Thưa bà, tại hội nghị kinh tế mùa thu các ý kiến cho rằng, nếu giải quyết được “khâu tiền, vốn” thì chúng ta mới có được các tỷ phú nông dân và nông nghiệp sẽ có bước phát triển vượt bậc. Bà nghĩ thế nào về điều này?
- Tôi không nghĩ rằng, chúng ta đã bỏ ra ít tiền để đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn mà là chúng ta chi tiền “chưa trúng” với những gì nông nghiệp, nông thôn đang cần để có thể phát triển. Chúng ta đang đầu tư nhiều tiền nhưng nó không những không giúp cải thiện đời sống người nông dân mà còn khiến cho nông nghiệp phát triển ỳ ạch. Chương trình nông thôn mới là đúng, cần thiết song không ít nơi đã biến chương trình này thành bê tông hóa mọi thứ, xây nhà văn hóa, chợ, đường… Trong khi nông nghiệp, nông thôn của chúng ta đang có quá nhiều cái thiết thực cần phải tập trung tiền của vào, như thông tin thị trường, cung ứng vật tư nông nghiệp, hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm của nông dân…
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan
Nhưng chúng ta đã có không ít các chính sách ưu tiên vốn để cải thiện các vấn đề nêu trên, thưa bà?
- Đúng là đã có không ít các chính sách, song như tôi đã nói, chúng ta đã nghèo lại không biết cách tiêu tiền cho đúng. Nếu chỉ cần dừng một phần tiền phát triển nông thôn kiểu phong trào, hào nhoáng đang làm hiện nay và tập trung đầu tư nhiều hơn cho cải thiện sản xuất cho nông dân, như đầu tư thông tin cho nông dân về thị trường nông sản, mua phân bón như thế nào là chất lượng… thì kinh tế nông nghiệp của ta đã có thể cải thiện hơn rất nhiều. Nông dân sẽ không phải nay trồng cây này, mai nuôi con khác mà không biết thị trường ra sao, sản xuất theo tiêu chuẩn nào. Chúng ta đang lâm vào tình trạng cái cần cho nông nghiệp, nông thôn thì không làm, mà chỉ thích làm những cái có tiền để tiêu ngay, như hạ tầng, dự án… bởi tiền ấy có thể chia chác, không phải mất công sức.
Có phải như vậy mà bao lâu nay, việc khuyến khích thành lập các DN nông thôn, các DN đầu tư vào làm giàu cho khu vực nông thôn vẫn ỳ ạch, thưa bà?
- Rất ít DN muốn đầu tư về nông thôn với kiểu cơ chế chính sách như thế này, dù chúng ta có hô hào mấy. Cứ hình dung, một DN đầu tư vào nông thôn mà bao thứ đổ lên đầu thì DN nào chịu được, nào là khó vay vốn, khó tập hợp đất đai, nông dân để cùng liên kết hợp tác làm ăn. Tôi cho rằng, nếu Nhà nước không đứng ra giải quyết vấn đề chủ động đất đai cho sản xuất quy mô lớn của người nông dân thì không thể khuyến khích thành lập “DN nông nghiệp”, không thể thu hút hiệu quả vốn cho nông thôn. Hiện nay trong thực tế đã và đang có mô hình trang trại và mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới. Đây là một hình thức cấp thấp (trước khi chuyển sang mô hình công ty, DN) nhưng cũng chỉ đạt một số hiệu quả nhất định như tập trung vốn (chủ động được tiền), tập trung diện tích đất nông nghiệp lớn để có thể tiến hành cơ giới hóa…
Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã “bật đèn xanh” cho các ngân hàng về việc cho nông dân vay tín chấp. Theo bà, điều này sẽ tạo ra sự đột phá nào cho khu vực nông nghiệp và tạo ra các DN nông thôn?
- Vấn đề cho vay tín chấp với khu vực nông thôn có thể nói đang “nóng” nhất hiện nay, bởi thực tế, tín dụng chưa về nhiều với nông thôn, nông dân cần tiền vẫn rất khó vay vốn. Làm được việc này nó đòi hỏi sự sâu sát, gắn bó giữa ngân hàng với nông thôn. Nói như vậy nhưng tôi cho rằng làm được không phải dễ bởi bản thân các ngân hàng phải “chịu làm”. Từ trước tới nay, chúng ta vẫn đưa ra các chính sách chung còn các tổ chức, đoàn thể, chính quyền địa phương đều không làm đến nơi đến chốn. Bản thân nhiều ngân hàng cũng không thích cho vay nông thôn mà chỉ cho vay đô thị lớn…
Tôi vẫn nói, các chính sách cho nông nghiệp, nông thôn phải ràng buộc được với nhau, hỗ trợ cho nhau thì chúng ta mới hy vọng đẩy mạnh phát triển khu vực nông nghiệp, khuyến khích thành lập DN nông thôn, còn với chính sách trói buộc, riêng rẽ như hiện nay thì sẽ chỉ như vòng luẩn quẩn. Tôi ví dụ nếu mô hình thành lập DN nông thôn thành công thì chúng ta sẽ có đủ điều kiện pháp lý cho các DN này vay vốn ngân hàng cả ngắn hạn và dài hạn. Thậm chí, ngân hàng có thể cho DN nông nghiệp được vay tín chấp thay vì chỉ cho vay trên cơ sở có thế chấp bằng tài sản là ruộng đất.
Vậy theo bà, cần phải có những thay đổi gì để tháo gỡ được những bất cập nêu trên, để vốn và chính sách của Nhà nước thực sự đem lại hiệu quả với khu vực nông nghiệp, nông thôn?
- Cái cần gỡ nhất hiện nay là quyền sử dụng đất đai cho nông dân. Trong bối cảnh hiện nay, dù nông dân có quyền sử dụng đất nông nghiệp dài hơn song chính quyền các địa phương vẫn có thể thu hồi bất cứ lúc nào, giá đền bù đất sản xuất cho nông dân lại rẻ mạt nên dù nông dân có góp vốn bằng giá trị sử dụng đất để liên kết làm ăn với DN cũng không đáng là bao, cổ phần ấy lại đầy rủi ro. Tâm lý nông dân thì e dè, sợ DN lấy đất của mình xong có thể “chạy chọt” chính quyền địa phương để thu hồi luôn đất ấy, trong khi chính quyền địa phương thì có thừa khả năng để làm việc ấy-đó là thu hồi đất của dân. Tư tưởng như vậy nên sản xuất nông nghiệp hiện vẫn không có tính ổn định, thời hạn sử dụng đất ngắn, bấp bênh, rất khó để nông dân yên tâm đầu tư làm giàu trên mảnh đất của mình, trong khi kinh doanh nông nghiệp lại đầy rủi ro.
Tôi cho trước mắt, Luật Đất đai phải được thực hiện nghiêm túc về quyền sử dụng đất cho nông dân, không để chính quyền địa phương lạm dụng mà không trừng trị được, để nông dân yên tâm sản xuất lâu dài, có thể đầu tư, góp vốn. Về cho vay tín chấp cũng cần được thực hiện càng sớm càng tốt; vốn vay phải có sự linh hoạt về thời hạn, như theo thời vụ, không cào bằng như hiện nay. Các chính sách cho nông thôn đã đến lúc phải riêng biệt, không thể cho hết vào một rọ để ra một “kiểu mẫu chung” không hiệu quả như đang làm bấy lâu nay.
Xin cảm ơn bà!
Mai Hương (thực hiện)
Nguồn danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã