Tốt nghiệp đại học ngành xây dựng, nộp đơn xin việc khắp nơi mà không thấy hồi âm, Tô Vũ Thành Tín quyết định về lại quê nhà đầu tư 70 triệu đồng để nuôi chim trĩ. Chỉ sau 2 năm, bầy chim đã mang đến thu nhập hàng tỉ đồng cho chàng nông dân trẻ.
Thức ăn chính của chim trĩ là lúa
Tín (25 tuổi, ở thôn Vạn Hội, xã Ân Tín, H.Hoài Ân, Bình Định) chia sẻ, trong những ngày đầu tiên đưa ý tưởng sẽ nuôi chim trĩ thay vì nuôi gà, heo, bò như nhiều người dân quanh vùng, ba mẹ Tín đã rất băn khoăn. “Hồi đó, nghe tôi nói xong thì ông bà cứ ngẩn người ra vì có ai nuôi trĩ ở đây đâu. Rồi lỡ có gì thất bại, trong khi 70 triệu đồng tiền vốn cũng là vay mượn mà nên chứ nhà nghèo quá. Nhưng tôi nghĩ, đã nghèo mà còn không dám làm, không đi hướng mới thì biết chừng nào thoát nghèo nổi. Vậy là làm sau khi đã thuyết phục được ông bà”, Tín kể lại.
Trước khi nuôi trĩ, Tín đã tham khảo rất kỹ các thông tin trên mạng. Bầy chim giống mà Tín mua cũng được anh cất công vào tận miền Nam chọn lựa. Chuồng nuôi chim được Tín xây theo hướng không gian mở, tận dụng mọi hướng có sáng vì loài chim này chịu nắng và nhiệt độ cao, phù hợp với các vùng đất khô cằn, nắng nóng thường xuyên. Ngoài ra, phải xây chuồng nuôi tách chim lớn, chim nhỏ ra riêng.
Trong quá trình nuôi, Tín đặc biệt chú trọng khâu vệ sinh. Nước uống của chim được anh nấu sôi để nguội. Khẩu phần ăn kết hợp 60% lúa và 40% cám, rau. Tín chia sẻ: “Thật ra, nếu có nhiều tiền, cho tụi nó ăn mồi tươi thì nhanh lớn, mập thịt hơn nhưng em nuôi nhiều quá nên cho ăn “chay” vậy thôi. Chim khi xuất chuồng sau 4 tháng nuôi thường có trọng lượng từ 1 – 1,4 kg với giá thành từ 190.000 – 200.000 đồng/kg.
Hơn 2 năm nuôi chim trĩ, Tô Vũ Thành Tín đã cho xuất chuồng hơn 10.000 con chim với nhiều đợt lớn nhỏ, có lúc cao điểm xuất đến 500 con/lần, đem về hơn 2 tỉ đồng, trong đó, lợi nhuận khoảng 30 – 40%.
Một trong những bí quyết nuôi chim trĩ thành công của Tín là phải bỏ nhiều công chăm sóc với sự hiểu biết và cập nhật thường xuyên các kiến thức mới. Cụ thể, khi nuôi chim trĩ con dưới 1 tháng, phải úm kỹ chim non với nhiệt độ khoảng 36 độ C (nếu thấp hơn, chim dễ chết). Thuận lợi lớn của chim trĩ là nguồn gốc hoang dã nên ít nhiễm dịch bệnh như các loại gia cầm khác.
Bệnh mà chim trĩ thường gặp là tiêu chảy do nguồn thức ăn không đảm bảo. Để phòng ngừa, người nuôi phải cho uống tỏi định kỳ (2 tuần/lần) pha theo tỷ lệ: 1.000 con thì uống 1/2 kg tỏi giã hòa nước, hoặc cho uống khi thời tiết thay đổi đột ngột mưa nắng thất thường. Ngoài ra, khi chim mắc bệnh thì phải cho uống thuốc ngay, uống thêm riềng…
Nếu nuôi chim đẻ thì phải cho ăn đúng giờ để tỷ lệ trứng ổn định, đều. Ngoài bán chim trĩ thịt, Tín còn cung cấp trứng trĩ để ấp, bán luôn máy ấp trứng tự chế đảm bảo tỷ lệ trứng nở cao, từ 80 – 90%. Chiếc máy này được Tín mày mò, cải tiến lại suốt mấy tháng trời sau khi mua chiếc máy ấp đầu tiên thất bại (chỉ nở được 10%).
Tâm Ngọc
Nguồn: nghenong.com
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã