Nền nông nghiệp Việt Nam đã đi từ đảm bảo được vấn đề an ninh lương thực, phát triển theo chiều rộng thông qua tăng vụ, tăng diện tích và sản lượng… đến nay chúng ta đã có bệ đỡ để “rảnh tay” tập trung theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tăng lợi nhuận và phát triển bền vững.
Bộ trưởng Cao Đức Phát nêu rõ: “Tái cơ cấu nông nghiệp phải dựa vào dân và hướng vào lợi ích của người nông dân. Tái cơ cấu nông nghiệp nói riêng và kinh tế nói chung chỉ thực sự thành công khi có sự tham gia đồng thuận của người dân, từ đó tạo sự gắn kết trong hợp tác kinh doanh và phát triển”.
Thành công của nông nghiệp Việt Nam trong 20 năm qua chính là nhờ sự tập trung phát triển những thế mạnh mũi nhọn trong sản xuất của mình. Tuy nhiên, đã đến lúc nghiên cứu phát triển nhằm nâng cao giá trị, lợi nhuận từ nông sản cho người nông dân.
TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho rằng kinh tế nông hộ từng mang lại hiệu quả cho sản xuất song đã đến lúc không thể duy trì và cần thay thế mô hình kinh tế theo kiểu sản xuất nhỏ lẻ manh mún sang các hình thức hợp tác liên kết bằng việc hình thành các hiệp hội, tổ hợp tác, hợp tác xã và có sự tham gia sâu rộng của các doanh nghiệp.
Vai trò của Nhà nước là đàm phán những hiệp định quốc tế, làm qui hoạch, tạo hành lang pháp lý, những dịch vụ công như kiểm dịch, tài chính, bảo hiểm, thị trường, khuyến nông, khuyến khích những người trẻ có học thức về nông thôn.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, chúng ta đang lãng phí tài nguyên rất nhiều vì xuất khẩu nông sản của ta chủ yếu là xuất khẩu thô như gạo sau xay xát, cà phê nhân và hồ tiêu thô… Sắp tới cần phát triển các dịch vụ chế biến nông sản để nâng cao giá trị sản xuất.
Điển hình đối với lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, cần đẩy mạnh việc áp dụng khoa học công nghệ để tạo ra những giống cây trồng vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt nhằm nâng cao giá trị sản xuất chứ không nhất thiết phải nuôi, trồng thật nhiều, chạy đua về con số mà nên nghiên cứu theo hướng phát triển cây gì, vật nuôi gì phát huy được lợi thế nhất để mang lại lợi nhuận cao.
Đặc biệt, các ngành cần tập trung xây dựng các sản phẩm có thương hiệu bằng cách nghiên cứu xác định giống đặc dụng trên cơ sở phù hợp với điều kiện mỗi vùng địa phương.
Đơn cử như đối với ngành trồng lúa, mỗi mùa vụ khi xác định được lợi thế cạnh tranh về một số sản phẩm lúa gạo, chúng ta sẽ chủ trương cho người nông dân trồng chuyên canh phát triển giống đó trên cơ sở phù hợp với điều kiện tại địa phương. Như vậy, khi đưa ra thị trường, vừa tạo được sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường, vừa tạo được tên tuổi sản phẩm và mang lại lợi nhuận cao cho người nông dân. Tránh tình trạng thị trường bát nháo các sản phẩm mà đối tượng nhập khẩu không biết đến thương hiệu và mất khả năng cạnh tranh.
Như vậy, cần cơ chế chính sách đồng bộ để làm tốt khâu sản xuất, xem đây là hậu phương vững mạnh. "Tiền tuyến" là doanh nghiệp cũng cần được chuẩn bị sức mạnh để mang sản phẩm Việt đi chiếm lĩnh thị trường. Hiệu quả cao chỉ có khi hậu phương và tiền tuyến là một khối gắn kết sâu sắc về lợi ích.
Đỗ Hương
theo: chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã