Khe Hùm có 74 hộ dân, trong đó hầu hết là đồng bào dân tộc Dao, đời sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp và trồng rừng. Do trình độ dân trí chưa cao, diện tích tự nhiên chủ yếu là đất đồi nên tỷ lệ hộ đói nghèo của thôn luôn ở mức 2 con số.
Nhận thấy khó khăn của đồng bào, Báo đã mạnh dạn đi đầu trong việc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo với mô hình trồng rừng. Với đặc thù nhiều đồi, đảo nhỏ trên hồ Thác Bà, phù hợp với trồng cây lâu năm, Báo mạnh dạn nhận 3ha đất đồi để trồng keo, bồ đề, kết hợp trồng xen sắn, vừa tạo độ tơi xốp cho đất, vừa phát huy tối đa thế mạnh của trồng rừng kinh tế.
Nhờ chịu khó học hỏi, bản tính cần cù, đến năm 2008, thành quả đầu tiên đã đến với chàng trai trẻ. Báo khai thác bán 2ha, thu được 50 triệu đồng; đến năm 2010, anh tiếp tục bán thêm 1ha cây rừng, thu được 30 triệu đồng. Từ hiệu quả của mô hình, Báo mạnh dạn mở rộng thêm 4ha, đưa diện tích rừng kinh tế của gia đình lên 7ha. Sắp tới, Báo bán thêm 3,5ha keo nữa, thu về khoảng 150 triệu đồng. Từ trồng rừng, Báo đã làm được ngôi nhà sàn khang trang, trị giá gần 400 triệu đồng.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, Báo còn gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua của thôn. Được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng thôn. Trên cương vị mới, Báo luôn tích cực thực hiện nhiều chương trình nhằm đẩy lùi đói nghèo. Trong phát triển kinh tế, Báo thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con phát huy thế mạnh trồng rừng, đến nay toàn thôn đã phát triển được trên 200ha rừng kinh tế, nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng như gia đình các ông Nguyễn Văn Các, Nguyễn Văn Lượng… Ông Các chia sẻ: “Nhờ sự giúp đỡ của trưởng thôn Báo mà chúng tôi có đời sống ấm no hơn từ trồng rừng kinh tế”.
Cùng với việc vận động bà con trong thôn tích cực trồng rừng, đẩy mạnh sản xuất, Báo còn đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Anh tích cực vận động bà con tham gia hiến đất làm đường giao thông nông thôn. Riêng trong năm 2013, cùng với sự giúp đỡ của chính quyền xã, thôn Khe Hùm đã hoàn thành nâng cấp, mở rộng tuyến đường dài hơn 1km từ trung tâm thôn đến ven hồ Thác Bà, không chỉ giúp cho bà con trong thôn đi lại dễ dàng mà còn giúp con em đi học đỡ vất vả hơn.
Trưởng thôn Báo cho biết, trước kia nhân dân chưa hiểu được ý nghĩa của chương trình xây dựng nông thôn mới. Khi được cán bộ xã, thôn tuyên truyền, đến nay, hầu hết các hộ đã hiểu, tự nguyện hiến đất và tham gia góp công sức. Mặc dù là thôn khó khăn nhất nhì xã, nhưng Khe Hùm đã biết phát huy hiệu quả sức dân để chương trình được thực hiện một cách hiệu quả nhất. “Nhờ có chương trình xây dựng nông thôn mới, giờ đây, việc phát triển kinh tế rừng của bà con trong thôn được thuận lợi hơn, đời sống ngày càng được cải thiện”, anh Báo nói.
Bản Dao Khe Hùm đang thay da đổi thịt từng ngày, đói nghèo dần được đẩy lùi, an ninh trật tự được giữ vững ổn định. Ông Lý Văn Quy, Chủ tịch UBND xã Trung Tâm, cho biết: “Bàn Văn Báo là tấm gương tiêu biểu trong các phong trào thi đua ở địa phương. Chúng tôi sẽ đẩy mạnh tuyên truyền để mọi người trong xã cùng học hỏi mô hình làm giàu của anh Báo nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương”.
Khắc Điệp
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã