Đón vụ mùa bội thu
Mô hình lúa - tôm ở các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL vào mùa thu hoạch. Quy trình quỹ thuật canh tác ngày càng hoàn thiện cùng các loại giống mới chống chịu mặn cao đã giúp cho năng suất lúa khu vực này ngày càng tăng.
Đặc biệt trong năm 2014, CĐL đã bắt đầu “phủ sóng” tới mô hình lúa - tôm, đem đến cho nông dân một phương thức SX mới: Họ trở thành thành viên trong mối liên kết “4 nhà”, chứ không còn phải tự bơi như trước nữa. Trong mô hình này nhà nông cũng được hưởng lợi nhiều hơn từ chuỗi giá trị lúa gạo mà họ chính là người đóng vai trò chính.
Kiên Giang không phải là nơi "khai sinh" ra mô hình lúa - tôm nhưng lại là tỉnh có diện tích SX lớn nhất trong các tỉnh ĐBSCL với trên 60.000 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện vùng U Minh Thượng. Trong đó, huyện An Minh là địa phương dẫn đầu phong trào này, chiếm khoảng 50% diện tích của cả tỉnh. Ông Võ Hoàng Việt, Trưởng phòng NN-PTNT An Minh cho biết, diện tích vụ mùa 2013 toàn huyện là 31.115 ha, trong đó lúa - tôm chiến trên 30.000 ha.
Nông dân huyện An Minh, Kiên Giang lần đầu tham gia CĐL đã giành thắng lợi lớn
Theo kế hoạch, Cty CP BVTV An Giang sẽ triển khai xây dựng 1.000 ha CĐL trên địa bàn huyện. Hình thức tham gia là Cty sẽ đầu tư 100% lúa giống, VTNN và bao tiêu đầu ra, nông dân sẽ góp ruộng và bỏ công chăm sóc. Tuy nhiên, do đây mới là vụ đầu tiên, nông dân còn do dự nên diện tích thực tế chỉ đạt gần 250 ha.
Ông Nguyễn Đức Hiền, cán bộ FF (còn gọi là cán bộ “ba cùng” - cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nông dân) của Cty CP BVTV An Giang phụ trách CĐL lúa - tôm An Minh cho biết, Cty đầu tư cho nông dân giống lúa thơm BN1 có khả năng chống chịu rầy nâu, chịu phèn, mặn khá, thích hợp cho vùng lúa - tôm, năng suất cao, gạo trong, cơm mềm và thơm nên rất thích hợp cho chế biến xuất khẩu.
Hơn nữa, SX theo hướng hữu cơ trên nền đất nuôi tôm, ít phải sử dụng phân bón, thuốc BVTV nên giá Cty ký kết hợp đồng bao tiêu với nông dân khá cao, 9.000 đồng/kg. Với năng suất đạt 4 - 4,5 tấn/ha thì nông dân đã có doanh thu khoảng 40 triệu đồng/ha.
Ông Nguyễn Thanh An, một nông dân tham gia CĐL lúa - tôm ở An Minh phấn khởi cho biết: “Năm đầu tiên tham gia mô hình này, nông dân chúng tôi đã thắng lợi lớn, năng suất lúa cân tại ruộng đạt hơn 5 tấn/ha, quy ra lúa khô trên 4 tấn, thu về gần 40 triệu đồng. Trong khi đó, chí phí đầu tư chỉ hơn chục triệu đồng/ha, lãi ròng tới 70%, ai cũng vui mừng phấn khởi".
Theo ông An, tham gia chương trình CĐL nông dân rất sướng, đầu vụ không lo chi phí do đã được Cty cung cấp lúa giống, đầu tư vật tư trả chậm. Đến khi thu hoạch thì chỉ cần đứng trên bờ ghi sổ, Cty cho mượn bao để đựng lúa và chở về tận nhà máy sấy miễn phí.
Nếu chưa bán ngay thì được hỗ trợ lưu kho miễn phí 1 tháng. Cần tiền lúc nào thì cầm sổ qua Cty nhận về, không phải lo nghĩ chuyện đầu ra hay bị tư thương ép giá như trước nữa.
Tại Cà Mau, lần đầu tiên mô hình CĐL được Trung tâm KN-KN tỉnh thực hiện trên cả trên nền đất lúa 2 vụ và luân canh lúa - tôm, với tổng kinh phí hơn 1,9 tỷ đồng. Ở các huyện Thới Bình, Trần Văn Thời, nông dân vừa thu hoạch xong vụ lúa trên nền đất tôm, ai cũng phấn khởi khi chi phí đầu vào giảm nhưng năng suất lúa tăng, lợi nhuận cũng tăng theo.
Theo tính toán, chi phí Nhà nước bỏ ra để xây dựng mô hình, hỗ trợ nông dân bình quân chỉ trên 400.000 đ/ha nhưng năng suất tăng 0,6 tấn/ha so với SX truyền thống. Với giá lúa hơn 6.000 đ/kg như hiện thì lợi nhuận bà con tăng thêm trên 3,6 triệu đồng mỗi ha. Kết quả này làm nông dân SX lúa trong CĐL vô cùng phấn khởi.
Về đầu ra của CĐL, Cty CP XNK Nông sản - thực phẩm Cà Mau là đơn vị ký hợp đồng bao tiêu cho nông dân. Cụ thể, tại CĐL ở xã Tân Lộc (Thới Bình) và Khánh Bình (Trần Văn Thời) Cty đã ký kết bao tiêu được 340 ha, bên cạnh đó còn có 60 ha ngoài mô hình CĐL cũng được Cty bao tiêu.
Hoàn thiện hơn
Những ngày đầu năm mới, nhiều nông dân làm theo mô hình CĐL ở huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) đã rủ nhau ra đồng thăm lúa. Cán bộ khuyến nông cơ sở cũng miệt mài bám sát ruộng đồng để kịp thời hỗ trợ kỹ thuật cho bà con.
Vui xuân đón Tết nhưng nông dân làm CĐL không quên đồng ruộng
TS. Đỗ Minh Nhựt, Chủ tịch UBND huyện Tân Hiệp cho biết, dịp Tết năm nay thời tiết lạnh, sương muối nhiều nên dịch bệnh rất dễ xảy ra. Vì vậy, huyện đã chỉ đạo ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con nông dân phải thường thăm đồng, đồng thời tăng cường cán bộ kỹ thuật bám sát đồng ruộng, kịp thời hỗ trợ nông dân nếu có dịch bệnh xảy ra, đảm bảo cho vụ lúa ĐX thắng lợi toàn diện.
“Điều đáng mừng là đến thời điểm này đã có 7 Cty, DN kinh doanh lúa gạo trong tỉnh ký kết hợp đồng bao tiêu cho nông dân trong huyện với diện tích gần 7.000 ha. Mức giá bao tiêu theo cam kết sẽ cao hơn giá thị trường từ 200 - 300 đồng/kg, tùy theo loại lúa. Ngoài ra, DN còn hỗ trợ vận chuyển, hợp đồng với HTX làm dịch vụ sấy lúa trước khi đưa về kho”, TS Nhựt cho biết thêm.
Tại Hậu Giang, trong 5 CĐL do tỉnh và các huyện đầu tư thực hiện các trà lúa đều đang trong giai đoạn trổ, chín nên nông dân rất tích cực bám ruộng. Anh Hà Minh Triều, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Phước Trung (xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A) cùng với các xã viên vừa trao đổi kinh nghiệm SX vừa nói chuyện về Tết của gia đình. Nhìn cánh đồng lúa bạt ngàn đang thời kỳ đơm hoa kết trái, hứa hẹn một vụ mùa bội thu, anh Triều và các xã viên đều tin tưởng vào tương lai của mô hình CĐL.
Với mô hình này, mối liên kết “4 nhà” ngày càng trở nên thực thụ hơn, hạ tầng được đầu tư đồng bộ, những tiến bộ KHKT sớm được áp dụng vào đồng ruộng, giúp nhà nông tiết kiệm chi phí mà đồng ruộng vẫn được chăm sóc tốt, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe dài lâu cho người trồng lúa.
PGĐ Sở NN-PTNT Hậu Giang, Lê Văn Đời cho biết, mô hình CĐL được tỉnh chính thức triển khai thực hiện từ vụ ĐX 2012-2013. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng và phát triển được 5 CĐL với tổng diện tích 1.300 ha cùng 1.506 hộ nông dân tham gia. Vụ ĐX 2013-2014 này, tỉnh không mở rộng diện tích mà tập trung nâng chất các tiêu chí của CĐL, tháo gỡ nút thắt còn tồn tại từ các vụ trước, đặc biệt là khâu đầu ra.
Năm nay, ngoài các Cty, DN trong và ngoài tỉnh, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) sẽ đóng vai trò là cầu nối để các đơn vị kinh doanh lúa gạo ở các nơi khác, nhất là ở TPHCM về Hậu Giang thu mua lúa cho nông dân. Đầu vào được đầu tư, đầu ra thông thoáng, lúa hàng hóa làm ra có hợp đồng bao tiêu sẽ góp phần làm cho chuỗi giá trị lúa gạo ngày càng hoàn thiện hơn, đặc biệt là đối với mô hình CĐL. |
Theo Nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã