Hôm qua (5-11), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã chứng kiến lễ ký kết hợp đồng tín dụng đợt 3 giữa các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp.
Theo đó, tiếp tục có 27 doanh nghiệp ở 6 tỉnh/thành, gồm Sóc Trăng, Tiền Giang, Hải Phòng, Đà Nẵng, Ninh Thuận và Thanh Hóa được phê duyệt vay vốn với số tiền hơn 4.600 tỉ đồng.
Như vậy, nếu tính chung cả hai lần trước đó, thì chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp (theo Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 5-3-2014) đã được các ngân hàng thương mại phê duyệt cho gần 40 doanh nghiệp vay với tổng số vốn 7.320 tỉ đồng
Nói về chương trình này, ông Bình cho rằng đây là chương trình hết sức cần thiết để thực hiện mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển nông thôn. Theo ông, thời gian tới, các ngân hàng thương mại sẽ triển khai tiếp chương trình thí điểm để ngày càng có nhiều hơn nữa doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn.
Theo Nghị quyết số 14 của Chính phủ, đối tượng được vay vốn là các doanh nghiệp có thực hiện ký kết hợp đồng liên kết trong sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp; các doanh nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy chứng nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; các hộ nông dân, hợp tác xã đại diện cho nông dân thực hiện ký kết hợp đồng liên kết theo chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với các doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt gắn với các dự án liên kết cụ thể.
Về lãi suất cho vay, đối với các dự án vay ngắn hạn, lãi suất tối đa là 7%/năm; trung hạn là 10%/năm và dài hạn là 10,5%/năm. Thời hạn cho vay do ngân hàng thương mại và khách hàng thỏa thuận, phù hợp với mục đích sử dụng vốn vay và quy định của pháp luật.
Về tài sản bảo đảm cho khoản vay, ngân hàng thương mại quyết định việc cho vay có bảo đảm hay không có bảo đảm bằng tài sản theo quy định của pháp luật. Trường hợp khách hàng không đủ tài sản đảm bảo khoản vay mà ngân hàng thương mại kiểm soát được dòng tiền theo chuỗi liên kết thì có thể xem xét áp dụng cho vay không có tài sản đảm bảo.
Mức cho vay do ngân hàng thương mại và khách hàng thỏa thuận trên cơ sở nhu cầu vay vốn đã được UBND tỉnh/thành đề xuất nhưng tối đa chỉ bằng 70% giá trị của phương án/dự án vay vốn phục vụ cho các mô hình sản xuất.
Thời gian thực hiện cho vay thí điểm theo chương trình này là 2 năm. Những dự án được chấp thuận cho vay thí điểm nhưng có thời hạn vay vượt quá thời gian thí điểm vẫn được tiếp tục thực hiện các nội dung đã ký kết với ngân hàng thương mại cho đến khi thanh lý hợp đồng tín dụng.
Trung Chánh
Theo thesaigontimes.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Triển khai Kế hoạch số 323/KH-UBND ngày 10/7/2024 của UBND tỉnh về thực hiện Kết luận số 70-KL/TW ngày 31/01/2024 của Bộ Chính trị về phát triển TDTT trong giai đoạn mới
Kết luận của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 15/7/2021 của Tỉnh ủy về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021-2025
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố