Từ năm 20 tuổi, anh Chu Quang Phúc đã rong ruổi khắp các nẻo đường để bán muối, bán lợn giống cho đồng bào dân tộc vùng sâu vùng xa. Anh kể đó là thời kỳ gian khổ nhất nhưng cũng chính là thời kỳ anh học được nhiều nhất.
Năm 2006, anh Phúc bắt đầu manh nha việc mua đất làm trang trại. Được Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Bắc Kạn cho vay 20 triệu đồng theo chương trình giải quyết việc làm, anh Phúc đã mua luôn 1,4 ha đất rừng, vừa trồng cây theo dự án trồng rừng, vừa xin phép chuyển đổi mục đích để tạo ra một trang trại chăn nuôi. Ngoài số tiền 20 triệu đồng, anh còn vay thêm của người thân.
Anh Phúc tâm sự: “Trước khi làm mình đã đi học hỏi kinh nghiệm ở các tỉnh Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, vào cả Nghệ An để xem và học các mô hình chăn nuôi lợn rừng, tìm hiểu sở trường và điều kiện thích nghi của từng loại lợn để đầu tư cho phù hợp. Mình nghèo, phải vay vốn để làm, nếu không nghiên cứu kỹ, thất bại là trắng tay, là nợ nần… cũng may mọi việc cho đến bây giờ là ổn. Hiện cơ ngơi của mình được đầu tư gần 3 tỷ đồng để vừa sản xuất, vừa chăn nuôi, làm theo chu trình khép kín để không lãng phí”.
Khi mô hình chăn nuôi gắn với sản xuất của gia đình anh Phúc có hiệu quả, Ngân hàng Chính sách Xã hội tạo điều kiện cho vay 400 triệu đồng để mở rộng trang trại, tăng thêm đầu lợn, cũng là tạo thêm công ăn việc làm cho người dân địa phương. Đến nay, trang trại nhà anh Phúc đã có trên 200 lợn, trong đó lợn rừng là 120 con, với 20 con nái và 100 lợn thịt. Lợn Mán cũng có 80 con, cả lợn nái và lợn thịt.
Ngoài nuôi lợn, anh Phúc còn nuôi dúi, một loài vật có giá trị kinh tế cao. Hiện nay, trong trang trại có 400 con dúi.
Để tránh rủi ro, ngoài việc tự học hỏi để biết các kỹ thuật chăn nuôi, anh Phúc còn thuê các thanh niên được học ngành thú y về làm việc. Ngoài nuôi lợn, nuôi dúi, trong trang trại còn có 3 ao cá, rộng 3.550 m2, hàng năm đều cho thu hoạch gần 2 tấn cá. Thức ăn cho lợn, cho cá đều được tính toán, tận dụng hợp lý theo chu trình quay vòng. Đất rừng, đất nương ngoài trồng mỡ, trồng keo, đều trồng các loại cây phục vụ cho chăn nuôi như ngô, măng, đủ đủ…
Ông Trần Xuân Lễ, Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Bắc Kạn, cho biết Bắc Kạn có gần 90% là người dân tộc thiểu số nghèo, đưa vốn cho người dân là tạo cơ hội cho họ đầu tư vào một việc gì đó để họ có việc làm ổn định, phù hợp với điều kiện của từng gia đình. Mô hình chăn nuôi của gia đình anh Chu Quang Phúc được coi là mô hình rất thành công, giá trị kinh tế cao, tạo được việc làm cho nhiều lao động địa phương. Việc hỗ trợ vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội cho những mô hình này được chú trọng và mang tính xã hội cao, không chỉ giúp một gia đình mà giúp cho một bộ phận dân cư trong vùng, tạo được ảnh hưởng về cách nhìn, cách làm giàu cho người dân địa phương.
NT
Theo Khuyến Nông Việt Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã