Quê gốc ở xã Hùng Sơn, nhưng bố mẹ lên Tuyên Quang lập nghiệp và sinh ra anh tại mảnh đất này vào năm 1980. Học hết THPT, không thi đậu Đại học, anh xin vào làm công nhân tại một công ty giầy da ở Hà Nội. Những ngày nghỉ Cường thường xuyên về quê hương Hùng Sơn thăm người thân. Nhìn những khu đất vườn rộng rãi bỏ hoang cỏ dại mọc um tùm, anh bỗng nảy sinh ra ý tưởng làm kinh tế tại quê hương của mình.
Năm 2002, với 2 bàn tay trắng, Cường không đủ điều kiện để làm mô hình kinh tế trang trại. Anh vay mượn anh em, bạn bè và tích cóp mãi đến năm 2004 mới được 100 triệu đồng để mua 5.000m2 đất. Đến năm 2005, anh thế chấp ngân hàng vay 100 triệu đồng để đào ao thả cá, quy hoạch chuồng trại, mua lợn siêu nạc về gây giống. Nhìn thấy anh đầu tư vào mảnh đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, ai cũng lắc đầu cho rằng anh là kẻ “hâm”. Bỏ ngoài tai mọi lời khuyên can của bố mẹ, anh em họ hàng, anh vẫn lao vào làm mô hình theo ý tưởng của mình. Và anh đã bị thất bại ngay ở lứa lợn đầu tiên, cả lợn giống và lợn thịt đều bị rớt giá liên tục đúng vào thời điểm đàn lợn bắt đầu được thu hoạch.
Sau nhiều lần thất bại, tổng nợ của gia đình anh lên tới trên 500 triệu đồng. Cường nhớ lại: “Nợ nần chồng chất, không hôm nào là không có người đến đòi nợ, tôi đã bỏ ra Hà Nội làm sắt cùng người bạn thân, lương hàng tháng tích cóp gửi về cho vợ trả nợ”. Trong một lần vô tình xem phóng sự trên truyền hình về mô hình nuôi chim bồ câu của một nông dân ở Vĩnh Phúc. Anh tiếp tục vận động vợ đi vay lãi ngày để mua chim câu giống về nuôi. Ban đầu chưa có kinh nghiệm và chưa hiểu đặc tính của loài chim này, nên anh chỉ dám nuôi 40 đôi. Để có tiền trả nợ, anh còn mua bộ tăng âm loa đài về phục vụ đám cưới, mỗi tháng cũng cho thu nhập gần 10 triệu đồng. Nhưng mục tiêu chính của anh vẫn là một trang trại chim câu. Ngày nào không có việc, anh lại tập trung vào nghiên cứu, tìm hiểu cách chăm sóc, nuôi dưỡng và cách nhân giống đàn chim câu qua sách, báo, đài phát thanh, truyền hình và từ thực tế nuôi chim của gia đình.
Đến năm 2012, tự tin vào kinh nghiệm có được, anh quyết định bán bộ tăng âm loa đài để tập trung vào mô hình nuôi chim bồ câu. Anh đầu tư xây dựng 3 chuồng trại có quy mô 1.500m2, và đóng gần 1.000 lồng chim. Đàn chim của gia đình đã tăng lên nhanh chóng, hiện tại có 1.700 đôi chim bồ câu ta và bồ câu lai.
Anh tiết lộ: “Hiểu được đặc tính của loài chim này là ăn sạch, ở sạch, uống sạch, nên tôi rất chú trọng đến khâu vệ sinh chuồng trại, mặt khác mỗi lồng tôi chỉ thả tối đa 1 đến 2 cặp chim, vì thế đàn chim hầu như không bao giờ bị mắc bệnh. Thời kỳ đẻ trứng và chim non cần đặc biệt chú ý, nếu thấy chim bố mẹ bỏ chim non thì phải thay chim mẹ cho ăn, như thế chim non sẽ không bị chết”.
Mỗi năm mô hình của anh thu hoạch từ 7- 8 lứa, với giá bán ổn định 96.000 đồng/đôi chim non, mỗi tháng trừ chi phí gia đình anh cũng được thu 40 triệu đồng. Đến thời điểm hiện tại, gia đình anh đã cơ bản trả hết nợ và còn xây được ngôi nhà khang trang, sắm được đầy đủ tiện nghi sinh hoạt. Mô hình nuôi chim bồ câu của anh Cường đã trở thành điểm tham quan, học tập của nhiều bà con trong và ngoài tỉnh.
Theo TT KN QG
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã