Nắm bắt được nhu cầu sử dụng rau rừng dùng để ăn kèm với món đặc sản bánh tráng, bánh canh Trảng Bàng nổi tiếng cả nước, ông Lê Văn Dĩ sinh 1964, ngụ ấp Lộc Trát, xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh đã đưa cây rau rừng từ những bờ sông, bờ suối về mảnh vườn nhà để thuần dưỡng, biến chúng trở thành vườn rau đặc sản đạt chuẩn VietGAP độc đáo đầu tiên ở Tây Ninh.
Gọi là rau rừng hay rau sông là đọt non của những loại cây đặc biệt sống ven hai bên bờ sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ được bà con hái đem về làm “phụ gia” chính cho món ăn bánh tráng phơi sương. Có vị chua chua, chát chát, thơm thơm và nhiều màu sắc khác nhau, rau rừng đã tạo được nét đặc thù riêng mà ngoài Trảng Bàng ra không nơi nào có được.
Hiện khu vườn gần 2 ha nhà ông Dĩ trồng được hơn 13 loại rau rừng đặc sản như trâm ổi, lộc vừng, rau cách, mặt trăng, trâm sắn, săng máu, rau chiếc, bí bái, chùm mồi, rau nhái, rau bứa, rau cóc, quế vị... đem lại thu nhập hơn 10 triệu đồng mỗi tháng cho gia đình. Khách hàng thường xuyên của ông Dĩ là những quán bánh canh, bánh tráng tại huyện Trảng Bàng và nhiều huyện lân cận; thậm chí cả các nhà hàng ở TP.Hồ Chí Minh cũng tìm đến đặt mua.
Trước đây, gia đình ông Dĩ sống bằng nghề trồng các loại rau thơm, rau gia vị bỏ mối tại chợ huyện để sống qua ngày. Nhưng việc trồng rau gia vị không hề đơn giản bởi thường xuyên bị lâm vào cảnh thua lỗ do được mùa mất giá hoặc lúc được giá lại mất mùa.
Sẵn công việc làm thêm lúc rảnh rỗi là đi hái rau rừng ở ven bờ sông Vàm Cỏ Đông để bán cho các quán bánh tráng, bánh canh, ông Dĩ nhận thấy cây rau rừng ngày càng được thực khách ưa thích, có nhu cầu sử dụng nhiều. Thế nhưng, rau rừng mọc ở ven sông, suối, đất hoang... ngày càng ít dần do người dân đi thu hái ngày càng nhiều. Trong khi đó, nhu cầu của các quán ăn, nhà hàng về nguồn rau sạch ngày càng lớn, đặc biệt là cây rau rừng từ lâu đã trở thành loại rau không thể thiếu khi ăn kèm với bánh canh, bánh tráng.
Mỗi loại rau đều có những đặc trưng riêng như: rau mặt trăng có vị chát; mùi thơm như lá mận; chùm mồi có vị chua chua, chát chát; cóc, xương máu lại chua... Chính nhờ những vị rau ăn kèm này đã tôn vinh món bánh canh, bánh tráng Trảng Bàng nổi tiếng nức lòng thực khách gần xa.
Để chủ động nguồn rau đặc sản - rau rừng để cung cấp cho khách hàng quanh năm mà không lệ thuộc vào cây thiên nhiên, ông Dĩ lặn lội tìm kiếm, bứng từng cây về thuần dưỡng thử. Ban đầu, ông bứng được vài chục gốc rồi trồng trên mảnh vườn. Thấy cây thiên nhiên ngày càng ít nên ông Dĩ nghĩ đến việc chiết cành để nhân giống, mở rộng diện tích.
Theo ông Dĩ, đặc điểm của các loại cây rau rừng là có tính tự nhiên hoang dã, chịu đựng trong mọi điều kiện thời tiết, môi trường khắc nghiệt, kháng lại các loại sâu bệnh cao, nên không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Từng loài cây có đặc tính riêng như rau mặt trăng, trâm ổi, lộc vừng chịu đất ẩm ướt; rau có, rau nhái, chùm mồi, bằng lăng thì chịu đất cao, không cần sử dụng nhiều nước nước...
Sau hơn 6 năm sưu tầm, chăm sóc, hiện vườn rau của ông Dĩ có trên 1.000 gốc rau rừng các loại. Ngoài ra, ông cũng nhân giống bán cho các hộ xung quanh để trồng, tăng thêm thu nhập.
Ông Lê Văn Hòa - Chủ tịch Hội Nông dân xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng cho biết, ông Dĩ cũng đã giới thiệu mô hình của mình cho những hộ dân xung quanh trồng theo mô hình rau sạch, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Hiện khu vực nhà ông Dĩ đã thành lập được một tổ liên kết trồng rau rừng với hàng chục hộ được cấp giấy chứng nhận rau sạch VietGAP hoạt động khá hiệu quả khi có đầu ra ổn định.
Đ.Hoảnh/daidoanket.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã