Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT), Hà Tĩnh hiện có 209 trang trại chăn nuôi lợn tập trung quy mô 300 con trở lên. Phần lớn các trang trại đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải với công nghệ phổ biến là bể biogas và hồ sinh học. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát thì ở nhiều trang trại, các công trình bảo vệ môi trường chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật hoặc đã bị xuống cấp, không xử lý triệt để nước thải chăn nuôi.
Ông Đặng Bá Lục - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Tĩnh cho biết, năm 2017, chi cục tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên 9 trang trại chăn nuôi tập trung. Dù các trang trại có bể biogas hoạt động khá tốt, song, có đến 7 trang trại chưa có hệ thống xử lý nước thải theo cam kết đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Kết quả phân tích chất lượng nước thải tại 5 cơ sở có xả thải ra nguồn tiếp nhận cho thấy cả 5 trang trại vượt giới hạn cho phép. Quan trắc mạng lưới nước mặt tại các hồ, đập, sông suối những năm gần đây cho thấy một số lưu vực tiếp nhận nước thải từ hoạt động chăn nuôi đã có dấu hiệu ô nhiễm như sông Ngàn Sâu, sông Nghèn, hồ Vực Trống, kênh Nhà Lê…
Theo đơn đặt hàng của Sở KH&CN Hà Tĩnh, đầu năm 2017, Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế triển khai dự án nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ KH&CN trong xử lý môi trường tại các khu chăn nuôi tập trung tại Hà Tĩnh. Sau gần 2 năm thực hiện, dự án đã tìm ra nhiều giải pháp hiệu quả trong xử lý, giải quyết các vấn đề môi trường nước, không khí, tiêu hủy dịch bệnh gia súc trên địa bàn.
Tiến sỹ Trần Hòa Duân – Chủ nhiệm dự án cho biết: "Thực hiện dự án, chúng tôi phát triển hệ thống tự động xử lý nước thải sau biogas nhỏ gọn, hiệu suất xử lý cao dựa trên công nghệ vi sinh, hóa học và công nghệ tự động hóa. Đồng thời, phát triển một số công nghệ xử lý khí thải dựa vào sự hoạt động của các nhóm vi khuẩn có lợi cho môi trường và hệ thống rửa khí để loại bỏ các khí độc hại, đảm bảo môi trường trong sạch. Ngoài ra, còn phát triển lò đốt xác động vật để khống chế dịch bệnh. Đây là dự án áp dụng công nghệ tự động hóa (IOT) hoàn toàn trong xử lý môi trường chăn nuôi và áp dụng công nghệ vi sinh, thân thiện với môi trường. Sự ra đời của công nghệ này sẽ khắc phục những tồn tại của các công nghệ đang được áp dụng hiện nay ở Việt Nam nói chung và Hà Tĩnh nói riêng".
Ông Hoàng Văn Trọng (xã Kỳ Đồng, huyện Kỳ Anh) - chủ trang trại chăn nuôi lợn có quy mô 2.000 con/lứa, chia sẻ: "Trước đây, mặc dù xa khu dân cư nhưng trang trại vẫn gây ô nhiễm môi trường, việc xử lý nằm ngoài khả năng do thiếu diện tích đất. Sau khi được thử nghiệm công nghệ mới của Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế, các vấn đề môi trường được giải quyết. Hiện tại, hồ sinh học đã ngừng hoạt động và tôi đang chuyển sang phương án nuôi cá, khí thải được xử lý khoảng 90%, xác động vật chết được đốt bằng lò vừa tránh nguy cơ gây bệnh, vừa làm phân bón. Ngoài ra, gia đình đầu tư thêm công nghệ ép phân, tạo thêm lợi nhuận khá hàng năm với giá thành 800 nghìn đồng/tấn".
Theo Giám đốc Sở KH&CN Hà Tĩnh Đỗ Khoa Văn: "Qua theo dõi và đánh giá, môi trường nước, không khí tại các trang trại thí điểm đã đảm bảo tiêu chuẩn môi trường. Các chỉ số đánh giá chất lượng chất thải đều dưới chuẩn quy định. Có thể thấy, dự án đã hoàn thành các mục tiêu đề ra. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục theo dõi, đánh giá và tiến hành tổng kết để có cơ sở kiến nghị xây dựng chính sách hỗ trợ nhân rộng".
Theo Dương Chiến/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã