Kinh doanh thịt heo tại một chợ truyền thống ở TP HCM
Mới đây, tại Biên Hòa (Đồng Nai), Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cùng các cơ quan có liên quan của Đồng Nai và TP.HCM, đã tổ chức gặp gỡ, đối thoại với thương lái, người chăn nuôi về những bức xúc của họ quanh việc TP.HCM bắt buộc đeo vòng truy xuất nguồn gốc thịt heo.
Có cần đeo vòng?
Tại buổi đối thoại, nhiều thương lái, người chăn nuôi Đồng Nai, đặt vấn đề việc TP.HCM bắt buộc heo đưa về các chợ đầu mối của TP phải đeo vòng truy xuất nguồn gốc có cần thiết hay không.
Theo ông Phạm Văn Bộ, chủ một trang trại chăn nuôi ở Vĩnh Cửu (Đồng Nai), các trang trại bán heo về TP.HCM đều đã được cấp mã số trang trại, heo trước khi xuất chuồng đều được cán bộ thú y tới kiểm tra và cấp giấy kiểm dịch, heo đưa lên xe là được niêm phong. Như vậy, với mã số trang trại, giấy kiểm dịch..., là đã có thể truy xuất được nguồn gốc heo.
Bà Bùi Thị Thủy, tiểu thương ở Tân Hòa (Biên Hòa, Đồng Nai), cho rằng, khi thương lái tới trang trại thu mua heo, đều có cán bộ thú y tới kiểm tra, cấp giấy kiểm dịch. Heo lên xe là được niêm phong lại ngay. Trên đường vận chuyển về TP.HCM, xe chở heo phải đi qua và chịu sự kiểm tra của nhiều chốt kiểm dịch. Khi vào lò mổ, cán bộ thú y lại đếm từng con và đóng dấu sau khi giết mổ xong. Thú y đã làm chặt chẽ như vậy thì đâu cần phải đeo vòng truy xuất nguồn gốc?
Bà Thủy khẳng định chi phí đeo vòng truy xuất nguồn gốc là người chăn nuôi phải chịu, thương lái không chịu chi phí này. Ông Trần Quang Trung, chủ trại heo ở Gia Kiệm (Thống Nhất, Đồng Nai), cũng xác nhận, thương lái không chịu chi phí đeo vòng truy xuất nguồn gốc, mà trừ vào tiền mua heo của trại chăn nuôi.
Chính vì vậy, nhiều hộ chăn nuôi Đồng Nai đã đề nghị TP.HCM, nếu vẫn giữ quy định bắt buộc heo về TP phải đeo vòng truy xuất nguồn gốc, thì cần xem xét lại chi phí vòng truy xuất nguồn gốc (6.000 đ/cặp, mỗi con heo đeo 1 cặp vòng ở 2 chân sau) theo hướng nhà nước có thể chịu chi phí này hoặc giảm chi phí để người chăn nuôi bớt đi gánh nặng khi mà giá heo hơi đang ở dưới giá thành.
Đồng Nai cũng sẽ truy xuất nguồn gốc
Trả lời những thắc mắc của thương lái, người chăn nuôi, ông Nguyễn Nguyên Phương (Sở Công thương TP.HCM), thừa nhận khi giá heo đang khá thấp, dưới giá thành như hiện nay, thì việc bắt buộc người chăn nuôi phải mua vòng truy xuất nguồn gốc gắn vào chân heo trước khi xuất chuồng, sẽ tạo thêm gánh nặng cho họ.
Tuy nhiên, chi phí mua vòng truy xuất nguồn gốc thì người chăn nuôi vẫn phải chịu. Để giảm bớt khó khăn cho người chăn nuôi khi giá heo đang thấp, Sở Công thương TP.HCM đang xin ý kiến TP về việc có thể hỗ trợ 50% chi phí vòng truy xuất cho người chăn nuôi. Còn việc đeo vòng truy xuất nguồn gốc vẫn phải tiếp tục thực hiện. TP.HCM đang tiến tới việc sẽ tiến hành truy xuất từ khi con heo được sinh ra, chứ không phải từ khi nó được xuất chuồng như hiện tại.
Ông Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP.HCM (đơn vị cung cấp vòng truy xuất nguồn gốc), lý giải, công tác kiểm dịch của thú y từ khi heo xuất chuồng đến khi vào lò mổ, người tiêu dùng không thể tiếp cận được những giấy tờ liên quan đến quá trình ấy. Vì vậy, phải thực hiện truy xuất nguồn gốc để mọi người tiêu dùng đều có thể biết được miếng thịt heo mình mua có nguồn gốc từ đâu.
Ông Phan Minh Báu, PGĐ Sở NN-PTNT Đồng Nai, cũng cho rằng truy xuất nguồn gốc là việc phải làm. Không chỉ TP.HCM, Đồng Nai cũng đang chuẩn bị tiến hành truy xuất nguồn gốc, trước mắt là trên địa bàn TP Biên Hòa. Theo đó, heo không được đeo vòng truy xuất nguồn gốc, sẽ không được đưa vào tiêu thụ ở TP này. Không chỉ phải đeo vòng truy xuất nguồn gốc, các trang trại heo ở Đồng Nai sẽ phải chăn nuôi theo VietGAP. Nếu trang trại nào không làm VietGAP là sẽ tự làm giảm đi cơ hội tiêu thụ sản phẩm của mình.
Theo ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai, nếu có sự phối hợp tốt giữa các bên thì sẽ đảm bảo được yêu cầu truy xuất nguồn gốc thịt heo và tiêu thụ heo hơi của người chăn nuôi. Kể từ khi TP.HCM tiến hành truy xuất nguồn gốc thịt heo, đã có 325 trang trại ở Đồng Nai đăng ký tham gia chương trình này. Trong đó, 50 trang trại đã thực hiện đeo vòng truy xuất nguồn gốc và đưa về TP.HCM khoảng 46.000 con heo. Bên cạnh đó, 8 cơ sở giết mổ ở Đồng Nai cũng đăng ký tham gia truy xuất nguồn gốc và 4 cơ sở trong số đó đã thực hiện truy xuất khoảng 10.000 con heo do họ giết mổ.
Ông Đào Hà Trung cho biết, Hội Công nghệ cao TP.HCM sẽ tiếp tục phối hợp với Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai tổ chức thêm nhiều buổi hướng dẫn sử dụng vòng truy xuất nguồn gốc cho các trang trại chăn nuôi. Đồng thời Hội cũng sẽ nghiên cứu, cải tiến để việc sử dụng vòng truy xuất trở nên đơn giản, dễ dàng hơn.
Theo Sơn Trang/nongnghiep.vn