Cách đây nhiều năm, bà Hoàng Thị Nhung - Chi hội trưởng Hội Nông dân thôn 13, xã Thanh Mỹ (huyện Thanh Chương) đã nổi tiếng là một người làm kinh tế giỏi. Chồng đang tại ngũ, con còn nhỏ nhưng bà đã đầu tư làm kinh tế trang trại trồng cây ăn quả, bán cây giống, nuôi cá thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm.
Từ ngày ông Trần Công Sơn - chồng bà Nhung về nghỉ hưu, việc phát triển kinh tế của gia đình thuận lợi hơn. Họ quyết định chỉ đầu tư trồng 2 loại cây ăn quả chính đó là hồng và bưởi, còn lại giành đất để xây dựng chuồng trại nuôi gà và một số loại vật nuôi khác.
Ông Trần Công sơn đang chăm sóc đàn gà. |
Để nuôi gà thành công, vợ chồng ông bà Sơn - Nhung chọn giống gà trống bản địa như ri, cộc... thiết kế một hệ thống nuôi gà đẻ trứng, xây dựng lò ấp, thuê thú y thực hiện nghiêm ngặt các quy trình úm gà. Sau quá trình úm và thực hiện các bước tiêm phòng khi gà đủ sức đề kháng thì thả chúng dưới vườn cây, cho ăn bằng thức ăn tự phối trộn, thức ăn phụ phẩm nông nghiệp.
Thu được lãi cao từ nuôi gà, bán gà giống, vợ chồng ông Sơn thuê thêm 1,5 ha đất cách nhà khoảng 500m mở thêm một trang trại. Trang trại này nằm giữa cánh đồng rộng, có lưới bao chắc chắn, gà được thả bộ dưới vườn ngô, vừng, vừa tận diệt sâu bọ, ăn hết cỏ, lại cho chất lượng thịt thơm ngon. ông Sơn còn cho đào ao và nuôi thêm khoảng 3.000 con vịt trời được nhập giống từ Trung tâm Chăn nuôi rừng Cúc Phương - Ninh Bình. “Người ta nói nuôi gà khó bán. Đó là gà nuôi nhốt theo hình thức công nghiệp. Còn gà thả bộ thì vẫn… bát ngát đầu ra, lại rất có lãi”. Ông Sơn chia sẻ.
Ông Trần Công sơn đang giới thiệu những con lơn rừng giống |
Cùng với gà, các loại vật nuôi khác như lợn rừng, vịt trời, ba ba, cá cũng rất phát triển. Những năm gần đây, mỗi năm, trang trại của vợ chồng ông Sơn cung ứng khoảng 8 tấn gà thịt, 10 vạn con gà giống, 4.000 con vịt trời, 150 con lợn rừng giống, 6 tạ thịt lợn rừng, 5 tạ ba ba; mỗi năm cho tổng doanh thu trên 1 tỷ đồng.
Một lợi thế nữa của vợ chồng ông Sơn là tại thời điểm ông nuôi gà thành công, huyện Thanh Chương đã xây dựng Dự án khoa học và công nghệ “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể gà Thanh Chương” và đề án “Phát triển một số vật nuôi gắn với xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2016 - 2020”. Trong đó, những mô hình đã chăn nuôi rất thành công như trang trại của vợ chồng ông Sơn, bà Nhung là những căn cứ thực tế sinh động, là nguồn giống quan trọng bước đầu. Ông Sơn cho biết: Hầu hết các trang trại gà trên địa bàn, đặc biệt là mô hình nuôi gà của Nhà máy Tinh bột sắn Intimex đều mua con giống từ trang trại của ông. Đây là đề án có tính khả thi nếu xây dựng được các trại gà giống uy tín, đủ năng lực cung cấp con giống cho người nuôi gà tại địa phương”.
Bà Hoàng Thị Nhung với đàn vịt trời 4.000 con. |
Tại Đại hội thành lập “Hội những người chăn nuôi gà huyện Thanh Chương” mới được tổ chức, ông Trần Công Sơn đã được bầu vào Ban Chấp hành phụ trách kỹ thuật nhưng ông khiêm tốn cho rằng: Đã nuôi gà ai cũng có kỹ thuật, cần nhất là tổ chức giao lưu trao đổi kinh nghiệm giữa các hộ chăn nuôi. Đó là cách tiếp cận gần nhất, nhanh nhất với khoa học kỹ thuật”. Vợ chồng ông mong muốn được chung sức, góp những tiếng nói, cách làm để đưa “gà Thanh Chương” đến với người tiêu dùng ở một phạm vi rộng hơn, giá trị cao hơn.
Trần Đình Hà
baonghean.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã