11ha cam chanh của THT cam VietGAP Xuân Trường (xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê) và THT sản xuất cam VietGAP Khe Thờ (thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc) được sản xuất theo quy trình đạt tiêu chuẩn VietGAP, hoàn toàn không sử dụng thuốc trừ cỏ, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình bón phân, phòng trừ sâu bệnh với các loại thuốc sinh học, phân bón vi sinh. Cùng với việc được trồng trên vùng đất đồi núi nên sản phẩm cam rất ngon, ngọt đậm vị, khác biệt hoàn toàn so với cam trồng ở các vùng khác. Thế nhưng, khi đưa sản phẩm ra thị trường, giữa một rừng các loại cam na ná nhau, các THT không có cách nào để người tiêu dùng biết được sản phẩm của mình tốt hơn và đầu mối tiêu thụ chủ yếu vẫn chỉ qua thương lái, các chợ truyền thống.
Với quyết tâm chứng minh hàng "chính hãng", góp phần bảo vệ danh tiếng cho sản phẩm cam Khe Thờ, cam Xuân Trường, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã triển khai dự án “Xây dựng mô hình sản xuất cam có truy xuất nguồn gốc và liên kết tiêu thụ sản phẩm tại Hà Tĩnh” với quy mô 11 ha, 7 hộ tham gia tại 2 tổ hợp tác của xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê và thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc. Tham gia mô hình các THT được hỗ trợ chứng nhận quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, chuyển đổi số, hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc và kết nối sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Dự án được triển khai thực hiên từ tháng 3/2021.
Để truy xuất được nguồn gốc mọi thông tin về sản phẩm, ngay từ khi triển khai cán bộ kỹ thuật đã bám sát các hộ dân hướng dẫn thực hiện đúng quy trình, giám sát nghiêm ngặt quá trình thực hiện, ghi chép đầy đủ các thông tin về quá trình sản xuất từ mua vật tư đầu vào, chăm bón, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đến thu hoạch sản phẩm. Bước tiếp theo hướng dẫn các hộ dân khai báo các thông tin về quy trình sản xuất, nhật ký sản xuất, tạo sản phẩm và đưa lên cổng thông tin điện tử camhatinh.gov.vn thông qua thiết bị điện thoại thông minh và máy tính. Sau khi tạo sản phẩm thành công trên hệ thống, mỗi THT sẽ có một mã QR Code riêng và hình ảnh, giá cả, nơi sản xuất, thông tin về các giai đoạn chăm bón, thời điểm thu hoạch và cung ứng sản phẩm ra thị trường… đều được hiển thị khi check mã QR Code này.
Sau một năm triển khai thực hiện cả 2 tổ hợp tác đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, các quy trình sản xuất cam đều được các hộ số hóa trên hệ thống phần mềm, hoạt động ghi chép nhật ký được thực hiện trên điện thoại di động. Sản phẩm cam của 2 tổ hợp tác được dán tem truy xuất đạt chuẩn và được các đơn vị ký hợp đồng thu mua với giá tại vườn là 25.000 đ/kg, với năng suất 16 tấn/ha đã đem lại nguồn thu nhập 400 triệu đồng/ha cho các THT. Ngoài ra, sản phẩm cam của các THT còn được giới thiệu trên các sàn thương mại điện tử, là cơ hội để các THT quảng bá sản phẩm của mình ra các thị trường khác trên địa bàn cả nước. Mặt khác, nhờ công nghệ quản lý sản xuất và truy xuất nguồn gốc, việc quản lý hộ thành viên của các THT trở nên thuận tiện hơn.
Ông Nguyễn Hùng Thái, tổ trưởng THT sản xuất cam VietGAP Khe Thờ cho biết “Truy xuất nguồn gốc thông qua việc áp dụng các công nghệ tiên tiến sẽ giúp minh bạch thông tin về sản phẩm hàng hóa, tạo thuận lợi cho công tác quản lý, giúp truy cập thông tin nhanh chóng và chính xác, phát hiện những điểm không hợp lý để chủ động cải tiến, khắc phục, tăng năng suất chất lượng cho sản phẩm hàng hóa, và đặc biệt giúp THT tiến thêm một bước trong việc thâm nhập chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao vị thế của sản phẩm cam Đồng Lộc”.
Với hình thức này giúp khách hàng có thể xác thực mọi thông tin về sản phẩm chỉ với thao tác quét mã QR. Khi sử dụng tem truy xuất nguồn gốc dán trên quả cam, khách hàng sẽ có dịp trải nghiệm câu truyện trọn vẹn về sản phẩm, hơn thế, những thông tin liên quan về vùng đất, con người, văn hoá là những giá trị dần in sâu vào tiềm thức, mang đến hình ảnh về hành trình của sản phẩm. Khi sử dụng sản phẩm, người tiêu dùng sẽ không chỉ đơn thuần là được đáp ứng nhu cầu mà họ được trải nghiệm những giá trị khác của sản phẩm.
Có thể thấy, việc áp dụng các công cụ hiện đại như mã quét QR Code đã giúp các cơ sở sản xuất, kinh doanh kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất, tạo ra sản phẩm an toàn, bảo đảm nguồn gốc cho người tiêu dùng.
Đặng Thị Thuận/https://sonongnghiep.hatinh.gov.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã