có uy tín, có đầy đủ các thành phần cơ bản, bao gồm các chất dinh dưỡng cần thiết như đạm, vitamin, lipid...
Nhận thấy những lợi ích từ việc nuôi cá lồng trên sông và hiệu quả thực tế mà mô hình này mang lại, Chi cục Thủy sản đã triển khai đề tài Nuôi cá lồng trên sông Đuống, thí điểm tại thôn Thụy Mão, xã Mão Điền (Thuận Thành). Dự án được triển khai sẽ góp phần nhân rộng mô hình nuôi cá lồng trên sông, là cơ sở tin cậy để những hộ nuôi có nguồn tham vấn khi triển khai tại cơ sở sản xuất của mình.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã