Với mục tiêu đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi, hạn chế tối đa rủi ro do dịch bệnh, lực lượng thú y trên địa bàn xã Cẩm Duệ (Cẩm Xuyên) đang “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để rà soát, tiêm phòng theo quy định.
Đàn bò của bà Nguyễn Thị Huê (xã Cẩm Duệ, Cẩm Xuyên) hiện đã được tiêm phòng lở mồm long móng và tụ huyết trùng.
Gia đình bà Nguyễn Thị Huê (thôn Quốc Tiến – xã Cẩm Duệ) có 1 con bò và 1 con me bị chết do dịch viêm da nổi cục hồi tháng 3/2021. Hiện nay, bà Huê đang tập trung chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho 5 con trâu, bò với hy vọng có được khoản tiền kha khá khi xuất bán đúng dịp tết.
Bà Huê cho hay: “Gia đình tôi chuyên nuôi trâu, bò thịt để bán. Đợt này, trâu, bò được tiêm phòng lở mồm long móng và tụ huyết trùng đầy đủ nên gia đình cũng yên tâm hơn. Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp chăm sóc theo khuyến cáo của ngành chuyên môn để gia súc khỏe mạnh, phát triển tốt”.
Cùng với xã Cẩm Duệ, 22 địa phương còn lại của huyện Cẩm Xuyên đang gấp rút hoàn thành kế hoạch tiêm phòng cho đàn vật nuôi trong đợt này.
Ông Phan Thanh Nghi – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Thời gian qua, địa phương đã huy động tổng lực để sớm về đích tiêm phòng gia súc, gia cầm đợt 1/2021. Theo đó, 100% xã, thị trấn đã huy động lực lượng rà soát tổng đàn, tiến hành tiêm phòng cho vật nuôi đủ điều kiện. Đến thời điểm này, tỷ lệ tiêm phòng lở mồm long móng và tụ huyết trùng cho trâu, bò đạt 86% tổng đàn; tiêm phòng dịch tả lợn và tụ huyết trùng lợn đạt 70% tổng đàn; tiêm phòng H5N1 cho gia cầm đạt 70% tổng đàn; tiêm phòng dại cho chó đạt 85% tổng đàn”.
23 xã, thị trấn của huyện Cẩm Xuyên đang gấp rút hoàn thành kế hoạch tiêm phòng cho đàn vật nuôi trong đợt này.
Cũng theo ông Nghi, dịch bệnh trên đàn vật nuôi cộng với thời tiết nắng nóng kéo dài đã ảnh hưởng tới tiến độ tiêm phòng. Trong khi đợt tiêm phòng từ tháng 10/2020 lại nay thời gian quá dài, tính bảo hộ của mũi vắc-xin cũ đã hết nên tình trạng vật nuôi bị sốc phản vệ sau tiêm xuất hiện, mất nhiều thời gian chăm sóc. Địa phương phấn đấu 5 ngày nữa sẽ hoàn thành tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm.
Tại Nghi Xuân, các địa phương cũng đang đồng loạt ra quân tiêm phòng gia súc, gia cầm đợt 1/2021. Theo rà soát, Xuân Phổ, Đan Trường, Xuân Yên, Xuân Liên… là những xã vào cuộc tích cực.
Xuân Phổ, Đan Trường, Xuân Yên, Xuân Liên... là các xã vào cuộc tích cực trong công tác tiêm phòng cho vật nuôi ở huyện Nghi Xuân.
Ông Lê Văn Mạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Nghi Xuân cho biết: “Ngoại trừ gà, vịt do nhiều nguyên nhân khách quan nên tỷ lệ tiêm phòng chưa cao (gà 21,3%, vịt 23,3%), còn các loại gia súc, gia cầm khác đã được các địa phương đẩy mạnh “phủ” vắc-xin.
Đối với đàn trâu bò, hiện đã tiêm phòng lở mồm long móng và tụ huyết trùng cho 5.897/7.338 con, đạt tỷ lệ 80,4%. Với đàn lợn đã tiêm phòng dịch tả lợn và tụ huyết trùng cho trên 17.261/16.150 con, đạt tỷ lệ 106,9%. Tỷ lệ tiêm phòng dại chó của toàn huyện cũng đã đạt 85%. Địa phương tiếp tục rà soát để hoàn thành tiêm phòng cho các đối tượng vật nuôi theo quy định”.
Ngoài Cẩm Xuyên và Nghi Xuân, các huyện, thành, thị còn lại trong tỉnh cũng đang tập trung cao, sớm về đích tiêm phòng gia súc, gia cầm theo kế hoạch. Trong đó, các địa phương đạt tỷ lệ khá như: Hương Sơn, Hương Khê, Lộc Hà, Can Lộc…
Tuân thủ lịch tiêm chủng giúp vật nuôi tăng sức đề kháng, hạn chế tối đa dịch bệnh.
Ông Nguyễn Khắc Khánh – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh thông tin: “So với những đợt trước, đợt tiêm phòng này có những đặc thù riêng với nhiều khó khăn như: những tháng đầu năm, 13/13 huyện, thành, thị ghi nhận dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò nên tỉnh tập trung cao cho công tác phòng chống dịch và tiêm phòng dịch bệnh tiêm da nổi cục.
Sau đó, khi có vắc-xin thì đúng vào giai đoạn thời tiết nắng nóng nên phải từ đầu tháng 7/2021 công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm đợt 1/2021 mới triển khai đồng loạt trên toàn địa bàn nên đã ảnh hưởng đến tiến độ và kết quả tiêm phòng gia súc, gia cầm toàn tỉnh. Tuy vậy, Chi cục đã tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương tập trung cao nhất cho công tác tiêm phòng đàn vật nuôi để sớm hoàn thành kế hoạch".
Đến thời điểm này, tỷ lệ tiêm phòng lở mồm long móng và tụ huyết trùng cho trâu, bò toàn tỉnh đạt trên 60% tổng đàn; tỷ lệ tiêm phòng dịch tả lợn và tụ huyết trùng lợn toàn tỉnh đạt trên 50% tổng đàn; tỷ lệ tiêm phòng cúm gia cầm toàn tỉnh đạt trên 35%; tỷ lệ tiêm phòng dại chó đạt trên 82% tổng đàn. |
Theo ngành chuyên môn, thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh thiệt hại nặng nề bởi dịch tả lợn châu Phi, dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò và dịch cúm H5N8, H5N6 trên gia cầm... Do vậy, việc tuân thủ lịch tiêm chủng sẽ giúp vật nuôi tăng sức đề kháng, hạn chế tối đa dịch bệnh xảy ra, góp phần phát triển ngành chăn nuôi trên địa bàn.
Theo Thu Phương - Phan Trâm/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã