Vào tháng 4/ 2021, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Gia Lai đã xây dựng mô hình "Sản xuất giống sạch bệnh, thâm canh, quản lý tổng hợp phòng trừ bệnh khảm lá do virus gây hại tại vùng trồng sắn trọng điểm". Theo đó, 15 hộ gia đình được tham gia dự án trên diện tích 20ha với tổng kinh phí gần 200 triệu đồng.
Để triển khai dự án, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Thiện thực hiện xuống giống 2 đợt cuối tháng 4 và cuối tháng 5/2021. Những hộ tham gia dự án được hỗ trợ 50% giống và phân bón theo hình thức đối ứng.
Ghi nhận tại xã Chrôh Pơnan (huyện Phú Thiện), sau gần 6 tháng trồng thử nghiệm, giống sắn KM 94 đã tạo ra sự khác biệt khi cây sắn kháng bệnh khảm lá rất hiệu quả, năng suất mang lại vượt trội. Vườn cây sắn phát triển rất đồng đều, có chiều cao trung bình trên 1m.
Thậm chí, ở những vùng đất tốt, cây sắn đạt chiều cao trên 1,5m. Đặc biệt, giống sắn này phần lớn lá không bị xoăn, củ dài gấp đôi so với giống trước đó người dân trồng.
Ông Hoàng Trọng Lâm (thôn Yên Phú 2, xã Chrôh Pơnan) cho biết, trước đây gia đình có 4 ha trồng sắn nhưng phần lớn bị bệnh khảm lá. Sau khi được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ, gia đình quyết định trồng thử nghiệm 1ha giống sắn KM 94.
So với các giống sắn trước đây gia đình trồng, KM 94 phát triển tốt hơn rất nhiều, lá không bị bệnh nên năng suất rất đạt hiệu quả. Cụ thể, giống sắn KM 94 có chiều cao khoảng 1,7m (cao hơn khoảng 50cm so với giống cũ), lá to và xanh hơn.
Nếu so với giống sắn khác trồng từ tháng 10/2020 thì giống KM 94 (trồng tháng 4/2021) cho củ to hơn rất nhiều. Ước tính đến thời điểm hiện tại, sắn KM 94 cho năng suất khoảng 32 tấn/ha
“Gia đình tôi trồng giống sắn KM 94 từ tháng 4/2021 và hiện đã có thể thu hoạch. Tuy nhiên, gia đình quyết giữ lại để qua Tết mới thu hoạch nhằm nhân giống cho vụ sau”, ông Lâm nói và cho biết, trong thời gian tới, gia đình sẽ bỏ hết giống sắn trước đó để chuyển qua trồng giống KM 94.
Ông Hoàng Duy Hoàn, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Tiến (huyện Phú Thiện) cho biết, với mô hình thử nghiệm giống sắn KM 94, các hộ dân được hỗ trợ 50% cây giống và phân bón. Cụ thể, trung bình 1ha, người dân được hỗ trợ hơn 1 triệu tiền giống và 9 bao phân lân, urê, kali.
Ông Hoàn cho biết thêm, nếu như giống sắn trước đó người dân trồng chỉ đạt trên 10 tấn/ha thì với giống KM 94 phải đạt trên 30 tấn/ha. Giá thời điểm hiện tại hơn 2.000 đồng/kg, như vậy 1ha sắn người dân thu lợi nhuận hơn 60 triệu đồng.
“Người dân nhìn thấy giống KM 94 rất mê và cũng muốn nhân rộng diện tích trồng cho các vụ sau. Tuy nhiên, nhiều người dân lo ngại nguồn giống khan hiếm không đủ cung cấp cho thị trường”, ông Hoàn chia sẻ.
Ông Trịnh Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Gia Lai cho biết, những năm qua, bệnh khảm lá hoành hành tại các vùng có diện tích trồng sắn lớn như huyện Krông Pa, Ia Pa, Phú Thiện và Thị xã Ayun Pa.
Với việc đưa mô hình thử nghiệm KM94 tại huyện Phú Thiện, người dân đã có cơ hội tiếp cận được giống sắn sạch bệnh, cho năng suất cao. Đến thời điểm này, bà con đã trồng được hơn 5 tháng, cây sắn phát triển tốt, không bị bệnh khảm lá. Như vậy có thể khẳng định, năng suất sắn chắc chắn sẽ không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Theo ông Việt, có nhiều lý do để giống sắn KM 94 mang lại thành công khi trồng thử nghiệm trên địa bàn huyện Phú Thiện. Đầu tiên, giống KM 94 được nhập từ Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam (Bộ NN-PTNT) nên có sự chọn lọc, có khả năng kháng rất tốt với bệnh khảm lá. Bên cạnh đó, khi đem giống này trồng thử nghiệm tại Phú Thiện, người dân cũng được hướng dẫn về cách quản lý, chăm sóc, xử lý hom giống trước khi trồng.
Ngoài ra, khi gieo trồng, người dân còn được hướng dẫn cách quản lý, diệt trừ bọ phấn trắng, mầm mống gây ra bệnh khảm lá. Đặc biệt, với mô hình thử nghiệm này, người dân được hỗ trợ phân bón đầy đủ nên cây sắn phát triển tốt, từ màu sắc đến độ dày của lá tương đối đạt hiệu quả.
Dù giống KM 94 kháng bệnh khảm lá rất tốt nhưng ông Việt vẫn khuyến cáo người dân không được chủ quan vì nếu không chăm sóc tốt, sắn rất dễ nhiễm bệnh. Chính vì vậy, người dân cần phải nâng cao công tác phòng bệnh ngay từ đầu để tránh thiệt hại về sau.
“Mục tiêu của mô hình thử nghiệm nhằm tuyên truyền về giống sắn kháng bệnh khảm lá hiệu quả để từ đó nhân rộng đến các hộ dân”, ông Việt chia sẻ.
Ông Mai Ngọc Quý, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phú Thiện cho biết, qua mấy tháng theo dõi nhận thấy, KM 94 là một trong những giống sắn sạch, khỏe mạnh và gần như không bị bệnh khảm lá.
Đặc biệt, giống KM 94 sinh trưởng và phát triện rất tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Năng suất dự kiến sau khi thu hoạch khoảng 35 tấn/ha, với giá sắn như thời điểm hiện tại thì người dân có mức thu nhập ổn định.
“Trong thời gian tới, khi Sở NN-PTNT phối hợp với UBND huyện Phú Thiện tổ chức hội thảo giới thiệu giống mì (sắn) KM 94, chúng tôi cũng sẽ tham mưu huyện đề xuất với tỉnh nhân rộng mô hình này để người dân thay thế những giống sắn bị nhiễm bệnh khảm lá”, ông Quý nói và cho biết, trên toàn huyện có khoảng 7.000 ha sắn sử dụng giống cũ kém hiệu quả.
Tuấn Anh/https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã