1. Trừ cỏ ruộng lúa.
1.1. Trừ cỏ ruộng lúa gieo thẳng:
- Nhóm thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm: Sử dụng các loại thuốc có nhóm hoạt chất: Pretilachlor + Fenclorim (chất an toàn) hoặc Butarchlo + Fenclorim (chất an toàn). Các loại thuốc có tên thương phẩm như: Sofit 300EC, Frefit 300EC, Ancofit 300EC, Vithafit 300EC, Michelle 62ND, New Heco 600EC v.v… Thời điểm phun sau khi gieo 1-4 ngày, tháo cạn nước trước khi phun; nếu thời tiết ấm thì phun sớm, lạnh thì phun muộn; khi phun thuốc duy trì đất đủ ẩm, nếu gặp mưa thì đắp bờ giữ nước sau 10 – 12 giờ mới tháo ra. Khi cây lúa có lá thật thì cho nước vào lấp xấp mặt ruộng.
Lưu ý: chọn đúng loại thuốc trừ cỏ sử dụng cho lúa gieo, có thể phối trộn với các loại thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm sớm để tăng hiệu lực trừ cỏ; không phun thuốc khi nhiệt độ dưới 16oC.
- Nhóm thuốc hậu nảy mầm sớm: Sử dụng các loại thuốc có các nhóm hoạt chất sau: Acetochlor, Bensulfuron Methyl, Butachlor, Bentazone, Cyhalofop-butyl: Các loại thuốc thương phẩm hiện có trên địa bàn tỉnh như: Sharon 100WP, Beron 10WP, TopSuper 460WP, Aloha 25WP v.v…, pha 10-15g thuốc vào 20 lít nước, phun cho 1 sào 500m2; Bensagran 480SL, pha 100ml thuốc vào 20 lít nước, phun cho 1 sào 500m2.
Căn cứ điều kiện tình hình thời tiết và thực tiễn đồng ruộng để quyết định thời gian xử lý thuốc thích hợp; phun sau gieo từ 5 - 10 ngày hoặc khi cây cỏ bắt đầu có lá thật.
1.2. Trừ cỏ ruộng lúa cấy
- Nhóm thuốc hậu nảy mầm sớm: Sử dụng các loại thuốc có các nhóm hoạt chất sau: Butachlor, Pyrazosulfuron Ethyl: Các loại thuốc thương phẩm hiện có trên địa bàn như: Butavi 60EC, Butan 60EC, Heco 600EC, Kocin 60EC, Taco 600EC, Sunrus 100WP..., tiến hành phun thuốc sau cấy từ 5-7 ngày, pha 50 ml (10gr) thuốc vào 20 lít nước, phun cho 1 sào 500m2. Duy trì mức nước 2-3 cm không để lộ mặt ruộng.
- Nhóm thuốc hậu nảy mầm muộn: Sử dụng các loại thuốc có các nhóm hoạt chất sau: Ethoxysulfuron, Acetochlor, Bensulfuron Methyl, Propisochior. Các loại thuốc thương phẩm hiện có trên địa bàn tỉnh như: Sunrice 15WDG, Ferim 18.5WP, Aloha 25WP, Alphadax 250WP…, (phun thuốc sau cấy 7-10 ngày hoặc lúa gieo đã có trên 3 lá).
* Lưu ý: Để nâng cao hiệu lực thuốc trừ cỏ cần thực hiện tốt các biện pháp canh tác như: Làm đất kỹ, san phẳng mặt ruộng, điều tiết nước hợp lý; tháo cạn nước để lộ cỏ khỏi mặt nước trước khi phun, sử dụng đúng loại thuốc, pha đúng nồng độ, đủ lượng nước theo khuyến cáo, phun kỹ không để sót lối, chồng lối; không phun thuốc vào những ngày nhiệt độ xuống thấp dưới 16oC, trời có mưa.
1.3. Trừ cỏ lồng vực (cỏ mỳ, cỏ vấc), đuôi phụng, chác, lác.
Sử dụng các loại thuốc có hoạt chất: Cyhalofop butyl, Quinclorac, Cyhalofop-butyl có tên thương phẩm như: Pitagor 550WP, Ankill A40WP, Ekill 37 WDG, Elano 20EC, Adore 25SC
Thời điểm phun 15 – 20 ngày sau gieo khi lúa đã có 3 lá trở lên, cỏ mọc dưới 3 lá, nếu muộn hơn phải tăng liều lượng thuốc. Tháo cạn nước cho cỏ lộ ra, phun đều ướt đẫm lá cỏ, sau khi phun 2 ngày đưa nước trở lại ngập ngọn cỏ. Không phun thuốc khi nhiệt độ dưới 20oC, trời có mưa.
Lưu ý: Để hạn chế cỏ dại trên ruộng đặc biệt là các loại cỏ lồng vực, đuôi phụng, chác, lác thì cần phải làm đất sớm trước thời vụ thừ 1 đến 2 tháng để cỏ phân hủy. Sau khi cày bừa thu gom cỏ đưa ra khỏi ruộng. Nhổ bỏ triệt để những cây cỏ còn sót trên ruộng lúa trước khi cỏ ra hoa.
2. Trừ cỏ ruộng màu (lạc, đậu, vừng, ngô…):
- Thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm: Sử dụng các loại thuốc có các nhóm hoạt chất sau: Acetochlor, Oxyfluorfen, Oxadiazon, Butachlor, S-Metolaclor: Các loại thuốc thương phẩm như: Antaco 500EC, Dibstar 50EC, Ronstar 25EC, Heco 600 EC, Dual gold 960EC, Catholis 450EC… Sau khi gieo, trỉa hạt 1-3 ngày tiến hành phun thuốc, giữ đất đủ ẩm sau khi phun thuốc, nếu đất quá khô thì phải tưới ẩm đất rồi mới phun thuốc./.
- Thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm: Sử dụng các loại thuốc có hoạt chất Fluazifop-P-Butyl, Quizalofop-P-Eutyl có tên thương phẩm như: Sai one 15EC; Cariza 5EC… phun thuốc sau khi gieo trỉa 9-14 ngày (cỏ có từ 3-6 lá).
3. Trừ cỏ khai hoang.
Glyphosate IPA Satl là hóa chất diệt cỏ hậu nảy mầm không chọn lọc có độ độc cao, mục đích chính chủ yếu sử dụng để khai hoang trên những vùng đồi núi, đồn điền cao su, cà phê… xa khu dân cư. Tuy nhiên thời gian qua bà con nhân dân lạm dụng loại hóa chất diệt cỏ này, không tuân thủ kỹ thuật, nồng độ, liều lượng, sử dụng trên đồng ruộng, diệt cỏ bờ, cỏ vườn nhà, gần khu dân cư, nơi công cộng, gần nguồn nước v.v… gây ra nguy cơ ô nhiễm môi trường đất, nguồn nước, không khí, ảnh hưởng sức khỏe con người. Các địa phương cần tuyên truyền, khuyến cáo bà con nhân dân hạn chế tối đa việc sử dụng hóa chất diệt cỏ độc hại. Đến ngày 30/6/2021 Thông tư số 06/2020/TT-BNNPTNT có hiệu lực sẽ cấm hoàn toàn việc buôn bán, sử dụng đối hóa chất diệt cỏ Glyphosate IPA Satl . Để hạn chế ruộng hoang hóa cần tăng cường các biện pháp làm đất, làm cỏ thủ công, luân canh, xen canh cây trồng để hạn chế cỏ dại.
Theo Hoàng Thắm/locha.hatinh.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã