Hội nghị “Đánh giá kết quả triển khai mô hình chăn nuôi liên kết theo chuỗi giá trị gia tăng và tổng kết thí điểm quản lý lợn đực giống, thức ăn chăn nuôi” tổ chức tại Hà Nội ngày 2/12 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám.
Có thể nói, 2014 là một năm tương đối dễ chịu đối với ngành chăn nuôi bởi lẽ giá vật tư đầu vào không tăng trong khi sản phẩm đầu ra luôn ở mức cao, người chăn nuôi có lãi nhất là nuôi lợn, bò sữa, trứng gia cầm. Việc quản lý bệnh tốt hơn nên không để bùng phát các ổ dịch lớn.
Tuy nhiên việc triển khai các chương trình trọng điểm, nhất là đề án tái cơ cấu ngành còn chậm. Những tồn tại từ trước đây như năng suất, chất lượng sản phẩm chăn nuôi còn thấp, giá thành cao (giá bò thịt của Úc bằng ½, giá lợn của Mỹ bằng ¾ giá của Việt Nam) còn chưa tìm được “thuốc” chữa.
Chuỗi liên kết là thuật ngữ thời thượng xuất hiện với tần suất mỗi ngày một lớn trên các phương tiện thông tin, đại chúng. Thực ra, SX theo chuỗi liên kết nói chung và chuỗi liên kết chăn nuôi nói riêng đã được hầu hết các nước phát triển áp dụng.
Tuy mới hình thành ở Việt Nam nhưng thực tế đã chứng minh các đơn vị liên kết theo chuỗi từ A-Z đều phát triển như sữa Mộc Châu, sữa Vinamilk, gà Dabaco, CP Việt Nam…
Sơ bộ có thể phân ra hai loại: Chuỗi liên kết dọc là sự liên kết của các tác nhân tham gia vào các khâu từ SX, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đây là chuỗi liên kết phổ biến và khá hiệu quả hiện nay trong đó DN đóng vai trò trung tâm, quyết định sự thành công của chuỗi liên kết.
Chuỗi liên kết ngang là sự liên kết của các tác nhân trong một công đoạn của chuỗi thường là liên kết của các hộ chăn nuôi, giết mổ trong các HTX, tổ hợp tác, câu lạc bộ…
Có nhiều hình thức liên kết theo chuỗi: Chăn nuôi gia công đảm bảo cho người chăn nuôi có thu nhập ổn định, ít rủi ro nhưng lợi nhuận không cao trong khi các DN thì lợi thế không mất tiền xây dựng chuồng trại, đất đai, lao động và tiêu thụ được sản phẩm.
"Để liên kết theo chuỗi trở thành một ngọn lửa, có sức lan tỏa và ảnh hưởng lớn thì nhà nước cần có chính sách khuyến khích phát triển SX chăn nuôi theo mô hình chuỗi, các chính sách hỗ trợ cần gắn với việc phát triển theo chuỗi chứ không nên hỗ trợ trực tiếp cho các hộ đơn lẻ. Cần tổng kết, đánh giá từng loại mô hình liên kết để kịp thời có chế tài điều chỉnh phù hợp, nhất là mô hình chăn nuôi gia công và HTX. Các DN, HTX liên kết đầu tư khâu giết mổ khép kín theo vùng…", ông Dương nói. |
Liên kết giữa các DN với nhau để SX và cung ứng một sản phẩm ra thị trường. Hình thức này thường được các DN vừa và nhỏ áp dụng nhằm khắc phục những hạn chế về vốn, thị trường, năng lực quản trị. Liên kết giữa các DN giết mổ, chế biến, kinh doanh thực phẩm với các DN, các HTX và hộ chăn nuôi.
Hiện nay liên kết chặt chẽ nhất là sữa, tiếp theo trứng gà công nghiệp, riêng chuỗi thịt lợn và thịt gia cầm chiếm tỷ trọng lớn nhưng còn nhiều hạn chế, tự phát, thiếu bền vững.
Ngoài ra, mô hình HTX do các hộ chăn nuôi tự thành lập để tổ chức một loại vật nuôi nào đó hay mô hình nhóm hộ, tổ hợp tác, các câu lạc bộ, hội, hiệp hội cũng là một dạng liên kết theo chuỗi…
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi thì thực tế ở các nơi có thị trường và SX phát triển thì nhu cầu liên kết, tổ chức SX theo các chuỗi gia tăng và hoạt động của các chuỗi có hiệu quả bền vững.
Chính sách và sự chỉ đạo sát sao của các tỉnh rất quan trọng trong việc xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết SX chăn nuôi. Địa phương nào có chính sách hỗ trợ phù hợp và chỉ đạo quyết liệt thì có nhiều các chuỗi liên kết phát triển như Vĩnh Phúc, Hà Nội, TP.HCM, Hà Nam, Đồng Nai, Đồng Tháp…
Cũng theo ông Dương, hình thức liên kết theo chuỗi hiện còn khá nhiều tồn tại như: Liên kết SX chăn nuôi gia súc, gia cầm theo chuỗi giá trị mới chỉ bước đầu hình thành một cách tự phát. Nhận thức của các cấp quản lý và người chăn nuôi về vấn đề tổ chức SX chăn nuôi theo chuỗi giá trị còn nhiều bất cập, do vậy còn thiếu các chủ trương định hướng và chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển.
Thiếu chế tài để điều chỉnh những bất hợp lý phát sinh giữa các tác nhân tham gia chuỗi liên kết SX, nhất là trong mô hình chăn nuôi gia công, người chăn nuôi luôn là đối tượng yếu thế và thua thiệt.
Các DN trong nước hạn chế về tiềm lực và kinh nghiệm xây dựng các chuỗi liên kết so với doanh nghiệp FDI. Thói quen tùy tiện trong tổ chức SX và chấp hành các quy trình, quy phạm của phần lớn người chăn nuôi…
Theo Nongnghiep.vn