Mới 0,3% diện tích áp dụng VietGAP
TS.Phạm Đồng Quảng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, trong 5 năm qua, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã lần lượt ban hành quy trình canh tác VietGAP đối với 5 sản phẩm: rau, trái cây, chè búp tươi, lúa và càphê.
Nhiệm vụ kiểm soát chuỗi sản xuất, trồng trọt từ vườn ruộng đến bàn ăn hiện được Bộ Nông nghiệp và PTNT phân cấp cho nhiều cơ quan khác nhau. Trong đó, Cục Trồng trọt chịu trách nhiệm giám sát các cơ sở trồng trọt, cơ sở sơ chế gắn liền với trồng trọt; cấp giấy chứng nhận VietGAP. Cục Bảo vệ thực vật kiểm soát các lô hàng xuất - nhập khẩu. Cục Chế biến nông, lâm, thuỷ sản và nghề muối giám sát các cơ sở chế biến. Cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thuỷ sản giám sát các chợ đầu mối; truy xuất nguồn gốc sản phẩm không đảm bảo an toàn; kiểm tra tận gốc tại nước xuất khẩu; thẩm tra công nhận nước xuất khẩu. Tính đến hết năm 2013, tổng diện tích được chứng nhận VietGAP của cả nước mới đạt khoảng 14.500ha, trong đó riêng thanh long Bình Thuận là trên 7.000ha. Đến nay, có 575 giấy chứng nhận VietGAP còn hiệu lực với diện tích 8.228ha. Ngoài ra, còn hơn 10.000ha sản xuất an toàn theo hướng VietGAP nhưng không đăng ký chứng nhận.
Theo ông Quảng, trong tổng diện tích hơn 6 triệu hecta đất trồng các loại rau, cây ăn quả, chè, lúa và càphê mới có 0,3% diện tích áp dụng VietGAP. Phần lớn nông dân không áp dụng vì quy trình dài và phức tạp; chi phí lớn; nông dân không hài lòng với giá cả giữa sản phẩm có ứng dụng VietGAP và sản phẩm không ứng dụng VietGAP trên thị trường. Vừa qua, Cục Trồng trọt đã rà soát 27 tổ chức chứng nhận VietGAP, đến nay chỉ để 13 đơn vị đủ điều kiện tiếp tục hoạt động và 6 đơn vị đang trong giai đoạn khắc phục sau đánh giá chỉ định lại.
Bà Nguyễn Thị Tân Lộc, Viện nghiên cứu Rau quả Trung ương cho rằng, Bộ Nông nghiệp và PTNT còn thiếu một chương trình đồng bộ có mục tiêu về phát triển sản xuất rau quả an toàn. Giống rau quả còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu và chi phí về giống rất lớn. Mức đầu tư cho công tác nghiên cứu trong lĩnh vực rau, quả cho các khâu như nghiên cứu, con người, đất đai… quá thấp. Còn thiếu sự liên kết dọc và liên kết ngang giữa các tác nhân trong ngành hàng rau, quả nên chưa giải quyết tốt được khâu tiêu thụ sản phẩm, chưa cân bằng được lợi ích giữa các tác nhân nên chưa thực sự động viên được người sản xuất đầu tư và nghiêm túc thực hiện quy trình. Đây chính là vòng luẩn quẩn.
Những năm qua, nhiều lô rau quả xuất khẩu bị một số thị trường cảnh báo về nhiễm vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật. Quy trình VietGAP đã ban hành không chỉ khó áp dụng đối với nông dân mà cũng không hội đủ điều kiện cho các thị trường XK lớn ở Bắc Mỹ, Bắc Á, Trung Quốc và châu Âu.
Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Trưởng phòng Giao dịch của Sàn Giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn Hà Nội cho biết, đến nay, đã có gần 100 đơn vị sản xuất và cung ứng rau quả thực phẩm an toàn tại 15 tỉnh, thành phố tham gia giao dịch trên sàn. Các đơn vị này được sàn hỗ trợ kết nối giao dịch với khoảng 150 siêu thị, cửa hàng, đầu mối bán buôn, bán lẻ và 78 điểm phân phối ở khu dân cư, cơ quan. Thực tiễn cho thấy, nhu cầu của người tiêu dùng đối với rau quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP là rất lớn. Thế nhưng, các cơ sở sản xuất rau VietGAP mặc dù được đầu tư nhiều nhưng không phát triển như kỳ vọng. “Do hạn chế về quản lý nên thị trường rau an toàn tại Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung rất “loạn”. Gần như không thể kiểm soát được nguồn gốc và chất lượng rau, kể cả ở những hệ thống được coi là đảm bảo như siêu thị (gần đây báo chí liên tục phanh phui việc rau, nấm bẩn tràn vào siêu thị, kể cả những siêu thị lớn như BigC hay Metro). Điều này dẫn đến lòng tin của người tiêu dùng bị khủng hoảng nặng nề nên khi một cơ sở sản xuất rau an toàn chuẩn bị giới thiệu sản phẩm, kể cả cam kết bảo hành chất lượng nhưng người tiêu dùng vẫn không tin. Khi người mua đã không tin thì kể cả có nhu cầu, có tiền họ vẫn không muốn mua”, bà Oanh nói.
Quy chuẩn đơn giản nhưng đạt tiêu chuẩn quốc tế
Theo bà Oanh, để VietGAP có “đất sống”, cần tính toán mọi cách giảm giá thành để rau an toàn ngày càng “phổ thông hóa” mới là con đường đúng đắn. Còn nhiều cách để có thể cắt giảm giá thành. Chẳng hạn, riêng khâu bao gói hiện chiếm tới 30% giá thành, bao gồm chi phí tiền túi nylon (chưa kể gây ô nhiễm môi trường), chi phí đóng gói (tốn nhiều nhân công)… Nhà nước cần dành ít nhất 50% nội dung công việc và ngân sách cho việc phát triển thị trường và tổ chức mạng lưới tiêu thụ, tránh cách làm trước đây chủ yếu tập trung vào hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực sản xuất mà ít chú trọng đến thị trường.
Soạn thảo sửa đổi VietGAP là nhiệm vụ trọng tâm của dự án “Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học” do Cục Trồng trọt thực hiện. Phiên bản VietGAP V2 (bản sửa đổi) được nghiên cứu trên cơ sở quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, mở rộng các nội dung về môi trường và xã hội (theo Rainforest Alliance) và các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc tế (từ tiêu chuẩn US Fresh Harmonized), cùng các chứng nhận nông sản tiên tiến trên thế giới, nên được kỳ vọng sẽ đạt được tiêu chuẩn quốc tế. Theo đó sẽ đưa ra cách thức chứng nhận VietGAP theo nhóm (SAZ), sẽ cải tiến nhiều khâu đào tạo, kiểm tra và lưu trữ hồ sơ dễ dàng hơn cho nông dân. Mỗi nông dân trong SAZ được cấp mã số riêng như một phần của chứng chỉ nhóm. Trong số 54 điều khoản của VietGAP hiện tại, sẽ có 28 điều khoản bị loại bỏ trong VietGAP sửa đổi, đồng thời bổ sung 16 điều khoản mới. Sau khi mỗi vùng trồng rau được cấp chứng nhận VietGAP, việc kiểm tra và đánh giá sẽ được thực hiện mỗi năm một lần, tập trung vào thời điểm nông dân làm những công việc chủ yếu như trồng, phun thuốc BVTV, thu hoạch. Người quản lý SAZ (và nông dân) được thông báo ngay lập tức cả bằng lời nói lẫn văn bản về các chi tiết không tuân thủ. Bất kỳ điểm kiểm soát nào không tuân thủ có thể dẫn đến ô nhiễm sản phẩm chè, trái cây hoặc rau bị kiểm sát viên phát hiện phải được khắc phục ngay tức khắc và việc thu hoạch phải dừng lại cho đến khi ô nhiễm được kiểm soát. Nếu sản phẩm ô nhiễm đã được bán, người mua phải được thông báo ngay lập tức.
Chu Minh
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã