Lá bàng khô có nhiều tác dụng trong nuôi trồng thủy sản Ảnh: CTV
Chứa nhiều hoạt chất quan trọng
Theo Đỗ Tất Lợi (1968), bàng còn được gọi là Quang Lang, thuộc họ bàng Combretaceae, có tên khoa học là Terminalia catappa L. Bàng là cây thân gỗ thuộc vùng nhiệt đới, có nguồn gốc từ vùng Nam Á. Nó có thể tìm thấy trong tự nhiên ở nhiều nước như phía bắc Australia, Pakistan, Sri Lanka, Malaysia, Thái Lan, Lào… Ở Việt Nam, cây bàng phân bố từ Quảng Ninh tới Vũng Tàu - Côn Đảo và các đảo ngoài khơi từ Bắc vào Nam. Lá bàng rụng sớm về mùa khô, trước khi rụng thì các lá chuyển thành màu đỏ ánh hồng hay nâu vàng, do các sắc tố như violaxathin, lutein hay zeaxanthin.
Theo nhiều công trình nghiên cứu của các tác giả cho thấy, trong lá bàng chứa nhiều chất có tác dụng rất quan trọng trong phòng và điều trị bệnh đối với các loài thủy sản như: Flavonoid, nó là những hợp chất C15 được sắp xếp bởi hai nhân phenol gắn với nhau qua một đơn vị C3. Flavonoid bao gồm isovitexin, vitexin, isoorientin, rutin và triterpenoiods. Các chất này đã được nghiên cứu là có phổ hoạt tính rất rộng và được sử dụng rộng rãi trong cuộc sống, nhất là trong dược phẩm và thực phẩm chức năng. Một hoạt tính chủ yếu đó là hoạt tính chống ôxy hóa, được tích tụ dưới dạng phytoalexin khi cây bị vi khuẩn tấn công. Flavonoid được nghiên cứu còn có nhiều tác dụng khác như là khả năng kháng nấm, kháng viêm, ức chế enzyme. Hay hoạt tính đối với mạch máu, hoạt tính oestrogen, khả năng kháng khối u và gây độc tế bào (Trần Văn Sung và cộng sự, 2011).
Trong lá bàng cũng có chứa tanin, một hợp chất polyphenol có trong thực vật có vai trò trong nhiều mặt của cuộc sống hàng ngày. Tanin bao gồm punicalagin, punicalin, geranin, granatin B, tergallagin, tercatain, terflavin A và B, axit chebulagic và corilagin. Đó là những hợp chất cấu tạo dựa trên acid tanic và acid galic, rất phổ biến trong gỗ, vỏ cây và cây trồng lấy lá, tan tốt trong nước nhưng phản ứng với protein. Tác dụng sinh học của tanin là khả năng tạo tủa với protein đóng góp vào tác dụng chữa tiêu chảy, cũng như tác dụng chống chảy máu. Do tanin có thể kết tủa với kim loại nặng và alkaloid nên thường dùng để chữa ngộ độc kim lọai và alkaloid. Về mặt này hay bất cứ nguồn nào của acid tanic đều mang lại lợi ích cho môi trường nước. Đặc biệt, axit humic được xem như là một loại kháng sinh cho cá và là thuốc diệt nấm (Phạm Văn Thanh và cộng sự, 2006).
Ngoài ra trong lá bàng còn được xác định là có các loại dầu dễ bay hơi như quercetin, corilagin, kamferolphenols, saponin, nhựa thơm, và squalene.
Các ứng dụng trên thủy sản
Lá bàng khô được xem là một loại thảo dược được nhiều nước trên thế giới nghiên cứu và sử dụng thành công trong điều trị bệnh về nấm, kí sinh trùng (Trichodina sp.,…) và kháng khuẩn (Aeromonas sp.,…). Tuy nhiên, ở Việt Nam vẫn chưa có nghiên cứu chính thức nào về hiệu quả của lá bàng khô trong việc phòng và điều trị bệnh cho động vật thủy sản
Theo Chansue N (2003) lá bàng khô có tác dụng trong việc kích thích và trong huyết học của cá xiêm chọi. Kết quả nghiên cứu của Chanagun Chitmanat (2004) cho biết, nồng độ thích hợp của lá bàng để điều trị Trichodina sp. trên cá rô phi là 800 ppm và nồng độ gây chết của lá bàng đối với cá rô phi giống là 46,66594 ml/L trong 16 giờ.
Trong nghiên cứu của tác giả Chanagun Chitmanat (2005), sự phát triển của chủng vi khuẩn Aeromonas hyd-rophyla đã bị ức chế ở nồng độ 0,5 mg/ml bởi chiết xuất của lá bàng khô, ngoài ra giải pháp này có thể làm giảm nhiễm nấm trong trứng cá rô phi. Theo Chansue N và Tangtrongpiros J (2006), lá bàng khô còn có khả năng làm giảm sán lá đơn chủ ký sinh trên cá diếc và có khả năng tái sinh đuôi và kích thích sự tăng trưởng của cá chép.
Năm 2009, tại Brazil khi nghiên cứu hiệu quả của chiết xuất dung dịch nước lá bàng đã kết luận rằng chiết xuất từ dung dịch lá bàng khô ở nồng độ 120 ml/L có hiệu quả trong việc kiểm soát sán lá đơn chủ và P. pillulareem, tuy nhiên nó không có tác dụng chống lại trùng quả dưa I. multifiliis sau 7 ngày điều trị. Hiện nay, các công trình về lá bàng và chiết xuất của nó vẫn được các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu.
Tại Việt Nam, trong dân gian, theo kinh nghiệm của những người nuôi cá cảnh, lá bàng khô được sử dụng để tạo màu, ngăn ngừa một số vi khuẩn và các loại nấm trên cá rồng và các loài cá ưa nước mềm như cá dĩa, cá thìa lìa. Chiết xuất từ lá bàng sẽ tái lập một môi trường gần tự nhiên hơn cho các loài cá. Cá rồng được sống trong môi trường có chứa chiết xuất từ lá bàng sẽ có những bộ vây đều to, dầy và sáng bóng, đồng thời khi va chạm mạnh cá ít có khả năng rụng vây. Những người có tham vọng cho cá rồng đẻ, việc áp dụng lá bàng thích hợp sẽ kích thích cá sinh sản khi đủ tuổi trưởng thành. Việc thay nước sẽ không cần thường xuyên vì lá bàng sẽ làm mất mùi hôi của nước và hồ cá. Theo kinh nghiệm của người chơi cá cảnh, chỉ chọn lá bàng khô, đã úa vàng hoặc rớt rụng có màu nâu đỏ. Mỗi lá bàng 10 cm sử dụng với 4 - 8 lít nước đối với cá rồng. Cắt nhỏ vụn lá bàng, cho vào bịch vải, đem ngâm trong bộ lọc để lá tiết ra nhựa và thường thì mỗi bịch như thế chỉ nên sử dụng trong khoảng 2 - 3 tuần, sau đó thay bịch khác với lá bàng mới.
Tuy nhiên, nước ta vẫn chưa có công trình nghiên cứu chính thức nào về việc sử dụng lá bàng khô để phòng và trị một số bệnh trên động vật thủy sản.
>> Lá bàng khô là một nguyên liệu dễ kiếm, có thể coi là một giải pháp khả thi cho việc thay thế hóa chất, kháng sinh trong thủy sản, tạo ra các sản phẩm an toàn, bảo vệ môi trường nhằm tạo ra sự bền vững trong nuôi trồng thủy sản. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã