Theo thông tin từ Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Hà Nam cho biết, sau nhiều năm triển khai và đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tỉnh đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng.
Cụ thể, trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp: Công nghệ sinh học tạo ra được các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, tạo ra được các loại phân sinh học, các chất kích thích sinh trưởng, các chế phẩm vi sinh bảo vệ cây trồng, tạo ra được các thức ăn giàu chất dinh dưỡng, các loại thuốc thú y, các loại vắc xin phục vụ chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản. Ngoài ra, công nghệ sinh học còn được ứng dụng trong bảo quản và chế biến nông sản, phát triển, duy trì và lưu giữ các nguồn gen quý hiếm, cải tạo giống cây con. Công nghệ sinh học cũng góp phần không nhỏ vào lĩnh vực thủy sản, tạo ra các giống sạch bệnh và tạo ra công nghệ xử lý môi trường nuôi, công nghệ sản xuất thức ăn đơn bào cho giai đoạn ấu trùng của công nghệ sản xuất giống. Kết quả này được coi là khâu đột phá cực kỳ quan trọng, có tính quyết định cho công nghệ nuôi trồng thủy sản xuất khẩu.
Tong lĩnh vực y tế việc ứng dụng công nghệ sinh học là phát triển công nghệ sản xuất vắc xin phục vụ các chương trình tiêm chủng mở rộng, góp phần thanh toán bệnh bại liệt. Gần đây, ngành y tế đã nghiên cứu, làm chủ công nghệ tạo ra quy trình sản xuất vắc xin viêm gan B thế hệ mới, các công nghệ nhân gen, giải mã gen và đưa vào ứng dụng trong lĩnh vực quốc phòng, phục vụ cho việc xác định danh tính hài cốt liệt sỹ, nhận dạng huyết thống, kỹ thuật hình sự.
Trong lĩnh vực môi trường: đã tạo ra công nghệ xử lý chất thải lỏng hữu cơ, xử lý phân gia súc, ô nhiễm dầu mỏ… và đã được ứng dụng ở nhiều cơ sở sản xuất...
Ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ảnh minh họa
Tại Hà Nam, hoạt động ứng dụng công nghệ sinh học đã đạt một số kết quả quan trọng, tập trung chủ yếu vào việc đưa một số công nghệ tiên tiến, đạt hiệu quả vào lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản.
Trong trồng trọt, Hà Nam đã tiếp thu được công nghệ sản xuất hạt giống lai F1, sản lượng giống hằng năm đáp ứng 50% nhu cầu toàn tỉnh, triển khai trồng khảo nghiệm các giống lúa lai, ngô lai, đậu tương, lạc có năng suất chất lượng cao bổ sung vào cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ của tỉnh. Tỷ lệ diện tích lúa lai hàng năm chiếm từ 30 - 40% tổng diện tích gieo cấy, năng suất lúa đạt 11 tấn/ha, góp phần đảm bảo an ninh lương thực. Hà Nam bước đầu triển khai thực hiện thành công dự án hoa ứng dụng công nghệ cao, mở ra một tiềm năng mới trong nông dân, nông thôn Hà Nam, đặc biệt là ở những địa phương có điều kiện phát triển nghề trồng hoa.
Trong chăn nuôi, mô hình chăn nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm chi phí chăn nuôi, hạn chế dịch bệnh... Mô hình tổ chức sản xuất giống tiêu chuẩn cho gà móng Tiên Phong (Duy Tiên) sinh sản để bảo vệ nguồn gen quý; ứng dụng một số giải pháp khoa học công nghệ nhằm nâng cao tỷ lệ sinh bê cái bằng tinh phân định giới tính; sử dụng kỹ thuật tách rắn - lỏng trong xử lý chất thải chăn nuôi; bảo tồn giống cá trối quý hiếm của tỉnh; chương trình Sind hóa đàn bò, cải tạo đàn dê địa phương bằng dê đực Bách Thảo, tiến hành nạc hóa đàn lợn, nuôi ngan Pháp… bằng nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Công tác nuôi trồng thủy sản: đã tiến hành cho cá chim trắng, cá trắm đen đẻ nhân tạo, nhân nhanh giống cá chép lai 3 máu, nuôi tôm càng xanh, cá rô phi đơn tính, cá trê lai mang lại hiệu quả kinh tế cao, cải thiện đáng kể được mức sống của người chăn nuôi.
Lĩnh vực Y học: Xây dựng thành công và duy trì Mô hình cấp cứu trước bệnh viện; Hoàn thành đề tài nghiên cứu về phòng chống thiếu máu thiếu sắt, qua đó đã góp phần thiết thực giảm tỷ lệ thiếu máu thiếu sắt ở bà mẹ và trẻ em, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi năm 2015 còn 13% (vượt chỉ tiêu Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra).
Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường: Đã ứng dụng công nghệ Biogas xử lý chất thải chăn nuôi và tạo nguồn khí đốt, ứng dụng công nghệ vi sinh trong việc xử lý nước thải tại Bệnh viện đa khoa tỉnh...
Mặc dù bước đầu đạt được một số kết quả khá tích cực, tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ sinh học trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đáp ứng với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhân lực nghiên cứu, phát triển công nghệ, quản lý và sản xuất kinh doanh công nghệ sinh học còn nhiều hạn chế… Nhiều mô hình ứng dụng mới chỉ dừng ở mức thử nghiệm, chậm nhân ra diện rộng trong sản xuất và đời sống. Một số công nghệ nhân giống cây, con truyền thống có giá trị kinh tế cao được đề xuất, nhưng chậm đưa vào sản xuất. Kinh phí cho áp dụng công nghệ sinh học chưa được đầu tư thỏa đáng... Đội ngũ cán bộ chuyên môn về công nghệ sinh học còn thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng…
Theo vietq.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã