Giống rau sạch được ươm trên các giá thể trong nhà lưới, bảo đảm sạch sâu bệnh. Ảnh: Diệp Anh - TTXVN
Anh Giàng A Dạy (dân tộc Mông, sinh năm 1993) sinh ra và lớn lên tại bản Rừng Thông, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn (tỉnh Sơn La). Là một bản nghèo, cách xa trung tâm xã và thường xuyên thiếu nước, người dân nơi đây chủ yếu sống nhờ vào một vụ canh tác mùa mưa.
Tuổi trẻ với niểm đam mê làm nông, anh Dạy luôn trăn trở với việc làm thế nào để mở rộng canh tác vào mùa khô, giúp người dân cải thiện thu nhập.
Năm 2015 khi đang học năm thứ 4 Đại học Tây Bắc, biết có chương trình tu nghiệp tại Isreal trong lĩnh vực nông nghiệp, anh không chần chừ đăng ký và may mắn được lựa chọn là tu nghiệp sinh.
Anh Dạy chia sẻ: Anh rất ấn tượng với đất nước Isreal. Đây là đất nước nổi tiếng trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với hệ thống tưới nhỏ giọt trên sa mạc. Anh hy vọng những gì học được sẽ giúp việc canh tác tại địa phương vào mùa khô trở nên dễ dàng.
Đặt chân đến Irseal, anh Dạy được làm việc tại trang trại chuyên về rau của một tập đoàn cây giống lớn thứ 3 của Isreal. Ở đây, anh được học hỏi cũng như trực tiếp tham gia các công đoạn từ bảo quản hạt giống, ươm giống, cách chăm sóc cây giống trong nhà lưới đến cách đem gieo cây giống và vận hành hệ thống tưới nhỏ giọt trên sa mạc.
Ngoài giờ làm việc 8 tiếng/ngày và học lý thuyết tập trung 1 buổi/tuần, anh dồn toàn thời gian nghỉ vào việc ứng dụng kiến thức đã học vào thực tiễn và đi học hỏi kinh nghiệm tại các trang trại khác.
Anh đã chủ động mượn ông chủ trang trại một mảnh vườn rộng 100m2 để thực hành; qua đó từng bước rút kinh nghiệm trong việc phát triển cây trồng và ươm cây giống trên điều kiện, môi trường và thời tiết ở quê nhà.
Vườn trồng rau rộng 1,5ha của thanh niên Giàng A Dạy có sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt Isreal, hệ thống tưới phun và màng phủ nông nghiệp để hạn chế nước bốc hơi. Ảnh: Diệp Anh - TTXVN
Sau 11 tháng tu nghiệp tại Isreal, tháng 8/2016, anh Dạy trở về nước với mục tiêu ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt Isreal trong việc trồng rau sạch tại địa phương. Anh dành một tuần tại thành phố Hà Nội để tìm hiểu thị trường cây giống cũng như tham khảo thị hiếu của người tiêu dùng đối với mặt hàng rau sạch.
Về địa phương, dù đang là mùa khô nhưng anh vẫn quyết tâm ươm cây giống và trồng rau. Anh tự chặt tre, dựng lưới làm vườn ươm, đồng thời cùng một số thanh niên tự đào đường ống dẫn nước dài 2km từ thung lũng về nhà.
Bằng nguồn nước này, anh xây dựng thành công hệ thống tưới nhỏ giọt đến từng gốc cây trồng, định kỳ tưới 2 lần/ngày và mỗi lần 5 phút. Nhờ vậy, thời điểm đó là mùa khô, đất vườn xung quanh khô cằn nhưng đất trồng rau của anh vẫn tươi tốt.
Để nâng cao chất lượng rau xuất ra thị trường, anh Dạy hướng tới việc loại bỏ phân hóa học và thuốc kích thích trong gieo trồng. Anh áp dụng kinh nghiệm học được tại Isreal trong quản lý dịch bệnh tổng hợp, sử dụng hỗn hợp nước rượu và tỏi, ớt để gây ức chế sâu bệnh mà không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Trên diện tích gần 1,5ha, vườn rau của anh có đủ các loại từ cải thảo, cải ngọt đến các rau trái vụ như súp lơ, bắp cải... Năm 2016, phần lớn lợi nhuận từ sản xuất và kinh doanh rau sạch được anh dùng để tái đầu tư hệ thống tưới tiêu và vật liệu nông nghiệp nên chỉ thu được khoảng vài chục triệu.
Mô hình trồng rau sạch có sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt Isreal là mô hình phát triển kinh tế mới tại huyện Mai Sơn (tỉnh Sơn La) nhưng được phía Tỉnh Đoàn Sơn La đánh giá rất có triển vọng.
Là một đảng viên trẻ và Bí thư Chi đoàn bản, anh Dạy mong muốn sẽ nhân rộng mô hình nảy cho nhiều bạn thanh niên; từ đó kết nối các bạn thanh niên có niềm đam mê nông nghiệp khởi nghiệp trên chính mảnh đất quê hương.
Thanh niên Giàng A Dạy (dân tộc Mông, sinh năm 1993) với mô hình trồng rau sạch bằng hệ thống tưới nhỏ giọt Isreal tại bản Rừng Thông, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn. Ảnh: Diệp Anh - TTXVN
Bí thư Tỉnh Đoàn Sơn La Vàng A Lả đánh giá: Trong những năm trở lại đây, nhận thức cũng như ý chí về khởi nghiệp của thanh niên trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là thanh niên dân tộc thiểu số đã có nhiều chuyển biến.
Các đoàn viên, thanh niên đã mạnh dạn áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật và mô hình sản xuất mới để lập nghiệp ngay trên mảnh đất quê hương. Anh Giàng A Dạy là thanh niên điển hình trong việc phát triển mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Được trang bị kiến thức bài bản, với niềm đam mê nông nghiệp, anh đã thành công bước đầu trong việc xây dựng mô hình kinh tế gắn với lợi thế, tiềm năng địa phương. Đây là tấm gương sáng cho các thế hệ thanh niên lập nghiệp, xây dựng kinh tế quê hương./.
Theo Diệp Anh/bnews.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã