Tuy mới 32 tuổi nhưng anh Đức đã có cách suy nghĩ táo bạo, dám nghĩ, dám làm nên so với bạn bè cùng trang lứa, nhìn anh già dặn, chững chạc hơn rất nhiều. Anh Đức tâm sự, bố mất khi anh mới hơn một tuổi.
Lúc còn nhỏ, ngoài giờ đi học, anh hay theo mẹ và anh trai đi làm đồng, chăn bò, nhặt củi. Anh làm đủ việc chỉ mong được giúp đỡ mẹ phần nào. Hoàn cảnh khó khăn làm cho việc học hành của anh dang dở nhưng lại càng thôi thúc anh quyết tâm làm giàu.
Khi 17 tuổi, anh đã bàn với mẹ và anh trai lên vùng đội này lập nghiệp. Tưởng anh chỉ nói cho vui, không ngờ anh đã thuyết phục được mẹ và anh mình. Với số vốn liếng mẹ anh chắt chiu được, cùng số tiền vay được từ việc cắm sổ đỏ, anh bắt đầu lên kế hoạch làm kinh tế ở vùng đất này.
Năm 2004, anh bắt tay vào nuôi vịt, nhưng cơ may vẫn chưa đến bởi 1000 con vịt đầu tiên bị chết gần hết do dịch cúm gia cầm ập đến. Chàng thanh niên trẻ không bỏ cuộc mà tiếp tục “thua keo này ta bày keo khác”. Cũng chính vì ý chí kiên cường, dám nghĩ, dám làm đó mà anh được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho vay thêm vốn để đầu tư.
Với kinh nghiệm từ học hỏi thực tế và qua các lớp tập huấn kỹ thuật tại địa phương, anh Đức tiếp tục đầu tư mua lứa vịt mới, nuôi thêm lợn, gà. Nhưng lần này anh không nuôi số lượng nhiều mà chỉ tính kế “lấy ngắn nuôi dài”, chậm mà chắc. Ông trời đã không phụ lòng anh, sau một thời gian, có được thu nhập kha khá, anh trang trải nợ nần và gia đình ổn định cuộc sống hơn.
Năm 2009, anh mua 11 con bò lai Sind và nhận được sự hỗ trợ 1 triệu đồng/con của chương trình Sind hóa đàn bò trên cả nước. Kể từ đó, anh đã thật sự “bén duyên” với nghề chăn nuôi bò. Để chăm sóc cho đàn bò tốt hơn, ngoài việc tận dụng rơm rạ, anh còn trồng thêm 1 ha cỏ để cung cấp nguồn thức ăn cho chúng.
Những chú bò nái nhanh lớn và bắt đầu sinh những bê đầu lòng đã làm anh phấn khởi vô cùng. Sau 2 năm anh đã có bê để xuất chuồng và lại gặp lúc được giá nên gia đình đã khấm khá lên rất nhiều.
Số tiền từ bán bê và chắt chiu từ những khoản khác, một phần anh mua thêm bò thịt về nuôi, vỗ béo vài ba tháng là bán, một phần anh dành để đầu tư trang trại bài bản hơn, mở rộng diện tích trồng cỏ để chăn nuôi. Ngoài ra, anh còn đầu tư thêm hơn 2 ha ao nuôi cá nhằm tận dụng nguồn thức ăn dư thừa, phế phẩm chăn nuôi và tăng thêm thu nhập.
Hiện tại, anh đang sở hữu 30 con bò nái, 20 con bê; 40 con lợn rừng và 2 ha ao nuôi cá. Nếu thuận lợi như những năm trước, trang trại này cho doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm.
Anh chia sẻ: “Năm nay, giá lợn giảm mạnh, giá gà, vịt, bò cũng bấp bênh nên tôi thay đổi hướng đầu tư, đó là chủ yếu tập trung nuôi cá nước ngọt và lợn rừng. Còn số bò hiện có vẫn tiếp tục chăm sóc, hi vọng thời gian tới được giá hơn sẽ cho xuất chuồng những chú bê đã lớn”.
Với nỗ lực phấn đấu không ngừng, chàng thanh niên Dương Danh Đức đã biết vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương bằng chính sức lực, trí tuệ, ý chí quyết tâm, dám nghĩ, dám làm của mình.
Anh là một trong những tấm gương thanh niên được tuyên dương trong phong trào phát triển kinh tế ở các địa bàn nông thôn gắn với xây dựng Nông thôn mới. Mong rằng, với sự quan tâm của Nhà nước, chính quyền các cấp, các ngành liên quan, trong thời gian tới thị trường sẽ ổn định hơn để anh cũng như bao người dân khác yên tâm phát triển sản xuất.
Theo Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh
Nguồn: nongthonviet.com
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã