Học tập đạo đức HCM

Đa dạng hóa dược liệu cổ truyền bằng công nghệ hiện đại

Thứ sáu - 17/07/2020 21:48
Các nhà khoa học đã xây dựng một mô hình phát triển dược liệu có khả năng tạo ra sinh kế mới cho người dân vùng Tây Bắc từ chính các cây bản địa quý như tam thất, đan sâm, ô đầu, ý dĩ.

Ngày nay, việc tìm kiếm các hoạt chất tự nhiên có hoạt tính sinh học cao để làm thuốc là một xu thế được rất nhiều các nhà khoa học quan tâm.

 

Đan sâm - một loại dược liệu quý.

Vùng Tây Bắc với điều kiện tự nhiên phù hợp cho nhiều cây dược liệu quý đã được biết đến như: Ô đầu, đương quy, hà thủ ô đỏ, ba kích, phòng phong, cốt toái bổ... Mặc dù có nhiều lợi thế về phát triển cây dược liệu, nhưng Vùng Tây Bắc chưa khai thác mạnh mẽ thế mạnh này để phục vụ cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế của tỉnh, các loại cây dược liệu được trồng nhỏ lẻ manh mún, chưa quy hoạch phân vùng cụ thể để phát triển mạnh mẽ, quy trình trồng, chăm sóc, thu hái chủ yếu là kinh nghiệm truyền thống chưa theo các quy chuẩn.

Vì vậy cần có nghiên cứu tạo ra sự liên kết từ khâu trồng dược liệu, bảo tồn, phát triển dược liệu tạo nguồn nguyên liệu chất lượng, tiếp đến là tạo ra các sản phẩm trung gian như dược liệu sạch, cao dược liệu... và tạo ra sản phẩm là thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm... Đây chính là cơ sở quan trọng cho sự phát triển một cách bền vững dược liệu tại Việt Nam.

Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu của Khoa Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu phát triển (theo hướng GACP) và bào chế một số chế phẩm từ dược liệu Ô đầu, Ý dĩ, Tam thất, Đan sâm ở vùng Tây Bắc” thuộc Chương trình KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc. Với mục tiêu thúc đẩy việc trồng trọt các cây đan sâm, tam thất, ô đầu, ý dĩ, xây dựng cơ sở khoa học của các cây dược liệu này, phối hợp với các đơn vị sản xuất dược phẩm để thay thế nguồn nguyên liệu ngoại nhập và góp phần cải thiện cuộc sống của người dân nơi đây.

Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Hải - Phó Chủ nhiệm Khoa Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ nhiệm của đề tài nói trên, công nghệ hiện đại kết hợp với y học cổ truyền đang là xu thế của khoa học chăm sóc sức khỏe hiện nay. Phát triển thuốc hiện đại trên cơ sở thuốc cổ truyền có một lợi điểm rất lớn là có nguồn gốc tự nhiên và tác dụng đã được khẳng định từ lâu trong thực tiễn điều trị. Tuy nhiên tác dụng của thuốc cổ truyền mới ở mức kinh nghiệm nên rất cần thiết phải được soi sáng bằng các tri thức khoa học hiện đại.

Trước đây, đan sâm, tam thất, ô đầu, ý dĩ và nhiều cây thuốc khác đã từng được trồng ở Tây Bắc nhưng dần bị mai một vì người dân không tìm được đầu ra cho sản phẩm. Trong khi đó, mỗi năm nước ta cần khoảng 50.000-60.000 tấn dược liệu nhưng nguồn cung trong nước mới chỉ đáp ứng được 1/4, còn lại vẫn phải nhập khẩu. Hậu quả là không chỉ lãng phí tiềm năng dược liệu sẵn có mà còn tác động ngược trở lại, nông dân trồng dược liệu không bán được nên lại quay về làm nương trồng ngô và các cây lương thực... lâu ngày việc trồng các cây dược liệu này cũng bị mai một dần.

Để có được quy trình cụ thể về trồng trọt, thu hái và chế biến bốn loại dược liệu này, PGS.TS. Nguyễn Thanh Hải và nhóm nghiên cứu phải phân tích đặc điểm hình thái của từng loại cây, điều kiện tự nhiên và thực trạng trồng từng loại cây ở các địa phương khác nhau thuộc vùng Tây Bắc.

Qua đó, nhóm nghiên cứu đã rút ra được một kết luận là nhiều nơi trên địa bàn Tây Bắc thích hợp phát triển các cây dược liệu này, trong đó phải kể đến một số địa danh như: Cây ô đầu phù hợp nhất trồng tại huyện Quản Bạ (Hà Giang); cây ý dĩ phù hợp trồng tại huyện Mù Cang Chải (Yên Bái); cây đan sâm phù hợp trồng tại huyện Bắc Hà (Lào Cai); cây tam thất phù hợp trồng tại huyện Si Ma Cai (Lào Cai).

Song song với quá trình khảo sát và chuẩn bị quy trình GACP trong trồng trọt, thu hái và bảo quản, nhóm nghiên cứu đã thực hiện một cách kỹ lưỡng nhiều phân tích thành phần dược chất của đan sâm, tam thất, ô đầu và ý dĩ trong phòng thí nghiệm. PGS.TS. Nguyễn Thanh Hải cho biết, cả bốn loại cây này đều được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc dân gian với những tác dụng khác nhau như hoạt huyết (đan sâm, tam thất), trị đau nhức xương khớp (ô đầu) và bổ tỳ (ý dĩ). Tuy nhiên, đây chỉ là kinh nghiệm trong dân gian, để phát triển việc sử dụng thuốc ổn định và hiệu quả, phải đánh giá các hoạt tính sinh học cụ thể và chứng minh trên các mô hình thực nghiệm. Nếu chỉ dựa trên kinh nghiệm thì rất dễ bị nhầm lẫn, PGS.TS. Nguyễn Thanh Hải cho biết.

 

PGS.TS Nguyễn Thanh Hải - Phó Chủ nhiệm Khoa Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: VGP/Phương Liên

Nhóm nghiên cứu đã tạo ra nhiều sản phẩm từ những nhóm hợp chất được tách chiết từ bốn loại cây này. Bên cạnh việc phơi khô và sắc uống, từ lâu các loại cây này còn được dùng làm thực phẩm (gà hầm tam thất, cháo ấu tẩu từ ô đầu,…) cho tới mỹ phẩm (bột trắng da ý dĩ)… với nhiều phương thức sử dụng khác nhau. PGS. Nguyễn Thanh Hải cho hay, nếu tạo ra nhiều sản phẩm từ các hợp chất tách chiết từ các loại cây này, chẳng hạn như nước uống tam thất, bột gia vị, cháo ăn liền… thì sẽ góp phần kích thích nhu cầu của người tiêu dùng.

Thành công trong việc xây dựng mô hình phát triển dược liệu cho 4 cây: Đan sâm, tam thất, ô đầu, ý dĩ – từ quy trình nuôi trồng cho đến việc kết nối với doanh nghiệp, đã gợi ý cho PGS.TS. Nguyễn Thanh Hải và nhóm nghiên cứu về mô hình kết nối giữa doanh nghiệp với người nông dân trồng dược liệu ở vùng Tây Bắc.

Theo nhà khoa học này, nếu người dân, địa phương đã có tập quán trồng dược liệu gì thì nhà khoa học và doanh nghiệp nên cùng hợp tác để khoa học hóa và phát triển thị trường. Như vậy sẽ nhanh chóng tạo ra được dược liệu hàng hóa hơn, tránh phải qua các giai đoạn thử sai. Khi sản xuất dược liệu đã nền nếp thì việc phát triển thêm chủng loại hoặc diện tích trồng sẽ thuận lợi hơn.

Nhật Nam

Nguồn tin: chinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập406
  • Hôm nay53,805
  • Tháng hiện tại850,503
  • Tổng lượt truy cập90,913,896
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây