Hiện nay, ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL, máy cấy lúa đã được sản xuất chấp nhận như là một giải pháp trong việc ứng dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy lúa nhằm giảm lượng hạt giống gieo sạ, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động, tăng năng suất - chất lượng lúa gạo và qua đó tăng hiệu quả kinh tế sản xuất lúa. Chính vì thế, nhiều địa phương đang bắt đầu nhân rộng mô hình lúa cấy máy, không những cho sản xuất giống, sản xuất lúa an toàn mà còn cho sản xuất lúa thương phẩm đại trà vì tính hiệu quả của giải pháp cấy máy.
Điều đặc biệt là, ngoài những lợi thế mang tính “định lượng”, dễ nhìn thấy như trên thì lúa cấy máy còn thể hiện được hai đặc tính nổi trội, là có khả năng thích ứng hơn với điều kiện biến đổi khí hậu so với các hình thức xuống giống khác đang phổ biến hiện nay (như sạ lan, sạ hàng…). Hai đặc tính nổi trội đó là: (1) Khả năng chống đổ, ngã giai đoạn trổ – chín (chủ yếu vụ Hè Thu và Thu Đông) và (2) Khả năng phòng, chống hạn, mặn (cuối vụ đông xuân) hàng năm.
Về đặc tính thứ nhất, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy trên các cánh đồng lúa vụ Hè Thu hoặc Thu Đông, qua mỗi cơn mưa hay những trận gió tương đối lớn, hầu như phần lớn các ruộng lúa sạ, đặc biệt là những ruộng lúa sạ lan, sạ dày đang trong giai đoạn trổ – chín đều ngã, đổ rạp trên mặt ruộng. Điều này thật là bất lợi cho khâu thu hoạch vì lúa sẽ rơi vãi, thất thoát nhiều hơn, chi phí cho thu hoạch sẽ cao hơn, và thậm chí sản lượng lúa thu hoạch có thể mất trắng nếu ruộng lúa ngã, đổ ở giai đoạn hạt lúa chưa ngậm sữa.
Ngược lại với ruộng lúa sạ, đối với ruộng lúa cấy, do được cấy thưa nên ruộng lúa thông thoáng, ruộng lúa tiếp nhận đầy đủ ánh sáng, thân lúa phát triển cân đối, cứng cây, cộng vào đó do được cấy sâu, rễ lúa và một phần thân lúa cắm chặt trong lòng đất nên dường như cả ruộng lúa vẫn đứng vững, không ngã, đổ cho dù gặp gió, mưa lớn. Có thể nói, đây là lợi thế dễ nhận thấy nhất của lúa cấy, đặc biệt là trong vụ Hè Thu và Thu Đông hàng năm.
Tình trạng lúa đổ ngã giữa giữa ruộng cấy (bên trái) và ruộng sạ (bên phải)
Về đặc tính thứ hai – khả năng phòng, chống hạn mặn của lúa cấy, đây được xem là đặc tính cơ bản, lợi thế chính khi xét về tính thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu của lúa cấy. Lợi thế này được xem xét trên ba khía cạnh:
Thứ nhất, chúng ta biết, thời gian sinh trưởng của lúa cấy ngắn hơn so với lúa sạ từ 5 – 7 ngày (trong vụ Đông Xuân và Hè Thu). Điều này đồng nghĩa với việc giải pháp cấy đã giúp rút ngắn được thời gian cây lúa đứng trên đồng, do đó giúp cây lúa né tránh được những điều kiện bất lợi của môi trường, như hạn, mặn vào cuối vụ (nếu có xảy ra).
Thứ hai, thường những ngày đầu vụ Đông Xuân hàng năm vẫn còn những cơn mưa cuối mùa, thậm chí những ngày mưa lớn, kéo dài, rất dễ làm trôi giống, chết giống, đặc biệt những năm được dự báo xảy ra hạn, mặn cuối vụ phải đẩy sớm lịch thời vụ (như vụ Đông Xuân 2019 – 2020 và 2020 – 2021). Tuy nhiên, với giải pháp cấy thì có thể thực hiện việc xuống giống trong mọi điều kiện thời tiết, không sợ bị trôi giống, chết giống như giải pháp sạ.
Thứ ba, lúa cấy có bộ rễ ăn sâu nên tăng khả năng chịu hạn trong điều kiện thiếu nước cuối vụ... (điều này chúng ta có thể quan sát thấy bộ lá ruộng lúa cấy giữ màu xanh rất lâu so với ruộng lúa sạ, mặc dù ruộng đã rút cạn nước để thu hoạch).
Từ kết quả thuyết phục của mô hình lúa cấy máy, đến nay đã có nhiều địa phương vùng ĐBSCL tiếp cận và nhân rộng, không những cho ruộng sản xuất giống, ruộng sản xuất lúa an toàn, lúa hữu cơ mà còn phục vụ cho sản xuất lúa thương phẩm do hiệu quả kinh tế và khả năng thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu mang lại.
Cũng từ tính thuyết phục của mô hình lúa cấy máy, Bộ Nông nghiệp & PTNT đã phê duyệt mới 02 dự án về ứng dụng máy cấy tại các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang (giai đoạn 2019 – 2021) và Sóc Trăng, Hậu Giang, Tiền Giang (giai đoạn 2020 – 2022). Bộ Nông nghiệp & PTNT cũng đã có chủ trương đẩy mạnh cơ giới hóa khâu gieo cấy lúa và đã tổ chức lễ phát động vào ngày 29/11/2019 tại Hậu Giang.
Có thể nói giải pháp cấy lúa bằng máy, ngoài hiệu ứng thuần về hiệu quả kinh tế mang lại thì khả năng thích ứng với điều kiện khí hậu ngày càng biến đổi được xem là giải pháp canh tác hiệu quả và khả thi, cần được nhân rộng./.
Theo Ngô Văn Đây/khuyennongvn.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã