Ảnh minh họa |
Triển khai các nhiệm vụ ngay sau đợt nghỉ Tết
Tại Công điện về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương chủ động nguồn cung thực phẩm sau Tết; phối hợp với các địa phương tập trung chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; điều hành bảo đảm tiêu thụ lúa hàng hóa cho nông dân; phát huy truyền thống tết trồng cây và triển khai kế hoạch trồng rừng năm 2014; chú ý chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân sản xuất vụ Đông Xuân đúng thời vụ và phòng chống sâu bệnh; kiểm soát, ngăn chặn tình trạng giống lúa giả, kém chất lượng; tiếp tục thực hiện kiểm soát chặt chẽ dịch cúm gia cầm, kịp thời xử lý, không để bùng phát dịch.
Bộ Y tế tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là các bệnh dịch có nguy cơ bùng phát trong mùa Đông - Xuân, phấn đấu không để bệnh cúm A(H7N9) và các dịch bệnh nguy hiểm từ nước ngoài xâm nhập vào Việt Nam.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các địa phương chỉ đạo việc tổ chức lễ hội theo tinh thần vui tươi, lành mạnh, an toàn; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; phát triển các hình thức, sản phẩm, dịch vụ du lịch gắn với các lễ hội; phối hợp với các cơ quan chức năng bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và thực hiện nếp sống văn minh tại các khu du lịch, các lễ hội; xây dựng và tuyên truyền văn hóa lễ hội, văn hóa tín ngưỡng; kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm minh những hành vi tiêu cực tại các lễ hội.
Tập trung phòng chống cúm gia cầm lây sang người
Ngày 14/2, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường thực hiện công tác phòng chống dịch cúm gia cầm.
Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm ban hành, hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai thực hiện “Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp đối với các chủng vi rút cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người”; thành lập ngay các đoàn kiểm tra, đôn đốc các địa phương nhất là các địa bàn có nguy cơ cao ở khu vực phía Bắc.
Bộ Y tế triển khai quyết liệt, kiểm tra sát sao việc thực hiện “Kế hoạch hành động phòng chống dịch cúm A/H7N9 tại Việt Nam” và các biện pháp phòng chống các chủng vi rút cúm khác.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo UBND các cấp và các Sở, ngành liên quan chỉ đạo đôn đốc, tuyên truyền cho người chăn nuôi, buôn bán gia cầm thực hiện tốt công tác vệ sinh, khử trùng tiêu độc, khuyến khích áp dụng các mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh, nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm và phát tán vi rút.
Tổ chức thực hiện nghiêm túc việc kiểm dịch tại gốc; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn. Tuyên truyền để người dân không tham gia vào hoạt động buôn bán, vận chuyển lậu gia cầm qua biên giới; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Đóng BHXH bổ sung để tính hưởng chế độ hưu trí, tử tuất
Theo Quyết định quy định đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bổ sung để tính hưởng chế độ hưu trí và tử tuất quy định tại Khoản 1 Điều 4 Luật BHXH đối với đối tượng hưởng sinh hoạt phí trong Công an nhân dân giai đoạn từ ngày 1/1/1995 đến 31/12/2006, sau đó chuyển thành người hưởng lương, mức đóng BHXH bổ sung hằng năm = Số đối tượng x mức lương tối thiểu chung từng giai đoạn x tỷ lệ đóng x số tháng đóng.
Tỷ lệ đóng BHXH bổ sung bằng 14% mức lương tối thiểu chung/người/tháng thời gian đóng bổ sung.
Kinh phí đóng BHXH bổ sung vào quỹ BHXH đối với đối tượng quy định nêu trên do ngân sách Nhà nước bảo đảm.
Giao kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ xây dựng nông thôn mới
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định giao kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ năm 2014 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Theo đó, kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ năm 2014 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là 4.765 tỷ đồng, trong đó khu vực miền núi phía Bắc 1.515 tỷ đồng; đồng bằng sông Hồng 603 tỷ đồng; miền Trung 1.379 tỷ đồng; Tây Nguyên 351 tỷ đồng; Đông Nam bộ 131 tỷ đồng; đồng bằng sông Cửu Long 786 tỷ đồng.
Quyết định nêu rõ, vốn trái phiếu Chính phủ bố trí để hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã theo đúng mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Kế hoạch của Chính phủ tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp
Theo Kế hoạch của Chính phủ tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tháng 2/2014, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị toàn quốc giới thiệu, phổ biến nội dung, ý nghĩa của Hiến pháp cho báo cáo viên, tuyên truyền viên.
Tổ chức tập huấn chuyên sâu về nội dung của Hiến pháp cho cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý, cán bộ pháp chế các Bộ, ngành ở Trung ương trước tháng 6/2014.
Các Bộ, cơ quan liên quan cũng được giao nhiệm vụ tổ chức giới thiệu, phổ biến nội dung, ý nghĩa của Hiến pháp cho cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, tổ chức và nhân dân. Công việc này được thực hiện trọng tâm trong năm 2014 và tiếp tục duy trì hợp lý, hiệu quả trong những năm tiếp theo.
Ngoài ra, Quý III năm 2014, phát động cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” trên phạm vi toàn quốc và sẽ tổng kết cuộc thi này vào quý III năm 2015.
Gia hạn Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ
Thủ tướng Chính phủ đồng ý gia hạn thời gian hoàn thành Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2 đến hết năm 2014.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chỉ đạo, đôn đốc UBND các tỉnh, thành phố có liên quan xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể để triển khai thực hiện Chương trình, đảm bảo chất lượng, hoàn thành đúng thời gian quy định.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, thống nhất với các Bộ Tài chính, Xây dựng về phương án xử lý khoản vốn đã ứng trước cho các địa phương để thực hiện Chương trình giai đoạn 2, thu hồi số vốn đã ứng, cấp vượt mức được hỗ trợ từ ngân sách Trung ương; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Quản lý chặt chẽ việc cấp phép sản xuất rượu thủ công
Theo Quyết định về Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, cần quy hoạch đồng bộ về sản xuất, kinh doanh đồ có cồn trong cả nước và từng địa phương; quản lý chặt chẽ việc cấp phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, quản lý quy trình sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm và nhãn hàng hóa đối với rượu thủ công; xây dựng cơ chế để tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công thuộc địa phận có làng nghề tham gia làng nghề sản xuất rượu; tăng cường kiểm soát đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh hộ gia đình, làng nghề, khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.
Kiểm soát việc ghi nhãn đồ có cồn sản xuất, nhập khẩu để tiêu thụ tại Việt Nam nhằm gắn trách nhiệm của người sản xuất đối với sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng và ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng; nghiên cứu quy định việc in cảnh báo về tác hại của lạm dụng đồ có cồn trên nhãn sản phẩm.
3 trường hợp bị đình chỉ, chấm dứt hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử
Theo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xuất bản, trong đó quy định điều kiện hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử., Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân đình chỉ việc xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử để chấn chỉnh hoặc khắc phục nguyên nhân trong 3 trường hợp.
Thứ nhất, không duy trì đủ các điều kiện hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử trong quá trình hoạt động.
Thứ hai, không thực hiện đúng quy định về trách nhiệm của nhà xuất bản và cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử.
Thứ ba, không chấp hành các biện pháp quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản.
Trường hợp nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân phát hành xuất bản phẩm điện tử không chấn chỉnh hoặc không khắc phục đối với trường hợp quy định nêu trên thì phải chấm dứt hoạt động theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Xây dựng vùng Đồng bằng sông Hồng trở thành đầu tàu kinh tế
Xây dựng vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ trở thành một trong những đầu tàu của cả nước về phát triển kinh tế.
Đây là một trong những mục tiêu của Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 13-KL/TW ngày 28/10/2011 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.
Kế hoạch cũng đặt mục tiêu xây dựng vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là địa bàn tiên phong của cả nước thực hiện các “đột phá chiến lược”, tái cấu trúc kinh tế, đổi mới thành công mô hình tăng trưởng, trở thành một trong những đầu tàu của cả nước về phát triển kinh tế (bao gồm cả kinh tế biển), góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; cải thiện môi trường sinh thái; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo đảm ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội.
Kiểm tra, xử ly thông tin báo nêu về hỗ trợ gạo cho hộ nghèo
Ngày 7/2/2014, Báo Lao động và một số báo phản ánh thông tin tại tỉnh Phú Yên, vẫn còn 444 tấn gạo trong tổng số 676 tấn gạo do Chính phủ hỗ trợ dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt năm 2014 chưa đến được tay hộ nghèo đói.
Về việc này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Phú Yên khẩn trương kiểm tra, làm rõ vấn đề báo nêu trên, nếu đúng cần xử lý hành vi sai phạm theo quy định. Đồng thời thực hiện việc cấp phát gạo cứu đói theo đúng quyết định của Thủ tướng Chính phủ; báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/2/2014.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan trong tháng 2/2014, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình quản lý, cấp phát gạo cứu đói tại các địa phương.
Điều chỉnh điều kiện công nhận đạt chuẩn nông thôn mới
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện điều kiện công nhận huyện, tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới của dự thảo Quyết định xét công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thiện theo hướng, trước mắt, giữ nguyên tỷ lệ huyện, tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ (75% số xã trong huyện và 80% số huyện trong tỉnh đạt nông thôn mới).
Đối với 25% số xã trong huyện và 20% số huyện trong tỉnh còn lại chưa đạt đủ 19 tiêu chí cần chia ra những tiêu chí chủ yếu, quan trọng phải đạt quy định; những tiêu chí khác còn lại phải đạt khoảng 70-80% so với quy định.
Hoàng Diên
Nguồn baodientu.chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã