Ngoài trồng chính vụ, nông dân đã mở rộng diện tích trồng trái vụ, nhờ vậy mang lại hiệu quả kinh tế cao với khoảng 200 triệu đồng/ha.
Mướp đắng hiện là cây trồng chủ lực trên vùng cát nội đồng ở tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ảnh minh họa: TTXVN
Với lợi thế có sẵn mạch nước tự nhiên, trong những năm gần đây, nhiều hộ dân ở thôn Tây Hoàng đã mạnh dạn đầu tư vốn, kỹ thuật để cải tạo vùng đất cát hình thành mô hình trồng mướp đắng tập trung đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhất là mướp đắng trái vụ.
Hiện nay, toàn thôn có 104 hộ tham gia trồng cây mướp đắng với tổng diện tích 15 ha. Mùa mướp đắng năm nay, gia đình anh Hoàng Phi Toàn ở thôn Tây Hoàng, xã Quảng Thái đưa vào trồng 5 sào (500 m2) mướp đắng. Hiện đã bước vào mùa thu hoạch, mỗi ngày đưa ra thị trường hơn 20kg mướp.
Anh Hoàng Phi Toàn cho biết, mướp đắng dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc và vốn đầu tư, nhưng năng suất cao và thích hợp với vùng đất cát của địa phương. Mỗi sào cho thu hoạch khoảng 5 - 6 tạ, thu nhập bình quân từ 10 - 12 triệu đồng. Mùa mướp đắng vụ trái vụ năm nay, không chỉ được mùa mà còn được giá, với 5 sào mướp đắng này, vụ năm nay gia đình tôi ước tính thu lãi khoảng 40 triệu đồng.
Để chủ động tìm kiếm đầu ra, ổn định thị trường tiêu thụ cho sản phẩm mướp đắng, đầu tháng 11/2018, UBND xã Quảng Thái đã hỗ trợ thôn Tây Hoàng thành lập Tổ hợp tác trồng và chế biến cây mướp đắng.
Tổ hợp tác phối hợp với các ban ngành liên quan tổ chức lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật trồng và chăm sóc mướp đắng, xúc tiến triển khai mô hình trồng mướp đắng đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP để có đầu ra ổn định và bán được giá cao; hỗ trợ xác lập nhãn hiệu, mẫu mã cho sản phẩm mướp đắng.
Tổ hợp tác cũng tập trung các nguồn lực để đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc thiết bị tiên tiến để chế biến các sản phẩm mướp đắng như sấy khô, từng bước phát triển nghề trồng mướp đắng trái vụ ngày càng vững mạnh, tạo việc làm cho lao động địa phương.
Năm nay, xã Quảng Thái đưa vào sản xuất 18 ha mướp đắng, năng suất ước đạt 12 tấn/ha, với giá dao động từ 10.000 - 15.000 đồng/kg tại thời điểm đại trà, ước tính nguồn thu nhập từ cây mướp đắng của nông dân khoảng 150 - 200 triệu/ha.
Để mô hình trồng mướp đắng trở thành thế mạnh phát triển kinh tế của địa phương, thời gian qua xã Quảng Thái đã có những chính sách hỗ trợ người dân phát triển sản xuất như tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, hướng đến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm mướp hữu cơ; bố trí quỹ đất để hình thành vùng sản xuất tập trung.
Ông Phạm Công Phước, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thái cho biết, mướp đắng là cây trồng phù hợp với vùng cát trắng của địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con. Thời gian tới, địa phương sẽ tập trung các nguồn lực để đầu tư, hỗ trợ xây dựng khu vực trồng mướp đắng tập trung theo hướng hữu cơ, VietGAP.
Đồng thời, quy hoạch để phát triển loại cây trồng này thay thế một số cây trồng kém hiệu quả; tập trung xây dựng thương hiệu "Mướp đắng Quảng Thái"; thành lập các tổ, nhóm hợp tác gắn hoạt động sản xuất với chế biến.
Bên cạnh đó, địa phương cũng tranh thủ các nguồn lực, lập dự án đầu tư xây dựng hệ thống điện, các tuyến giao thông, tạo thuận lợi cho người dân vận chuyển nông sản; kêu gọi đầu tư phát triển mô hình trà mướp đắng sấy khô… nhằm khai thác tốt tiềm năng lợi thế vùng cát, giúp người dân vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình./.
Theo Tường Vi/bnews.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã