Chị Lê Thị Cẩm Bào là người đầu tiên trong vùng trồng thành công cây dâu tằm trên vùng đất của địa phương.
Cách đây 5 năm, trong một lần đến tham quan ở Đà Lạt, chị Lê Thị Cẩm Bào, ngụ ấp 2, xã An Xuyên, thành phố Cà Mau được nhà vườn tại đây giới thiệu cây dâu tằm. Đây là một loại cây có lá dùng để nuôi tằm, lấy tơ dệt vải và tác dụng dùng làm thuốc nam trị nhiều loại bệnh. Trong khi, trái dâu tằm lại có vị ngọt thường được sử dụng làm nước ép, siro, rượu, làm mứt, kẹo…Thấy loại cây này có nhiều công dụng, chị Bào không ngần ngại mua thử hơn 50 cây dâu tằm giống về nhà trồng.
Thời điểm đầu, do chưa biết cách chăm sóc nên số lượng cây dâu tằm bị chết khá nhiều. Không nản lòng, chị Bào luôn tìm cách học hỏi trên các trang mạng để áp dụng các phương pháp trồng phù hợp. Theo chị Bào, dâu tằm là loại cây ưa ánh sáng và có khả năng thích ứng tốt với nhiều loại đất. Tuy nhiên, để có năng suất, chất lượng trái tốt cần chọn đất có bề dày tầng canh tác cao hơn 1 mét, độ pH từ 6,5 - 7. Khi trồng, phải trộn đất với xơ dừa, mùn hữu cơ để cung cấp chất dinh dưỡng để cây ra hoa, cho trái nhiều. Chị Lê Thị Cẩm Bào cho biết: “Cây dâu tằm có nhiều công dụng nhưng tôi chủ yếu trồng loại cây này để thu hoạch trái bán. Cây giống lúc mới mua về cao chừng 2 gang tay, nhưng sau 6 tháng là cây bắt đầu cho trái. Mới đầu, cũng gian nan dữ lắm, hơn 50 cây mà chỉ có 13 cây còn sống ra trái. Trái đợt đầu không nhiều lắm, phải đến 1 năm sau thì mới cho năng suất cao. Lúc đầu, tôi mang trái ra chợ phường 2 bán cũng có nhiều người lại hỏi mua vì thấy trái lạ, bắt mắt. Dần dà, có nhiều mối quen đặt hàng khi nào trái chín chỉ cần alo điện thoại giao cho họ là được”.
Vườn dâu tằm nhà chị Bào đang trong thời điểm thu hoạch rộ.
Hơn 3 năm trở lại đây, chị Bào bắt đầu mua giống trồng thêm cây dâu tằm trên diện tích đất vườn của gia đình. Tính đến nay, số cây dâu tằm đang cho trái hơn 30 cây, bình quân mỗi cây cho từ 20-30 kg trái/năm. Trung bình mỗi năm thu hoạch 3 vụ, mỗi vụ thu hoạch kéo dài hơn 1 tháng. Thời điểm thu hoạch rộ, mỗi ngày gia đình chị bán từ 3 – 4kg dâu tằm tươi. Hiện nay, dâu tằm tươi được gia đình chị Bào bán với giá 100.000 đồng/kg, chị chủ yếu bán cho các mối quen, nhất là những quán kinh doanh nước giải khát. Trái dâu tằm mua về có thể ăn ngay, hoặc dùng làm siro, rượu dâu, mứt dâu, hoặc làm sinh tố... Chị Lê Thị Cẩm Bào cho biết: “Trái dâu tằm trồng ở vùng đất An Xuyên nhỏ hơn dâu tằm trồng ở Đà Lạt nhưng bù lại trái chín rất ngọt nhờ cây được hấp thụ nhiều chất dinh dưỡng trong đất. Cây dâu tằm không quá cao nên gia đình tôi chủ yếu thu hoạch bằng tay để tránh trái bị dập nát. Thường sau mỗi vụ thu hoạch thì ngưng một khoảng 1 tháng, sau đó tuốt lá chặt cành già để cây ra trái vụ tiếp theo. Loại cây này chủ yếu bón bằng phân hữu cơ, cứ khoảng 1- 2 tháng tiến hành bón 1 đợt. Mùa nắng thì phải thường xuyên tưới nước thì cây mới ra trái”.
Với phương châm “Lấy ngắn nuôi dài”, từ nhiều năm nay, chị Bào kết hợp trồng cây dâu tằm với nhiều loại rau màu như: rau má, cải xanh, cải ngọt… để tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Ngoài việc bán trái dâu tằm tươi, chị Bào còn học hỏi ngâm rượu và làm mật dâu tằm để bán cho khách có nhu cầu. Nhờ đó, thu nhập gia đình tăng lên đáng kể.
Là người đầu tiên trong vùng trồng thử nghiệm thành công cây dâu tằm trên vùng đất của địa phương, dâu tằm của gia đình chị Bào luôn trong tình trạng hút hàng và được nhiều người đặt mua. Xuất phát điểm chỉ trồng vài cây thử nghiệm nhưng sau vài năm thấy hiệu quả cao nên chị Bào dự định sẽ tiếp tục cải tạo đất trống, vườn tạp mở rộng thêm diện tích trồng dâu tằm để cung ứng trái ra thị trường.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã