Học tập đạo đức HCM

Ứng dụng khoa học tăng năng suất, chất lượng trong sản xuất nông nghiệp

Thứ năm - 09/03/2017 09:29
Nhằm định hướng, tạo điều kiện cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển trở thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp hàng hóa và thủy sản của cả nước, ngày 9/3, tại Cần Thơ, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo “Ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao năng suất và chất lượng trong sản xuất nông nghiệp”.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, Đồng bằng sông Cửu Long được coi là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước với 3 sản phẩm chủ lực là lúa gạo, thủy sản và trái cây. Hằng năm, toàn vùng sản xuất hơn 55% sản lượng lúa hàng hóa, 69% sản lượng thủy sản, 70% sản lượng trái cây của cả nước và đóng góp hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu. 

Tuy vậy, những con số này vẫn chưa phản ánh đúng tiềm năng nông nghiệp của vùng. Các sản phẩm nông nghiệp chất lượng không đều, thị trường không ổn định, đầu ra bấp bênh. Nhiều sản phẩm xuất bán vẫn nằm ở dạng thô khiến giá trị không cao. Thêm vào đó, nền nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước những khó khăn, thách thức, nổi bật là hai thách thức toàn cầu về biến đổi khí hậu và toàn cầu hóa kinh tế, hội nhập quốc tế. Điển hình là hiện tượng hạn hán, lũ lụt và xâm ngập mặn diễn ra trong thời gian qua gây trở ngại lớn cho quá trình sản xuất, canh tác nông nghiệp, làm giảm năng suất và chất lượng sản phẩm. 

Trong khi đó, quá trình toàn cầu hóa nền kinh tế lại đặt ra các yêu cầu khắt khe hơn đối với các mặt hàng nông sản. Trước bối cảnh trên, ông Trần Văn Tùng cho rằng, ngoài việc tìm các giải pháp nhằm giảm tác động biến đổi khí hậu, đề xuất các chương trình, chính sách tái cơ cấu ngành… thì việc ứng dụng khoa học công nghệ được xem là động lực then chốt cho sự phát triển của nền nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao. Khoa học và công nghệ được ứng dụng thông qua việc đưa các tiến bộ kỹ thuật vào quá trình sản xuất, thu hoạch, chế biến và bảo quản sau thu hoạch nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, nâng cao khả năng cạnh tranh, tiến đến nền nông nghiệp bền vững. 

Thu hoạch lúa mùa tại xã Long Chữ, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN

Bàn về các giải pháp phát triển ngành nông nghiệp nói chung, trồng trọt nói riêng tại Đồng bằng sông Cửu Long, Giáo sư Nguyễn Bảo Vệ, Nguyên Trưởng khoa Nông nghiệp trường Đại học Cần Thơ cho rằng, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là truyền thông nhằm thay đổi tư duy của nông dân. Ngày nay không còn quan niệm không biết làm nghề gì mới chọn nghề nông, mà nông dân phải là người làm chủ được máy móc nông nghiệp, biết ứng dụng khoa học trên đồng ruộng. Muốn được như vậy, nông dân cần phải chủ động nâng cao hiểu biết của mình bằng việc không ngừng học hỏi về kỹ thuật, về khoa học. 

Tiếp đến là sự chung tay của các Viện, trường để cung cấp cho người dân những giống cây trái chất lượng cao, năng suất tốt. Ngày nay, bằng việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chúng ta đã có rất nhiều giống cây trái mang nhiều tính năng vượt trội, được đưa vào sản xuất đại trà như: sầu riêng cơm vàng hạt lép, ổi không hạt, lúa cao sản… Các chuyên gia cũng cần hỗ trợ nông dân trong việc hoạch định vùng chuyên canh phù hợp với thổ nhưỡng từng vùng, cũng như liên kết sản xuất quy mô lớn, cùng xuống giống cùng thu hoạch. Điều này sẽ tránh được tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, giẫm chân nhau. Việc liên kết sản xuất còn giúp nhà nông có được sản lượng đầu ra ổn định, tránh bị tư thương ép giá, hoặc rơi vào cảnh được mùa mất giá - được giá mất mùa. 

Mô hình canh tác quy mô lớn cũng giúp nông dân dễ dàng ứng dụng khoa học công nghệ, máy móc cơ khí vào sản xuất từ khâu xuống giống đến khâu thu hoạch, như: máy gieo sạ, máy phun xịt tự động, máy gặt đập liên hợp… Đại diện Tập đoàn Buhler, ông Manuel Murenhoff nhấn mạnh đến tầm quan trọng trong khâu bảo quản sau thu hoạch. Theo đó, hiện nay nông dân chưa quan tâm đúng mức khâu như: phương tiện vận chuyển thô sơ khiến nông sản bị giập nhiều, nhiệt độ kho hàng bảo quản không thích hợp khiến rau quả dễ bị nấm bệnh xâm nhập... Những yếu tố trên khiến nông sản Việt Nam không đảm bảo chất lượng khi vận chuyển xa, trong thời gian dài. Tỷ lệ 8% thất thoát sau thu hoạch vẫn là con số quá lớn, cần phải giảm xuống dưới 6% bằng các giải pháp công nghệ. 

Thu hoạch bằng máy móc, vận chuyển bằng phương tiện chuyên dụng, lưu trữ trong hệ thống kho bãi đạt chuẩn là những giải pháp cần tuân thủ. Ông Manuel Murenhoff cho rằng, việc đầu tư chuỗi máy móc hiện đại ấy là bài toán khó cho từng nông hộ, nhưng liên kết thành các hợp tác xã, câu lạc bộ…thì sẽ dễ dàng giải quyết. Ngoài ra, cũng có thể nghĩ đến giải pháp doanh nghiệp đầu tư xây dựng và cho nông dân thuê lại theo nhu cầu. 
Tại Hội thảo, ông Manuel Murenhoff cũng đưa ra mô hình “Dữ liệu nông trường thông minh”, ở đó người nông dân chỉ thao tác trên hệ thống máy móc thay vì trực tiếp sản xuất. Cây trồng được quản lý chặt chẽ bằng hệ thống máy. Các thông số về điều kiện môi trường sẽ được chuyển về trung tâm dữ liệu, nông dân chỉ cần bấm nút điều chỉnh hệ thống tưới tiêu, giàn che cho phù hợp, thông qua các thiết bị thông minh có kết nối internet như điện thoại, macbook….. 

Nông phẩm được gặt hái, phân loại, đóng gói hoàn toàn bằng máy móc. Mô hình này giúp người sản xuất trở thành người quản lý, người sử dụng sản phẩm trở thành người tiêu dùng thông minh khi có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm mình sử dụng. 

Cuối cùng là câu chuyện xây dựng thương hiệu, ông Nguyễn Phú Cường, Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Phát triển Công nghệ sinh học Dona cho rằng, khi sản phẩm có thương hiệu đồng nghĩa với người tiêu dùng sẵn sàng chấp nhận giá thành sản phẩm cao hơn. Muốn được như vậy, người làm nông nghiệp phải luôn ý thức sản xuất nông nghiệp sạch bằng việc áp dụng các tiến bộ khoa học, tuân thủ nghiêm các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap. Sản phẩm có thể truy xuất nguồn gốc đồng nghĩa với nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm đến tận từng người tiêu dùng, chứ không phải dừng ở lúc xuất bán. Xây dựng thương hiệu còn phải là sự đầu tư đúng mức đến mẫu mã bao bì, đảm bảo “tốt gỗ tốt cả nước sơn”. 

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2016 sản lượng lúa của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 25,7 triệu tấn, tăng khoảng 6,4 triệu tấn so với năm 2005. Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 3,89 triệu tấn, tăng 21,5% so cùng kỳ năm 2015. Riêng trái cây, sản lượng hàng năm đạt khoảng 3,5 triệu tấn quả các loại, xuất khẩu tới 60 nước và vùng lãnh thổ, kim ngạch đạt trên 1,8 tỷ USD, tăng gần 8 lần so với năm 2005 đang tạo ra bước đổi mới toàn diện cho cả vùng, góp phần đáng kể vào thành tựu chung của cả nước.
 
Ánh Tuyết (TTXVN)
 Tags: nông nghiệp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập399
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm398
  • Hôm nay52,622
  • Tháng hiện tại757,735
  • Tổng lượt truy cập90,821,128
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây