Sống ở vùng quê thấp trũng, thường xuyên bị lũ lụt tàn phá nên việc sản xuất của gia đình ông Nguyễn Tâm, ở thôn Trung Kiên, xã Triệu Thượng gặp nhiều khó khăn. Ngoài việc sản xuất lúa, quanh năm gia đình ông tảo tần với gần 5 sào đất bằng việc trồng các loại cây rau màu truyền thống như khoai lang, sắn, ngô đậu các loại... Năm 2010, thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi của huyện Triệu Phong, gia đình ông Tâm chuyển toàn bộ 5 sào đất màu sang trồng cỏ voi để nuôi bò nhốt. Từ đó, hàng năm gia đình ông Tâm nuôi từ 5-7 con bò lai, đem lại thu nhập 80- 100 triệu đồng. Ông Tâm vui vẻ cho biết: “Nói thiệt, việc trồng cỏ nuôi bò đem lại lợi ích nhiều mặt. Thứ nhất là đỡ mất công cắt cỏ; thứ hai là bảo đảm được nguồn cỏ sạch và chất lượng. Hơn nữa, cỏ khi trồng tốt rồi thì coi như thu hoạch cả năm. Gia đình tui trồng gần 5 sào cỏ voi nhưng gần 7 con bò nhốt ăn cả năm không hết”.
Hiện, phong trào trồng cỏ nuôi bò nhốt ở Triệu Phong phát triển khá mạnh, toàn huyện trồng được hơn 25ha cỏ voi. Từ việc trồng cỏ đã góp phần giúp đàn bò tăng đáng kể. Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Triệu Phong, tính đến giữa năm 2014, toàn huyện có trên 355 hộ tham gia nuôi bò nhốt với tổng đàn lên đến 1.000 con, tập trung ở các xã Triệu Thượng, Triệu Vân, Triệu Sơn, Triệu An...Từ mô hình trồng cỏ nuôi bò nhốt, nhiều gia đình đã vượt nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Ông Hoàng Quang Dưỡng, Phó trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Triệu Phong, cho biết thêm: “Hiện, mô hình trồng cỏ nuôi bò trên địa bàn huyện Triệu Phong đang phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Để mô hình này phát triển, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng và vận động bà con chuyển đổi một số diện tích trồng cây màu kém hiệu quả sang trồng cỏ nuôi bò.... Chúng tôi cũng tham mưu cho UBND huyện xây dựng đề án phát triển mô hình nuôi bò nhốt và có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi”.
Mô hình trồng cỏ nuôi bò nhốt chuồng ở huyện Triệu Phong tuy không mới nhưng là hướng đi đúng trong mục tiêu phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững. Bởi lẽ, ngoài việc giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân, mô hình này còn góp phần quan trọng vào chương trình lai hóa và nâng cao chất lượng đàn bò trên địa bàn.
Gia Thi
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã