Việc cơ cấu lại lĩnh vực nông nghiệp đã đạt được kết quả thế nào?
Nghị quyết 24/2016/QH14 về Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, trong lĩnh vực tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xác định 9 mục tiêu cần hoàn thành đến năm 2020. Đánh giá sơ bộ, có 3 mục tiêu dự kiến hoàn thành, 2 mục tiêu có khả năng hoàn thành, 4 mục tiêu cần các giải pháp thúc đẩy để hoàn thành. Nhìn chung, cơ cấu lại nông nghiệp có khả năng hoàn thành các mục tiêu quan trọng.
Đóng góp của nông - lâm - thủy sản vào tốc độ tăng trưởng kinh tế đã được cải thiện mạnh. Nếu năm 2016, đóng góp của ngành nông nghiệp vào tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế chỉ có 0,2 điểm phần trăm, thì năm 2017 là 0,4 điểm phần trăm và 9 tháng đầu năm 2018 lên đến 0,62 điểm phần trăm, đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng 6,98% của GDP.
Kết quả đạt được trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp đặc biệt có ý nghĩa khi biến đổi khí hậu tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất của ngành nông nghiệp ngày càng nặng nề. Năm 2017, thiên tai, bão lũ, hạn hán do biến đổi khí hậu đã gây thiệt hại cho ngành nông nghiệp khoảng 60.000 tỷ đồng và để lại di chứng rất nặng nề cho năm 2018. Trong 9 tháng đầu năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng 3,65%. Đặt trong bối cảnh khó khăn như vậy mới thấy, tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành nông nghiệp 9 tháng đầu năm là một kỳ công.
Ngoài thời tiết năm nay dường như thuận lợi hơn, những yếu tố quan trọng nào tạo ra kỳ công đó, thưa ông?
Thời tiết có vai trò rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, nhưng theo tôi, kết quả đạt được của lĩnh vực nông nghiệp nằm ở quyết tâm chính trị rất cao. Năm 2018, lần đầu tiên Tổng Bí thư, lãnh đạo các ban của Đảng, lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội tham dự Hội nghị Triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cho thấy cả hệ thống chính trị vào cuộc rất đồng bộ, rất quyết liệt.
Sự quyết liệt ở Trung ương đã lan tỏa xuống các địa phương, nhiều địa phương đã tái cơ cấu nông nghiệp rất sáng tạo như Đồng Tháp tái cơ cấu 5 sản phẩm nông nghiệp, thủy sản có lợi thế của địa phương. Hà Giang, một trong những địa phương khó khăn nhất cả nước đã biết biến khó khăn thành lợi thế. Đó là phát triển cây dược liệu cùng với phát triển hợp tác xã để biến cây dược liệu thành hàng hóa có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường, thay vì trồng ngô, sắn và mạnh ai nấy làm như mọi khi.
Nói chung, tất cả các địa phương, tùy thuộc vào điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, đã chủ động tái cơ cấu ngành nông nghiệp từng bước thích ứng với thiên nhiên, với sự biến đổi khí hậu. Kết quả là về sản lượng tất cả các sản phẩm nông nghiệp đều tăng, giá xuất khẩu nông sản (trừ sản phẩm cây công nghiệp như tiêu, điều, café, cao su) rất tốt.
Nhờ đó, 9 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 29,97 tỷ USD, tăng 9,7 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2017. Dự báo năm nay, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 40 - 40,5 tỷ USD, trong khi chỉ tiêu Chính phủ giao là 38 tỷ USD.
Theo đánh giá chung, sản xuất nông nghiệp nước ta vẫn phụ thuộc quá nhiều vào thiên nhiên, thời tiết, chất lượng chưa cao và không đồng đều, giá trị gia tăng thấp do tỷ lệ sản phẩm qua chế biến thấp; manh mún, không làm chủ được thị trường... Vậy ngành nông nghiệp đã có những giải pháp nào để khắc phục?
Đúng vậy. Để khắc phục hạn chế trên, Chính phủ đã có nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp. Nhờ đó, nếu năm 2016, chỉ có 3.200 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, thì đến nay, đã có 8.800 doanh nghiệp, bên cạnh 13.300 hợp tác xã, hầu hết đều mới được thành lập. Doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp đều áp dụng công nghệ cao, nên giảm sự phụ thuộc vào thiên nhiên, thời tiết; bảo đảm được chất lượng sản phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng được yêu cầu thị trường cả trong nước và xuất khẩu.
Năm nay, chỉ riêng lĩnh vực rau quả, đã có thêm 10 nhà máy chế biến. Hy vọng nhờ đó sẽ dần khắc phục được điệp khúc “được mùa - mất giá” vì người sản xuất có thể bán một phần sản phẩm cho nhà máy chế biến. Nhà máy chế biến rau quả không chỉ làm tăng giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp, mà còn góp phần điều tiết thị trường.
Nhưng với thực trạng của sản xuất nông nghiệp tự phát thì cũng khó có thể điều tiết được thị trường?
Để khắc phục tình trạng sản xuất tự phát, các cơ quan quản lý nhà nước phải chủ động kiểm soát khâu sản xuất. Ví dụ, trước thực tế giá thịt lợn tăng quá cao, mới đây, tôi phải chủ động mời 10 doanh nghiệp chăn nuôi lợn lớn nhất cả nước đến làm việc và đề nghị phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước bảo vệ thị trường nội địa bằng cách chủ động giảm giá thịt lợn xuống. Nếu giá thịt lợn quá cao, lợi nhuận từ nuôi lợn quá hấp dẫn, người dân sẽ tự phát tăng đàn và thịt lợn nhập khẩu sẽ tràn vào thị trường. Khi đó, giá thịt lợn giảm mạnh, doanh nghiệp chăn nuôi bị lỗ và nguy hiểm hơn, doanh nghiệp bị mất thị trường nội địa.
Hay như cá tra đang rất được giá, người dân ở nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tự phát mở rộng diện tích nuôi. Trước tình hình đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phải gửi 2 công văn và cử nhiều đoàn công tác xuống các địa phương đề nghị phải quản lý chặt chẽ, cố gắng duy trì diện tích nuôi cá tra ở quy mô khoảng 5.200 ha, với sản lượng khoảng 1,3 triệu tấn, cho dù thị trường có thể hấp thụ lớn hơn. Vì nếu tăng diện tích, tăng sản lượng một cách ồ ạt, tự phát, thì không thị trường nào có thể hấp thụ hết và phần thua thiệt dồn vào người sản xuất.
Tái cơ cấu nông nghiệp không chỉ là nâng sản lượng, mà vấn đề là phải đi sâu vào canh tác, nâng cao chất lượng từ giống, nuôi, chế biến sâu và đa dạng hóa sản phẩm chế biến sau thu hoạch, không chỉ đáp ứng thị trường xuất khẩu, mà phải đáp ứng cho cả thị trường trong nước với hơn 93 triệu người tiêu dùng.
Tác giả bài viết: Theo Mạnh Bôn (Báo Đầu Tư)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã