Để góp phần bảo vệ tài nguyên rừng, nhiều tổ chức đã hỗ trợ Hà Tĩnh thông qua nhiều hình thức khác nhau. Năm 2020, Dự án “Hỗ trợ Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris tại Hà Tĩnh (SIPA Hà Tĩnh)” triển khai thực hiện các hoạt động nhằm hỗ trợ các nông hộ nhỏ thuộc các huyện dễ bị tổn thương thực hiện các biện pháp thích ứng dựa vào hệ sinh thái EbA/nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu (CSA) và quản lý rủi ro có sự tham gia. Trung tâm khuyến nông Tỉnh Hà Tĩnh, cùng với các cơ quan cấp Tỉnh tham gia dự án đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Nông lâm Quốc tế (ICRAF Việt Nam) khảo sát và lựa chọn một số mô hình thích ứng dựa vào hệ sinh thái dựa trên nhu cầu của người dân và đề xuất của cán bộ các địa phương. Trong đó, mô hình “Nuôi ong dựa vào hệ sinh thái vườn, rừng” được đánh giá là một trong số các mô hình tiềm năng giúp bà con nâng cao năng lực thích ứng với các điều kiện bất thường của thời tiết, khí hậu và cải thiện sinh kế dựa vào lợi thế về nguồn hoa tự nhiên dồi dào và phong phú từ những cánh rừng tự nhiên, rừng trồng như keo, tràm và vườn cây ăn quả. Mô hình được chính thức triển khai từ tháng 12/2020 tại các xã Sơn Tiến, xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn và thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.
Mô hình nuôi ong dựa trên hệ sinh thái vườn, rừng tại Hà Tĩnh
Tuy gặp phải những khó khăn, thách thức từ khâu chọn hộ cho phù hợp, đến quá trình thực hiện gặp điều kiện thời tiết nhiệt độ xuống thấp có khi xuống dưới 8°C và có khi lên đến 42°C, cùng với những bỡ ngỡ, lúng túng của bà con về khâu kỹ thuật nuôi ong, các nông hộ tham gia dự án đã có thu những kết quả ban đầu đầy phấn khởi. Hương thơm của hoa vườn rừng đã được chuyển thành vị ngọt mát của mật ongmang lại hiệu quả kinh tế, cho bà con tham gia mô hình. Không những thế, mô hình còn mang lại hiệu quả xã hội khi nhiều hộ trong vùng đến tham quan, học tập kinh nghiệm và nhân giống để cùng thực hiện.
Hộ nhà anh Nguyễn Duy Toán và chị Phan Thị Thùy, thị trấn Đồng Lộc đã nhân được 4 tổ từ 10 tổ ong hỗ trợ ban đầu của dự án và thu hoạch được 210 chai (750ml/chai) mật. Với giá bán thị trường từ 200.000 đồng – 250.000 đồng/chai vụ mùa mật này, hộ gia đình đã thu về được gần 40 triệu đồng. Hộ gia đình cũng đang định hướng không chỉ bán mật ong nguyên chất mà có thể sản xuất các sản phẩm khác như nghệ ngâm mật ong và sử dụng đa dạng các cách thức truyền thông (mạng xã hội, mạng lưới người đồng hương ở các tỉnh, cửa hàng nông sản an toàn) để quảng bá và bán sản phẩm.
Vợ chồng nhà bác Bùi Đức Đờn và bác Nguyễn Thị Trà, xã Sơn Tiến, huyện Hương Sơn nhờ sự hỗ trợ từ Dự án mùa mật này bác đã thu về khoảng 20 triệu đồng và đã nhân giống được 12 tổ ong để phát triển đàn ong được nhiều hơn để định hướng tạo ra nguồn mật hàng hóa cung ứng thị trường được bền vững hơn.
Đồng chí Nguyễn Huy Hiệu, phó chủ tịch UBND xã Sơn Tiến chia sẻ “Tôi thấy việc lựa chọn triển khai mô hình nuôi ong dựa trên hệ sinh thái vườn, rừng là thực sự phù hợp với địa bàn xã Sơn Tiến, bởi xã là một trong những xã có diện tích rừng lớn của huyện Hương Sơn, các hộ dân chủ yếu sống dựa vào rừng và hệ sinh thái ven rừng. Nên để tạo thu nhập ổn định, đưa cuộc sống của những người dân nơi đây đi lên sẽ góp phần vào công tác bảo vệ rừng được tốt hơn, người dân sẽ không khai thác rừng tự nhiên mà thông qua nguồn tài nguyên này để phát triển kinh tế hộ gia đình ngày một cao hơn. Xã đang có định hướng phát triển nhân rộng mô hình để hướng tới phát triển sản phẩm mật ong thành sản phẩm OCOP của xã nhằm đưa vị ngọt mật ong Sơn Tiến ngày càng đi xa hơn”.
Dự án đã đi gần 2/3 chặng đường, có thể thấy được những mục tiêu đề ra đối với mô hình nuôi ong dựa trên hệ sinh thái vườn, rừng đã gần đạt được. Các nông hộ tham gia dự án đã được nếm vị ngọt, hương thơm mật ong sẽ còn bay xa hơn khi các hộ sản xuất an toàn, bền vững và tìm được con đường thị trường bán sản phẩm an toàn. Một cuộc sống tốt đẹp hơn trong môi trường canh tác an toàn là điều bà con tham gia dự án SIPA đã có thể cảm nhận được./.
Thái Thơm/khuyennonghatinh.com
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã