Chăn nuôi hữu cơ là xu thế chung được cả thế giới hướng tới
Nông nghiệp hữu cơ (NNHC) nói chung và chăn nuôi hữu cơ nói riêng đang là xu thế của thế giới. Tuy nhiên, về độ “khiêm tốn”, không chỉ có Việt Nam mà cả thế giới cũng rất “khiêm tốn”. Theo Viện Nghiên cứu Nông nghiệp hữu cơ (FiBL) và Liên đoàn quốc tế các phong trào Nông nghiệp hữu cơ (IFOAM) công bố tháng 2/2017, năm 2015 diện tích đất NNHC toàn thế giới là 50,9 triệu ha, tương đương 1,1% tổng diện tích đất nông nghiệp. So với năm 2014, diện tích sản xuất NNHC tăng 147%. IFOAM không có số liệu thống kê chăn nuôi thế giới (trừ châu Âu). Nhưng số lượng vẫn khá nhỏ nếu so sánh với tổng số vật nuôi tại châu Âu, chỉ chiếm từ 0,5 - 5,7% (tùy theo từng loài). Với 1,1% tổng diện tích đất nông nghiệp trên thế giới là sản xuất hữu cơ, đây là con số quá nhỏ, chăn nuôi hữu cơ là một phần nhỏ hơn nữa trong NNHC nói chung.
Việt Nam đã được IFOAM công nhận là nước có sản xuất NNHC. Theo số liệu năm 2015, diện tích đất NNHC trong nước là 76.666 ha, tương đương 0,7% diện tích đất nông nghiệp, số lượng nông dân sản xuất nông nghiệp hữu cơ là 3.816 người với sản phẩm chủ yếu là gạo, dừa, cà phê, ca cao, chè, rau, quả, quế, hồi, tinh dầu… IFOAM xếp Việt Nam là quốc gia có tiêu chuẩn về thực phẩm hữu cơ nhưng chưa có quy định pháp luật về NNHC. Đồng thời chưa có tài liệu nào tổng kết đầy đủ về bức tranh chăn nuôi hữu cơ. Điều đó cũng dễ hiểu.
Việt Nam là nước nhiệt đới, điều kiện thời tiết ủng hộ phát triển chăn nuôi, phát triển đa dạng sinh học. Ở những nước ôn đới, chăn nuôi rất khó khăn, nhất là mùa lạnh. Vào mùa hè, mùa xuân, nhiệt độ vùng ôn đới vẫn thấp. Để chăn nuôi hiệu quả, phần lớn các trang trại phải đầu tư nhiều hạ tầng cho chuồng trại.
Tôi ví dụ về nuôi giun, vì FiBL coi con giun là một trong những “chìa khóa quan trọng” mở cánh cửa NNHC. Tại phương tây, việc nuôi giun rất khó khăn. Người nuôi giun phải tạo hệ thống chuồng trại rất phức tạp, có hệ thống làm ấm, hệ thống thổi ô xy dưới đáy, nhưng ở Việt Nam, giun gần như phát triển quanh năm và không cầu kỳ khi làm chuồng trại. Việc nuôi giun rất đơn giản.
Từ những thuận lợi về khí hậu sẽ kéo theo thuận lợi về thổ nhưỡng, đất đai phì nhiêu, mức độ hoạt động của các sinh vật đất rất cao, xác thực vật được tái tạo, xoay vòng nhanh. Đối với chăn nuôi, nguồn thức ăn trong tự nhiên dồi dào do thiên nhiên ban tặng. Do đó, có thể nói, Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi để chăn nuôi hữu cơ.
Mặt khác, chăn nuôi hữu cơ hay NNHC cần nhiều nhân công. Nếu canh tác truyền thống, hóa chất sẽ được dùng nhiều, nhưng canh tác hữu cơ sẽ phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt việc không được lạm dụng hóa chất. Nhân công ít là một trong những lý do khiến diện tích canh tác hữu cơ, tỷ trọng chăn nuôi hữu cơ ở châu Âu, dù phát triển lâu đời nhưng vẫn dừng lại ở con số nhỏ. Ở Việt Nam, lao động nông thôn dồi dào, người Việt Nam cần cù, sáng tạo, nhưng ít người khá lên từ nông nghiệp, điều này sẽ tạo sức bật trong nông nghiệp Việt Nam. Hiện, Việt Nam cũng như thế giới, nông sản hữu cơ đã được dành cho một “thị phần riêng”, rất được ưa chuộng. Nhu cầu sử dụng thực phẩm theo hướng “sạch, ngon”. Vấn đề thực phẩm bẩn của các nước đã kéo nhận thức về tiêu thụ nông sản sang một bước mới.
Tuy nhiên, chăn nuôi hữu cơ vẫn gặp khó. Thứ nhất, ruộng đất nhỏ lẻ manh mún. Vì manh mún nên năng suất, hiệu quả thấp, người muốn làm NNHC chuẩn không có đủ tư liệu sản xuất. Vì phát triển manh mún nên đất đai có thời gian dài lạm dụng hóa chất, dẫn đến bạc màu. Để có nguồn đầu vào cho chăn nuôi hữu cơ, cần “tẩy độc” cho đất, ít nhất 2 năm (theo tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu). Hơn nữa, canh tác manh mún và lạm dụng hóa chất đã nảy sinh tư tưởng “ngắn hạn” và thói quen lạm dụng hóa chất. Về lao động, nông dân làm nông nghiệp manh mún, không hiệu quả, họ muốn đi làm thuê, dẫn đến thiếu nguồn nhân công. Chăn nuôi hữu cơ theo đúng chuẩn, năng suất sẽ thấp và đối phó nhiều với dịch bệnh...
NNHC nói riêng và chăn nuôi hữu cơ trên toàn thế giới chiếm tỷ trọng nhỏ. NNHC Việt Nam nói chung và chăn nuôi hữu cơ đang đi những bước đầu tiên. Bằng chứng là, chúng ta đã có tiêu chuẩn nhưng chúng ta chưa có hành lang pháp lý quản lý NNHC. Khi NNHC chưa hoàn thiện nét phác, chăn nuôi hữu cơ càng khó nói được điều gì.
Tuy nhiên, cần ghi nhận những nỗ lực của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đang làm NNHC. Đã có trang trại làm hữu cơ, có trang trại hướng theo tiêu chuẩn châu Âu, có trang trại hướng theo tiêu chuẩn Nhật Bản, Mỹ… nhưng cũng có trang trại đang thực hiện những phương pháp canh tác hữu cơ mà chưa có chứng nhận nào. Với những ưu thế rất riêng, tôi tin và tôi mong Việt Nam sẽ trở thành đất nước cung cấp lương thực, thực phẩm, nguyên liệu hữu cơ cho thế giới, nếu biết đi đúng hướng.
Có một chuyên gia nói: “Việt Nam nên lấy thương hiệu quốc gia là nông nghiệp”. Tôi thấy điều này khá đúng, nếu tập trung vào NNHC, nông nghiệp công nghệ cao, và du lịch thì những thuận lợi sẽ phát huy.
Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Nông nghiệp hữu cơ hướng dẫn nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ cho nông dân
Tôi không mong nông nghiệp hữu cơ sẽ trở nên phổ biến, các nước tiên tiến cũng không làm được điều này. Chúng ta vẫn cần những khu vực nuôi công nghiệp theo tiêu chuẩn an toàn để phục vụ nhu cầu của số đông quần chúng, nhưng những khu vực đất đai phù hợp với canh tác hữu cơ và phát triển du lịch thì cần phải được quy hoạch để tạo thành vùng.
Viện cũng đang nỗ lực tìm tòi nghiên cứu các phương pháp canh tác NNHC, hạn chế nhược điểm về năng suất và chi phí để phổ biến cho nông dân. Nhưng, hiện người nuôi rất cần chiến lược đầu ra cho sản phẩm và thiếu kiến thức về NNHC. Quan niệm về NNHC và chăn nuôi chưa đồng nhất, nên có hiện tượng thật giả lẫn lộn trong sản phẩm chăn nuôi hữu cơ. Chúng tôi kiến nghị các cơ quan hữu quan sớm ban hành Nghị định và hành lang pháp lý về NNHC. Quan trọng hơn, cần sớm đưa ra quy hoạch vùng cho sản xuất NNHC, gắn sản xuất với đầu ra, gắn sản xuất với lợi ích kinh tế khác. Có biện pháp thiết thực hơn như hỗ trợ kiến thức, vật tư phân bón, kiểm định, xét nghiệm….
>> “Theo tôi, chìa khóa quan trọng tháo gỡ khó khăn chăn nuôi hữu cơ là “khuyến khích tích tụ ruộng đất theo hướng canh tác hữu cơ” và có bàn tay điều phối, hỗ trợ của Nhà nước, bằng một tầm nhìn chiến lược”. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã