Tiêu biểu trong số đó là hộ gia đình anh Nguyễn Văn Nam ở tổ Tân Cư, phường Xuất Hóa, thành phố Bắc Kạn. Anh sinh ra và lớn lên tại thủ đô Hà Nội. Như bao người trẻ đồng trang lứa, anh cũng có nhiều ước mơ, hoài bão. Sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế, anh lên công tác tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn từ năm 2003 đến năm 2009. Tại đây anh có điều kiện tiếp xúc với các hộ sản xuất thông qua việc tổ chức cho vay vốn tín dụng để phát triển kinh tế gia đình.Tuy vậy anh nhận thấy hiệu quả sử dụng nguồn vốn chưa thực sự cao, chưa khai thác hết được tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế hộ.
Năm 2009, anh tham gia vào hoạt động của Công ty thức ăn Cargill và được công ty định hướng phát triển chăn nuôi, từ đó giúp anh định hình và có cái nhìn tổng quan hơn về hoạt động chăn nuôi của địa phương. Năm 2012, được sự cổ vũ của gia đình và quyết tâm cao của bản thân, anh đã mạnh dạn đầu tư làm mô hình phát triển chăn nuôi lợn siêu nạc tại thôn Tân Cư, xã Xuất Hóa, thị xã Bắc Kạn. Sau gần 5 năm lăn lộn với nghề, đúc rút được nhiều kinh nghiệm từ thực tiễn chăn nuôi, anh mạnh dạn đầu tư xây mới thêm 2 dãy chuồng trại và chăn nuôi 100 con lợn nái; 4 đực giống. Khu chăn nuôi được anh bố trí rất khoa học, đảm bảo vệ sinh môi trường lại tiện chăm sóc nên công tác vệ sinh chuồng trại và các chất thải được xử lý ngăn nắp, hợp vệ sinh. Để đảm bảo đàn lợn nuôi phát triển tốt, anh còn thuê thêm 3 lao động lành nghề làm việc lâu dài tại trang trại với thu nhập dao động từ 4 – 6 triệu đồng/người/ tháng nên ai nấy rất phấn khởi và chăm chỉ làm việc.
Trang trại chăn nuôi lợn siêu nạc của gia đình anh Nguyễn Văn Nam
Chia sẻ với chúng tôi, anh Nam cho biết, nuôi lợn siêu nạc có nhiều ưu thế hơn so với các giống lợn khác, tỷ lệ nạc cao hơn, thời gian tăng trưởng nhanh, trọng lượng xuất chuồng lớn, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Tuy nhiên để chăn nuôi lợn siêu nạc phát triển ổn định, ít bị dịch bệnh đòi hỏi người chăn nuôi phải có vốn hiểu biết kỹ thuật nhất định, có quy trình chăn nuôi hợp lý đảm bảo vệ sinh thú y chuồng trại… Trong quá trình tổ chức chăn nuôi, anh rất khắt khe trong việc phối và chọn giống. Để tránh phối giống đồng huyết, anh thường xuyên ghi chép và theo dõi chi tiết đến từng con lợn nái. Đến nay anh đã thành thạo mọi việc, từ chăm sóc nuôi dưỡng, phối giống, tách đàn, tiêm vắc-xin, điều trị khi lợn mắc bệnh.
Với số lợn hiện có, mỗi năm gia đình anh dự kiến xuất chuồng khoảng 1.500 con lợn giống, cung ứng cho bà con trên địa bàn và 500 con lợn thương phẩm cho các thương lái đến từ Hà Nội, Cao Bằng và Tuyên Quang… Bình quân một năm chăn nuôi, sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu về trên 500 triệu đồng.
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế cho gia đình, anh còn luôn tiên phong, gương mẫu đi đầu trong phong trào thanh niên thi đua sản xuất giỏi. Anh không chỉ tận tình giúp đỡ các hộ dân đến học hỏi kinh nghiệm về phát triển chăn nuôi mà còn thông qua hoạt động của công ty thức ăn Cargill đóng trên địa bàn tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho bà con nông dân, từng bước nhân rộng mô hình phát triển chăn nuôi lợn siêu nạc trong vùng./.
Theo Ma Thế Sơn/khuyennongvn.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã