Hải Phòng đang quyết tâm thực hiện chỉ tiêu đến năm 2020, 100% các đặc sản, làng nghề truyền thống của Hải Phòng được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Với chỉ tiêu này, Hải Phòng có rất nhiều việc phải làm và thành phố cũng đã nêu quyết tâm đạt được mục tiêu đề ra.
Quá ít sản phẩm được bảo hộ
Theo ông Nguyễn Mai Ngọc – Trưởng phòng Sở hữu trí tuệ (Sở KH&CN), việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho các sản phẩm hàng hóa không chỉ đem lại nguồn lợi lớn về kinh tế cho người dân ở địa phương, mà còn bảo vệ danh tiếng của sản phẩm, tránh bị lạm dụng hoặc giả mạo.
Có thể thấy rõ lợi ích của việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trong trường hợp của nước mắm Cát Hải. Sau khi được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu (năm 2011), giá trị sản phẩm này tăng khoảng 1.000 đ/lít. Với sản lượng mỗi năm 5 triệu lít, giá trị gia tăng mà việc bảo hộ nhãn hiệu mang lại cho nước mắm Cát Hải rất lớn.
Hải Phòng hiện có 36 làng nghề và con số lớn hơn thế nữa về số lượng sản phẩm đặc thù, đặc sản, trải đều khắp các địa phương. Thế nhưng, hiện nay, thành phố mới chỉ có 4 đối tượng được bảo hộ nhãn hiệu. Đó là HTX Nuôi trồng thủy sản sạch Dân Lập (xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên) và làng nghề mộc nội thất Kha Lâm (phường Nam Sơn, quận Kiến An) đã được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Nước mắm Cát Hải của Công ty CP Chế biến dịch vụ thủy sản Cát Hải được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận và thuốc lào Tiên Lãng được bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Thực tế cho thấy, các sản phẩm làng nghề, đặc sản của Hải Phòng đang gặp nhiều khó khăn về thương hiệu. Ông Vũ Văn Quân – Phó trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng (UBND huyện Tiên Lãng) cho biết, huyện có nhiều làng nghề, đặc sản truyền thống như chiếu cói Lật Dương, thịt chó Tiên Lãng, hành, tỏi, rượu nếp cái hoa vàng, gạo nếp cái hoa vàng… nhưng đến nay mới chỉ có duy nhất một làng nghề được thành phố công nhận (Dệt chiếu cói Lật Dương) và chưa làm được nhãn hiệu cho sản phẩm nào – ngay cả chiếu cói Lật Dương cũng chưa được bảo hộ. “Hiện nay chiếu cói Lật Dương được đem bán khắp nơi nhưng đều được giới thiệu là “chiếu đậu Thái Bình”, ông Quân chua chát nói.
Người dân còn thiếu thông tin
Vì sao những sản phẩm truyền thống, đặc sản của Hải Phòng rất đa dạng nhưng số được bảo hộ nhãn hiệu còn quá ít? Ông Nguyễn Mai Ngọc – Trưởng phòng Sở hữu trí tuệ (Sở KH&CN) cho rằng, khó khăn nhất của Hải Phòng hiện nay trong việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu các sản phẩm làng nghề, đặc sản là việc lựa chọn ai là chủ sở hữu của nhãn hiệu. Theo quy định của pháp luật, chủ sở hữu nhãn hiệu phải là tập thể (ví dụ như hội nông dân, hội phụ nữ, HTX…). Nếu không thì phải thành lập hội của các hộ sản xuất kinh doanh chứ một hộ riêng lẻ không thể đứng đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể.
Một nguyên nhân quan trọng khác là cách thức làm của người dân hiện nay còn chưa hội tụ. Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, mạnh ai lấy làm, chất lượng sản phẩm không đồng đều.
Ông Nguyễn Văn Vơi – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kiến Thụy cho biết, Kiến Thụy có nhiều đặc sản như bánh đa Đông Phương, cá mòi kho Kiến Thụy, thịt chuột Tú Đôi…, nhưng cho đến nay, chưa sản phẩm nào được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng trước hết là do thói quen sản xuất và tiêu dùng tự do của người dân. Họ còn e ngại sự ràng buộc bởi tập thể sản xuất hoặc tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm… Bên cạnh đó, người dân rất thiếu thông tin về việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm. Họ cũng chưa được hỗ trợ và tư vấn từ phía cơ quan Nhà nước.
Một số ý kiến khác cho rằng, nhận thức của người dân ở những vùng có đặc sản về lợi ích của việc đăng ký nhãn hiệu còn chưa rõ ràng, thậm chí họ còn hoài nghi. Một phần là do thói quen lâu nay mạnh ai nấy làm, một phần là do khâu quản lý nhãn hiệu tập thể ở một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu.
Triển khai đồng loạt việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu
Ông Nguyễn Văn An – Giám đốc Sở KH&CN cho biết, hiện nay, việc bảo hộ nhãn hiệu cho các sản phẩm làng nghề, đặc sản của Hải Phòng còn đang bỏ ngỏ. Việc xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm này là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành KH&CN trong năm nay nhằm thực hiện "Chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ thành phố Hải Phòng đến năm 2020".
Thời gian này, sở đang tổ chức khảo sát một cách tổng thể các sản phẩm làng nghề, sản phẩm đặc thù, đặc sản của thành phố về quy mô, chất lượng sản phẩm và khả năng đăng ký được nhãn hiệu. Sau khi lựa chọn được những sản phẩm nào có thể xây dựng được nhãn hiệu tập thể/nhãn hiệu chứng nhận, sẽ triển khai đồng loạt việc đăng ký bảo hộ cho các sản phẩm này.
Ông An cho biết, Hải Phòng sẽ hỗ trợ toàn bộ kinh phí tư vấn, xây dựng nhãn hiệu các sản phẩm trên. Còn việc quản lý, khai thác, phát triển nhãn hiệu sau khi được cấp văn bằng bảo hộ thuộc về các địa phương. Từ nhãn hiệu cho đến hiệu quả kinh tế cũng là một bước dài mà các địa phương cần phải nỗ lực.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã