Phóng viên Báo Kinh tế nông thôn có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Diên, Giám đốc Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh, về chặng đường xây dựng và phát triển của ngân hàng mang sứ mệnh đầu tư chủ lực vào tam nông.
Điều gì khiến bà ấn tượng nhất trong hành trình cùng nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu bền vững?
Có thể nói, Nghị quyết 26 đã mở đường cho các địa phương mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn; quan tâm nhiều hơn đến đời sống của nông dân.
Trong thời gian 10 năm, Agribank Hà Tĩnh đã thực hiện hỗ trợ lãi suất hơn 240 tỷ đồng/34.907 khách hàng theo các quyết định của Chính phủ, UBND tỉnh Hà Tĩnh, giúp người dân có đồng vốn vượt qua khó khăn, đầu tư phát triển sản xuất hiệu quả.
Ngoài thực hiện hỗ trợ lãi suất, thông qua Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Agribank Hà Tĩnh cho người dân vay vốn mở rộng chăn nuôi, phát triển kinh doanh với tổng dư nợ hiện đạt hơn 3.153 tỷ đồng.
Agribank Hà Tĩnh luôn đồng hành, tạo điều kiện cho bà con vay vốn đối ứng để xây dựng trang trại, gia trại chăn nuôi tập trung, đem đến cho người dân “chiếc cần câu” và hướng dẫn họ “cách câu” để tự vươn lên thoát nghèo bằng chính sức lao động của mình.
Hàng loạt mô hình được giải ngân với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng, đơn cử như HTX Việt Hải dư nợ gần 10 tỷ đồng; trang trại chăn nuôi lợn của hộ anh Nguyễn Tiến Sơn, xã Cẩm Sơn (Cẩm Xuyên) 8 tỷ đồng; trang trại của chị Nguyễn Thị Thanh, xã Cẩm Quang (Cẩm Xuyên) hơn 4,5 tỷ đồng...
Nhiều năm liên tục Agribank Hà Tĩnh dẫn đầu khu vực về các phong trào thi đua. Đâu là cách làm hay, thưa bà?
Trong mọi chương trình hành động, Agribank Hà Tĩnh luôn kiên định mục tiêu nhất quán: coi “tam nông” là địa bàn chiến lược để phục vụ. Cùng với đó, Agribank Hà Tĩnh luôn chú trọng xây dựng chất lượng phục vụ chuyên nghiệp để làm niềm tin vững bền cho nông dân.
Bên cạnh nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu là thực thi chính sách tiền tệ, thực hiện kinh doanh chất lượng, hiệu quả, phục vụ tốt cho tín dụng nông nghiệp, nông thôn thì việc thực hiện trách nhiệm đối với cộng đồng, ngay từ những ngày đầu thành lập, đã được xác định rất rõ là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động của Agribank Hà Tĩnh.
Từ năm 2013-2018, Agribank Hà Tĩnh đã dành 58 tỷ đồng cho hoạt động an sinh xã hội. Trong số đó, đầu tư xây dựng 5 trường học, 2 trạm y tế, xây 242 ngôi nhà tình nghĩa, trao tặng hỗ trợ 5 tỷ đồng và 25 tấn gạo ủng hộ ngư dân thiệt hại do sự cố môi trường biển, trao tặng 204 con bò giống cho hộ nghèo… Truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” đã được các thế hệ Agribank Hà Tĩnh xây dựng, gìn giữ theo suốt chiều dài 30 năm trưởng thành và phát triển.
Trong chặng đường sắp tới, bà có thể cho biết, Agribank Hà Tĩnh sẽ làm gì để đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trở thành ngân hàng hiện đại đa năng?
Cả hệ thống Agribank luôn đặc biệt quan tâm đến vấn đề hiện đại hóa công nghệ ngân hàng. Năm 2007, Agribank đã được Ngân hàng Nhà nước chọn là ngân hàng thương mại đầu tiên triển khai dự án hiện đại hóa công nghệ ngân hàng do Ngân hàng thế giới (WB) tài trợ. Đối với Agribank Hà Tĩnh, đến cuối năm 2008 thì hoàn thành triển khai dự án này. Với chương trình “thanh toán nội bộ và kế toán khách hàng”, gọi tắt là IPCAS, hoạt động của Agribank Hà Tĩnh chính thức được kết nối trực tuyến với hơn 2.300 điểm giao dịch của Agribank trên toàn quốc. Với việc triển khai thành công hệ thống IPCAS, Agribank Hà Tĩnh đã có những bước tiến vượt bậc trong công tác quản trị, điều hành và phát triển các sản phẩm, dịch vụ tiện ích ngân hàng hiện đại, hiện tại đang triển khai gần 200 sản phẩm dịch vụ, đáp ứng được đa dạng các nhu cầu của khách hàng.
Agribank Hà Tĩnh hiện có 16 chi nhánh loại 3, 23 phòng giao dịch, 44 máy rút tiền tự động.
Đội ngũ cán bộ, viên chức Agribank Hà Tĩnh luôn đi đầu thay đổi công nghệ, đến cuối năm 2017 Agribank Hà Tĩnh đã triển khai đầy đủ các sản phẩm dịch vụ của Agribank Việt Nam, bao gồm sản phẩm dịch vụ thuộc các nhóm: dịch vụ thanh toán trong nước, quốc tế; dịch vụ kinh doanh ngoại tệ, chi trả kiều hối, thẻ, E-banking, ủy thác - đại lý và dịch vụ ngân quỹ; tăng cường liên kết và bán chéo sản phẩm, gắn kết được các sản phẩm dịch vụ với hoạt động huy động vốn, cho vay.
Agribank sẽ tiếp tục hỗ trợ nguồn lực giúp nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Ở đâu có nông dân, ở đó có dấu chân của cán bộ, nhân viên Agribank Hà Tĩnh.
Vâng, xin cảm ơn bà!
Tác giả bài viết: Theo kinhtenongthon.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã