Đến thôn Liên Sơn hỏi về trang trại chăn nuôi của anh Phạm Phúc Thái, ai cũng tấm tắc khen ngợi ý chí vươn lên làm giàu của anh cựu trưởng thôn này. Men theo con đường nhỏ giữa cánh đồng thôn Liên Sơn, tôi tìm đến trang trại của anh Thái, trang trại nằm “lẻ loi” giữa đồng lúa vì sợ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân xung quanh.
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo lại đông con, Phạm Phúc Thái đã sớm tự lập và tỏ ra yêu thích công việc nhà nông. Anh là người luôn luôn học hỏi, áp dụng các kĩ thuật chăn nuôi mới, không ngần ngại đi đến các vùng khác học kinh nghiệm của những người đi trước.
Anh Thái vệ sinh chuồng trại
Ấn tượng đầu tiên của tôi, đây là trang trại thân thiện với môi trường, hệ thống xử lý nước thải, máng ăn tự động được lắp đặt cẩn thận, đường ống dẫn nước đáp ứng vấn đề vệ sinh chuồng trại hằng ngày.
Mô hình chăn nuôi của anh Thái được chia làm ba khoang khác nhau phù hợp với đặc điểm từng giống lợn. Khoang ngoài cùng dành cho lợn siêu nạc sắp xuất chuồng, kế bên là lợn giống và khoang cao nhất trong cùng là hơn 20 con lợn nái nhập ngoại. Mỗi con lợn nái sẽ được “ưu tiên” một khoang nhỏ với chế độ ăn riêng.
Anh Thái kể: “Có lẽ thời gian ở trang trại lợn của tôi nhiều hơn ở nhà. Bởi ngày nào cũng thế, không kể mưa nắng, tôi đều thức dậy lúc 5 giờ sáng và bắt đầu công việc vệ sinh chuồng trại cũng như chuẩn bị thức ăn sáng cho đàn lợn đến tối muộn mới về”.
Có những lúc khó khăn, tưởng chừng không thể tiếp tục duy trì trang trại nhưng vì đam mê, khao khát thành công trong lĩnh vực chăn nuôi đã giúp anh vững tin trên con đường đã chọn và gặt hái nhiều “hoa thơm trái ngọt”, anh Thái cho biết thêm.
“Tôi đã có ý tưởng lập trang trại như thế này cách đây 10 năm, nhưng vì điều kiện không cho phép nên mãi mấy năm gần đây mới có thể hoàn thành ước muốn của mình. Mô hình này mang lại cho gia đình tôi cuộc sống ổn định và quan trọng hơn là có thể làm giàu trên chính quê hương mình”, anh Thái chia sẻ.
Chuồng trại luôn được đảm bảo vệ sinh
Bắt đầu thử nghiệm mô hình trang trại chăn nuôi từ cuối năm 2015 với khoảng 30 con lợn siêu nạc, song đến năm 2016, anh Thái đã nhân lên gần 200 con, trong đó nuôi thêm hơn 20 con lợn nái.
Không dừng lại ở đó, anh Thái còn đào ao nuôi thêm một số loài cá như: cá rô phi, cá mè, cá trắm..., mỗi năm thu về hàng chục triệu đồng.
Từ hai bàn tay trắng, đến nay anh đã sở hữu “cơ ngơi” đáng mơ ước ở miền quê nghèo Hà Tĩnh.
Toàn cảnh trang trại của anh Phạm Phúc Thái
Nhớ về những ngày đầu chăn nuôi, anh Thái kể tiếp: “Vì mới lần đầu tập tành chăn nuôi nên kinh nghiệm thực tế chưa có nhiều, kĩ năng xử lý các sự cố, vấn đề cũng hạn chế. Đến nay thì tôi có thể thở phào nhẹ nhõm vì sau những vất vả đã thu được thành quả nhất định”.
Anh Phạm Phúc Thái nhận được nhiều bằng khen nông dân làm kinh tế giỏi của Uỷ ban nhân dân xã Tùng Lộc.
Mỗi năm, mô hình trang trại mang về cho gia đình anh tổng thu nhập gần 2 tỷ đồng. Đây được xem là số tiền... khổng lồ ở miền quê đất cằn đá sỏi này.
Anh phấn khởi nói: “Có đợt xuất bán lợn, tôi lãi gần 1,5 triệu đồng/con đấy”.
Ông Đặng Thọ Liễu - Chủ tịch UBND xã Tùng Lộc cho biết: “Trang trại chăn nuôi của anh Phạm Phúc Thái là mô hình tiêu biểu trong phong trào xây dựng nông thôn mới của xã nhà. Chúng tôi đang có chính sách nhân rộng cũng như hết sức tạo điều kiện để các hộ dân an tâm sản xuất kinh tế”.
Theo Phạm Thi/ Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã