Học tập đạo đức HCM

Về quê dịp thu sản: Dân viết đơn trả ruộng

Thứ tư - 17/07/2013 23:09
Làm ruộng không có lãi, các khoản đóng góp cao, nhiều nông dân viết đơn trả ruộng, bỏ quê đi làm thuê.

>> Cán bộ thừa nhận dân khó khăn
>> Bán hết lúa vẫn còn nợ
>> Về quê dịp thu sản

"Dân bỏ đi là đúng"

Chủ tịch UBND xã Trường Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), ông Nguyễn Hữu Tuấn gọi đợt thu sản năm nay của xã là đợt thu nộp ngân sách. Các hộ dân ở xã phải chịu 13 khoản thu được liệt kê hết sức rõ ràng theo đầu sào, đầu khẩu, đầu hộ.

Ông Tuấn bảo: 781 hộ dân, kế hoạch xã sẽ thu 650 triệu đồng, nhưng khó hoàn thành lắm. Vụ Đông Xuân vừa rồi, chỉ tiêu đưa ra là cấy 251 ha nhưng chỉ được có 230,7 ha. Xã chưa thống kê được điện tích ruộng bỏ hoang vì còn phải chờ bà con khắc phục diện tích lúa ngập lụt. Một phần nữa là do có những hộ bỏ quê đi làm ăn, ruộng để không, ở nhà chỉ còn mấy đứa con nít.

Xã chưa thống kê được số diện tích ruộng bỏ hoang, nhưng ở các thôn, chắc chắn thực trạng nông dân bỏ ruộng ngày một nhiều. Trên tay trưởng thôn Phúc Trường Nguyễn Huy Hiền là xấp đơn xin trả ruộng của 12 hộ dân được ông gói cẩn thận trong túi nilon.


Diện tích ruộng bỏ hoang ở Trường Lộc ngày càng nhiều

Cũ có, mới có, nhưng ông Hiền khẳng định rằng đó vẫn chưa phải là số đơn có thể phản ánh hết thực trạng người dân bỏ ruộng ở đây. “Hầu như thôn nào cũng có nông dân bỏ ruộng. Mà không phải ít đâu, có nhà làm đơn trả cả mẫu luôn. Phức tạp lắm. Ở thôn này, nhiều nhà đang rục rịch gửi đơn nhưng tôi chưa nhận”.

Phải. Trả ruộng là hiện tượng bắt đầu phổ biến ở nhiều nơi, chính quyền địa phương đau đầu, nhưng vì sao ở một vùng đất thuần nông như xã Trường Lộc, nông dân lại dứt khoát trả ruộng thế này?

Thôn Phúc Trường có khoảng 120 mẫu ruộng, từ bao đời nay vẫn được xem là vựa lúa của xã, của huyện với năng suất bình quân 2,5 tạ/sào. Trưởng thôn Hiền chia 180 hộ dân trong thôn làm 3 phần.

Phần thứ nhất là các hộ dân ở nhà làm ruộng, không đi được đâu vì không có vốn. Phần thứ hai là các hộ bỏ hoang ruộng nhưng vẫn chấp nhận nộp tiền sản, đề phòng lúc khó khăn còn có chốn quay về. Phần thứ ba là những hộ trả hẳn, có đơn gửi Ban nông nghiệp xã và ông trưởng thôn đàng hoàng, dứt khoát. Lo ngại ở chỗ, số hộ dân rơi vào trường hợp thứ ba đang tăng nhanh.

Nguyên nhân? Chỉ mới đây thôi, một cán bộ cấp trên về xã, thấy thực trạng nông dân bỏ ruộng, rời làng đã vội vàng trách ông trưởng thôn Phúc Trường: Chú Hiền hay hè, răng lại để người dân bỏ ruộng mà đi nhiều như thế?

Thay vì trả lời, trưởng thôn Hiền hỏi lại cấp trên: Thưa chị, tui không còn cách mô khác, muốn dân no ấm thì phải để họ đi, ở nhà làm ruộng thì lấy chi mà nộp tiền đầu tư, tiền sản hả chị?

“Dân bỏ đi là đúng, có khi thôn này vụ sau không ai làm ruộng nữa”, đến bây giờ trưởng thôn Phúc Trường vẫn giữ nguyên quan điểm. Ông Hiền tính bình quân, mỗi hộ gia đình ở thôn này có 4 người. Một sào ruộng làm vất vả, cực nhọc trong vòng 6 tháng, nếu được mùa cũng chỉ thu về có 2,5 tạ thóc. Tiền đầu tư chi phí hết đã gần 2 tạ. Nộp thuế sản nữa thì vừa hết.

“Chưa tính nhân công lao động làm trong 6 tháng, các việc như phơi lúa, quạt lúa, đổ phân bón, phun thuốc trừ sâu mà cũng không còn xu mô hết chú ơi. Vụ Đông Xuân làm thì gần hòa, còn vụ Hè Thu thường chịu lỗ một sào từ 30-50 cân. Bản thân gia đình tôi làm 5 sào ruộng, tiền đầu tư hết 3 triệu đồng, đến lúc bán lúa ra chỉ được 2,5 triệu đồng, mỗi sào lỗ một trăm ngàn”, trưởng thôn Hiền tính toán.

Phép tính của ông Hiền là cách giải thích vì sao nông dân Phúc Trường bỏ ruộng, rời làng mà đi thành cả một phong trào. 180 hộ, ngoại trừ những hộ chỉ còn ông già bà lão, không còn sức lao động nữa thì nhà nào cũng có người đi làm thuê. Đi miền Nam, đi Tây Nguyên, đi Thái Lan, đi Lào… Ít thì chỉ 1-2 người, nhiều thì đi sạch.

Đi nhiều quá nên đợt thu sản lần này, nhiều giấy báo của xã đang nằm ở nhà ông trưởng thôn, chờ đến bao giờ có người về mới kêu lên nộp. Ví như hộ anh Tuấn Đức, đi hai vợ chồng với một đứa con. Ví như hộ ông Lợi, vợ con đi hết, chỉ còn lại ông chồng ốm đau và bà cụ già bệnh tật. Ví như hộ ông Hiền, ông Tam…

Bỏ ruộng vì lỗ, vì nhiều khoản thu

Trưởng thôn Hiền dẫn tôi đến nhà ông Nguyễn Huy Lợi (45 tuổi), một gia đình mà ông bảo là đã chán làm ruộng lắm rồi. Nhà ông Lợi có 5 khẩu, vợ chồng ông, bà mẹ già và hai đứa con trai. Mấy năm nay, chỉ có ông với bà cụ ở nhà nuôi nhau, vợ con đi làm bên Thái Lan hết. Tôi hỏi làm gì? Ông lắc đầu: Chịu.

Trong sổ sách, gia đình ông Lợi có hơn 1,4 mẫu ruộng. Vụ vừa rồi chỉ làm có 3 sào. Số còn lại, kêu khắp mà người ta cũng chỉ mượn có 6 sào, còn lại 5 sào bỏ hoang. Làm 3 sào nhưng phải đi thuê hết, mỗi vụ được 8 tạ lúa, chỉ vừa đủ ăn cho ông Lợi với bà mẹ già. Tiền sản năm nay gần 1,5 triệu đồng, lúa không dám bán nên phải nhờ hoàn toàn vào vợ con đi làm bên Thái.

Đến như chiếc cổng vào nhà vừa mới xây dựng, ông Lợi bảo là “để lòe thiên hạ”, vợ con ông gửi tiền về xây cho xóm làng khỏi nói nhà có người đi Thái mà không có gì. Bên trong còn xác xơ lắm.


Đơn xin trả ruộng

“Thôn này, anh vào nhà nào cũng thế, nếu không có người rời quê thì không tiền đóng sản. Làm ruộng bây giờ không có chi nữa rồi. Đau ở chỗ, ruộng bỏ hoang nhưng vẫn phải nộp các khoản của xã. Phần thu nhiều quá, không đáp ứng nổi, vụ tới, nói trả ruộng thì tôi chưa dám, chứ chắc chắn là sẽ bỏ, không làm nữa, vì làm có được chi mô", ông Lợi nói.

Làm ruộng đầu vào quá cao nên người dân bỏ? Đúng. Nhưng còn một lý do nữa, người dân thôn Phúc Trường thắc mắc các khoản thu trong đợt thu ngân sách năm nay của xã hơi nặng, lại không rõ ràng.

Cũng giống như nhiều địa phương khác, phương án thu của xã Phúc Trường được chia thành 3 loại: Thu theo đầu sào, đầu khẩu và đầu hộ. Thu đầu sào có các khoản: Giao thông thủy lợi nội đồng 8kg/sào, dịch vụ thủy lợi 2kg/sào, bảo vệ nông 2kg/sào. Khuyến nông 2kg/sào, diệt chuột 1,5kg. Cân đối thù lao cán bộ 30 ngàn/sào/năm.

Thu theo đầu khẩu gồm các khoản: Quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ phòng chống thiên tai, quỹ vì trẻ em (5kg/lao động). Quỹ khuyến học 3 ngàn/khẩu. Quỹ văn hóa, y tế, giáo dục 3kg/khẩu. Thu theo đầu hộ gồm có: Quỹ An ninh quốc phòng 40 ngàn/hộ. Quỹ tiêm phòng gia súc 15 ngàn/hộ.

Chỉ riêng phần thu của xã, mỗi hộ dân Trường Lộc phải gánh 13 khoản thu. Nặng nhất là cân đối thù lao cán bộ, giao thông thủy lợi nội đồng, quỹ văn hóa, y tế, giáo dục…

Trưởng thôn Hiền  bức xúc: Quỹ khuyến nông ví dụ thu 10 thì xã chi ra có 7, như thế có gọi là khuyến nông được không? Rồi quỹ khuyến học, con em nông thôn bây giờ đi học khổ đủ đường, vay nợ, đóng góp nhiều khoản rồi mà vẫn phải nộp sản ở nhà. Thế là phạt nông, phạt học chứ khuyến chi? Rồi còn văn hóa, y tế, giáo dục, những lĩnh vực này phải có ngân sách ngành dọc họ nuôi chứ sao lại bắt dân góp thóc để hoạt động?

Bỏ ruộng, bỏ làng một cách ồ ạt cũng là bất đắc dĩ. Nông dân ai muốn rời quê bao giờ. Như nhà ông Lợi, vợ con đi Thái, một mình ông vừa bệnh tật, vừa phải chăm mẹ già.

Mới đây, hai đứa con trai ông phải đưa xác một thanh niên trong thôn chết bên Thái Lan về. Đó là con nhà Bính Tân, mới 26 tuổi, chuẩn bị cưới vợ thì chết. Vợ trưởng thôn Hiền cũng đi Thái mấy năm, tết rồi về, ông không cho đi nữa.

 

“Tâm lý của dân là họ muốn đóng hết. Vừa là trách nhiệm, vừa bắt buộc phải đóng để còn giao dịch. Nhưng làm ruộng thì không đủ đóng, phải bỏ ruộng đi thì may ra”, Trưởng thôn Hiền khẳng định.

Hoàng Anh
Theo nongnghiep.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập144
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm142
  • Hôm nay70,813
  • Tháng hiện tại884,173
  • Tổng lượt truy cập90,947,566
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây