Từ giữa năm 2011, Vinh bắt đầu khai phá khu vườn tạp, thuê xe cuốc đào ao, làm hệ thống bơm nước, hệ thống bơm ôxy… mất vài trăm triệu đồng. Mỗi tuần, Vinh chuyển cả ngàn con cá kiểng đến các đầu mối ở TP Hồ Chí Minh và TP Cần Thơ.
Anh Nguyễn Quang Vinh quê ở huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu, tốt nghiệp đại học Cần Thơ năm 2009, chuyên ngành thủy sản. Ra trường, anh làm việc tại một công ty chế biến và xuất khẩu cá tra ở tỉnh An Giang.
Sau gần 2 năm làm việc với mức lương trên 5 triệu đồng/tháng, anh xin nghỉ việc, về quê vợ đào ao nuôi- ép cá kiểng. Anh Vinh cho biết, do cả gia đình cha mẹ vợ nhiều năm qua đã di dời đến xã Tân Thành cho tiện việc làm ăn nên khu đất chừng 2 công cũng bị bỏ hoang từ dạo ấy, nên chẳng có huê lợi gì.
Nhìn thấy địa thế của khu đất thuận lợi cho việc nuôi cá, đồng thời mơ ước về nghề nuôi cá kiểng vẫn luôn hiện hữu trong tâm trí nên anh mạnh dạn quyết định về quê… nuôi cá.
Vinh cho biết, hiện cha mẹ đều định cư ở Mỹ. Khi anh học xong ra trường thì cha mẹ có ý định bảo lãnh nhưng anh không chịu đi, quyết định lập nghiệp ở quê hương mình. Và cha mẹ đã trợ vốn ban đầu cho vợ chồng anh đầu tư vào trại cá.
Tham quan trại ương nuôi cá kiểng của Vinh, chúng tôi không khỏi thích thú vì đi đến đâu cá kiểng đủ màu nổi lên từng đàn và bơi theo như chào đón khách. Từng loại cá chép Nhật, cá chép vàng đuôi dài, tai tượng da beo, bình tích… được thả riêng từng ao, nhưng có điểm chung là… thấy bóng người cứ nổi lên bơi theo từng đàn, từng đàn…
Chị Nguyễn Minh Thúy (SN 1989)- vợ anh Vinh- cầm thau thức ăn cho cá vừa rải xuống ao vừa trò chuyện. Thúy cho biết, do cho cá ăn mỗi ngày nên quen, cứ thấy bóng người là nổi lên lội theo, đi tới đâu chúng lội theo tới đó. “Em với anh Vinh học chung Trường Đại học Cần Thơ. Em học ngành kế toán tổng hợp, anh Vinh học thủy sản. Ra trường, em đi làm tới giờ, còn anh Vinh thì một mực đòi làm nghề ương ép cá kiểng. Lúc đầu cũng hơi lo, nhưng dần dần thấy vui quá, nhìn cá kiểng riết rồi cũng mê theo anh Vinh luôn… Chắc em đi làm để có kinh nghiệm vài năm rồi về phụ với ảnh luôn!”- Thúy chia sẻ trong niềm vui.
Vinh chia sẻ, đầu tư nuôi cá kiểng thật sự tốn kém nhiều chi phí. Với diện tích khoảng 2 công này, anh đã đầu tư trên 200 triệu đồng bao gồm chi phí đào ao, thiết kế mô hình, mua trang thiết bị, con giống, công thợ,…
Nhưng nhờ nuôi đạt hiệu quả, nên giờ đây anh đã thu hồi trên 50% vốn đầu tư ban đầu. Mặc dù là một kỹ sư ngành thủy sản, nhưng khi bắt tay vào thực tế công việc thì có rất nhiều thứ phát sinh và gây khó khăn cho anh.
Mỗi một loại cá có một đặc tính khác nhau, và mỗi một giai đoạn sinh trưởng cũng yêu cầu phải có chế độ chăm sóc khác nhau. Vì vậy, chỉ với khoảng 5 loài, mà hầu như ngày nào anh Vinh cũng bận rộn từ sáng sớm đến tận chiều tối.
Do mô hình mới xây dựng, anh không có đàn cá bố mẹ, tất cả con giống là phải đi mua ở các trại giống mang về, rồi nuôi dưỡng từ 2 đến 4 tháng tùy loại, mới xuất bán. Nếu bỏ chi phí con giống, tiền thức ăn, chi phí nhân công và điện nước… mỗi con cá anh thu lãi từ 300- đến 1.000đ.
Đó là khi tỷ lệ hao hụt thấp- dưới 5%, nếu tỷ lệ hao hụt cao thì khó có lời. Bởi vậy, anh Vinh quyết tâm vừa nuôi kinh doanh, vừa đầu tư đàn cá giống bố mẹ, gồm các giống như: tai tượng da beo, bình tích, hạc đỉnh hồng, chép Nhật,… để giảm bớt chi phí tiền con giống, vốn đã chiếm khoảng 50% giá thành mỗi con.
Điều đáng mừng là khoảng vài tháng nữa, đàn cá bố mẹ, tai tượng da beo sẽ đến tuổi sinh sản và năm tới trại của anh Vinh sẽ tự sản xuất được con giống này. Khi đó, sự đầu tư cho mỗi đợt nuôi đã giảm đáng kể, và lợi nhuận sẽ tăng lên.
Vinh cho biết, mỗi tuần xuất được khoảng 1.000 con cá kiểng các loại cho các đầu mối ở TP Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh. Hiện đàn cá của trại anh Vinh lên đến 250.000 con. Trong thời gian tới, với sự mở rộng thị trường và mở rộng quy mô sản xuất, con số đó còn có thể tăng lên gấp nhiều lần.
Đến nay, anh Vinh đã có đủ cơ sở để khẳng định rằng, quyết định của anh là hoàn toàn đúng đắn. “Có thể cuối năm nay hoàn vốn được thì em sẽ chuyển ao chìm thành ao nổi. Bước đầu vì chưa có vốn nhiều nên làm tạm vậy thôi, chứ lâu dài thì không được. Hiện ao chìm khó kiểm soát nên hao hụt nhiều do ếch nhái vào ăn; riêng mùa nước nổi kỳ này em phải trực bơm nước ra, vậy mà cũng bị tràn bờ. Em và vợ đang bàn tính bơm cát vào ao rồi xây hồ xi măng nổi trên mặt đất, chi phí cao hơn nhiều nhưng hao hụt ít và bền vững hơn”- Vinh tự tin cho biết kế hoạch của mình.
Người nuôi cá kiểng ngày càng nhiều, với nhiều cách chơi và nhiều chủng loại. Với cách nghĩ, cách làm, đầu tư đúng mức, chắc chắn Vinh sẽ còn vươn xa với nghề nuôi- ép cá kiểng…
Chị Nguyễn Thị Thủy- Chủ tịch Hội Làm vườn xã Mỹ Thuận:“Vinh là một trí thức trẻ về quê lập nghiệp và đã thành công. Đây là mô hình điểm của xã để thanh niên học tập lập nghiệp, làm giàu trên mảnh đất của mình và cũng thúc đẩy xã Mỹ Thuận sớm đạt tiêu chí xã nông thôn mới”.
Theo Vĩnh Long Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã