Học tập đạo đức HCM

Khi con bò là "đầu cơ nghiệp"

Thứ ba - 10/06/2014 23:11
Chăm sóc bò vô cùng khó khăn, vất vả, ngày ngày phải đi bộ ngót chục cây số, vào tận rừng sâu mới cắt được cỏ. Về mùa đông, cỏ càng hiếm, có khi đi 2 ngày mới đem về được một bó. Đã vậy, vào mùa đông, bò bị đói, bị rét, bị ốm và lăn ra chết. Người Mông, Tày, Sán Chỉ, Nùng, Lô Lô ở vùng miền núi Bảo Lâm (Cao Bằng) cho rằng, bò ốm chết là do bị ma làm, nên không dám nuôi bò nữa. Nhưng bây giờ, những chuyện đó chỉ còn trong quá khứ...
Thay đổi phương thức làm ăn

Sống giữa bốn bề núi non, với đồng bào các dân tộc thiểu số ở huyện miền núi Bảo Lâm, trồng cỏ voi để chăn nuôi bò hàng hóa là hướng đi sáng tạo, đã và đang trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế nơi đây, đưa nhiều hộ gia đình vươn lên xóa nghèo, làm giàu.

Đến nhà anh Nông Văn Hài, Trưởng bản Nà Cút (xã Thái Học), có thể thấy rõ điều này, thông qua hình ảnh một đàn bò béo mập đang gõ móng trong chuồng. Anh Hài kể với chúng tôi, cách đây 5 năm, nhà chỉ trồng ngô và nuôi mấy con gà giống địa phương. Cả người và gà quanh năm chỉ ăn một loại thức ăn là ngô. Trong túi lúc nào cũng không có tiền, muốn mua cái gì cũng phải bán ngô.

Năm 2009, cán bộ khuyến nông xã đến vận động gia đình anh trồng cỏ voi để nuôi bò. Lúc đầu, vợ con anh đều phản đối, nhưng anh vẫn "quyết" vì thấy cán bộ nói "đúng lý". Ngay sau đó, được Nhà nước cho vay vốn, anh mua được cặp bò giống lai lớn gấp nhiều lần so với giống bò của địa phương.

Qua 5 năm thay đổi phương thức làm ăn, cùng với việc đầu tư thêm vốn để mua bò giống, đàn bò nhà anh Hài ngày càng sinh sôi, nảy nở, đến nay, "quân số" đã phát triển lên tới 20 con.

Trao đổi với chúng tôi, anh Hài cho biết: "Từ khi trồng cỏ, không còn phải vào rừng kiếm cỏ cho bò như trước đây nữa. Tôi cũng được học kỹ thuật ủ cỏ để làm thức ăn dự trữ cho bò vào mùa đông, nên lúc nào cũng đầy đủ thức ăn cho chúng. Nhờ chăn nuôi bò, gia đình tôi từ chỗ quanh năm lo không đủ ăn đã trở nên khá giả vì năm nào cũng có 2-3 con bò để bán, cho thu nhập trung bình 80 triệu đồng/năm...".

Người hướng dẫn chúng tôi đi sâu vào "thế giới bò" ở xã Thái Học cũng chính là Trưởng bản Nông Văn Hài. Trên đường đến nhà tỷ phú bò nổi tiếng trong cả huyện Bảo Lâm là ông Phùng Văn Khấn, ở cùng bản Nà Cút, anh Hài tâm sự: "Ngày trước, con trâu, con bò đồng nghĩa với vất vả, nghèo khó, còn ngày nay, ở vùng miền núi Bảo Lâm nói chung, xã Thái Học nói riêng, con bò đã mang đến sự sung túc cho nhiều người".

Quả như lời anh Hài nói, dọc theo con đường chạy giữa bản Nà Cút, nép mình trong những khu vườn tươi tốt là các trang trại nuôi bò, được quy hoạch chu đáo, ngăn nắp, chuồng trại được vệ sinh sạch sẽ, có cả màn chống muỗi.

"Trước đây, Nà Cút nghèo lắm, chỉ làm nương một vụ ngô, không đủ ăn. Chăn nuôi bò tự phát, chủ yếu thả rông, không coi trọng phòng, chống dịch bệnh, nên bệnh gia súc lây lan làm bò chết nhiều. Từ năm 2005 trở lại đây, được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi bò, trồng cỏ voi, hầu hết các hộ dân trong bản tập trung chăn nuôi bò. Hiện, cả bản có tới gần 400 con bò. Riêng nhà tôi có gần 100 con..." - Ông Khấn mở đầu câu chuyện.

Theo ông Khấn, cái lợi của nghề nuôi bò thịt là chi phí đầu vào để duy trì đàn và tái đàn khá thấp. Ngoài công chăn dắt và tiêm thuốc phòng dịch, cần trồng thêm cỏ voi để vỗ béo bò. Ở vùng miền núi như Bảo Lâm, đất đai còn nhiều nên việc trồng cỏ voi không phải chuyện đáng lo. Chính nhờ những yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" đó nên nghề nuôi bò thương phẩm ở đây ngày càng phát triển.

Mô hình trồng cỏ voi đã giúp đàn bò của huyện Bảo Lâm ngày càng phát triển.

Cả huyện nuôi bò

Ở bản Phiêng Rỏng (xã Thạch Lâm) có ngôi nhà 2 tầng kiên cố mới được xây dựng thuộc loại đẹp nhất vùng là của ông Hoàng Văn Nó. Ông Nó tuổi con trâu (SN 1961), nhưng cả cuộc đời lại gắn bó và làm giàu nhờ… con bò.

Khi chúng tôi đến nhà, ông Nó vừa xuất một lúc 4 con bò, được hơn 100 triệu đồng. "Bây giờ có bò chẳng phải dắt đi xa bán vì các thương lái dưới xuôi thường đánh xe ô tô tải lên tận nơi để mua. Con bò bây giờ đã làm đổi đời nhiều hộ gia đình. Ở quê tôi, cứ nói đến bò là nói đến sự no đủ, giàu có..." - Ông Nó thủng thẳng nói, khi chúng tôi hỏi về phong trào nuôi bò thương phẩm ở xã vùng cao Thạch Lâm.

Ông Nó cho biết thêm, trước đây, vợ chồng ông rất nghèo khó, chỉ chuyên làm nghề nông đơn thuần, quanh năm vất vả với mấy nương ngô, ruộng lúa. Quãng năm 2008, với ít vốn ngân hàng được vay theo chương trình hỗ trợ vốn phát triển sản xuất của địa phương, vợ chồng ông mua một cặp bò với ý nghĩ ban đầu là để tăng thêm sức kéo. "Thế nhưng, "sự lạ" đã xảy ra khi vợ chồng tôi làm theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông xã, là trồng cỏ voi để lấy nguyên liệu chế biến thức ăn "tẩm bổ" cho bò, chứ không thả rông như trước đây.

Do được chăm sóc tốt và tiêm phòng đầy đủ nên cặp bò lớn nhanh như thổi. 4 tháng sau, con bò cái mang thai, sau đó cứ đẻ đều đều "năm một". Cùng với số bò do bò nhà "sản xuất" ra, tôi tiếp tục đầu tư thêm bò sinh sản. Cứ thế, đến nay, đàn bò nhà tôi đã lên tới 115 con..." - Ông Nó tự hào.
Báo cáo của UBND huyện Bảo Lâm cho biết, nhờ áp dụng hàng loạt chính sách hỗ trợ cả về vốn và kỹ thuật nên phong trào nuôi bò lấy thịt đã trở thành một nghề mũi nhọn có thể làm giàu của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Do đàn bò ngày càng phát triển, hiện nay, tại huyện Bảo Lâm đã hình thành 5 chợ phiên bán trâu, bò (chủ yếu là bò), mỗi tháng có từ 700-800 con bò được bán ra thị trường các tỉnh lân cận.

...Những gì mà các tỷ phú, triệu phú bò ở Bảo Lâm trải lòng với chúng tôi đã cho thấy một thực tế hiển hiện là, con bò đã "hút" người dân vùng cao này vào phong trào xóa đói, giảm nghèo, tự thay đổi cuộc sống của chính mình. Vì sao một loại vật nuôi thông thường vốn đã "có mặt" ở Bảo Lâm từ rất lâu rồi, mà mãi đến nay mới tạo được sự bứt phá đối với người chăn nuôi?

Còn nhớ, cách đây chưa lâu, trong một chuyến công tác lên Bảo Lâm, chúng tôi đã "phát hiện" ra một câu chuyện hết sức thú vị, đó là việc Đảng bộ huyện có hẳn một nghị quyết về việc phát triển đàn bò.

Thực hiện nghị quyết này, UBND huyện thành lập Ban chỉ đạo, tập trung các nguồn vốn, vay vốn ưu đãi, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc, phòng bệnh, trồng cỏ voi... tạo điều kiện thuận lợi cho bà con phát triển chăn nuôi bò.

Rõ ràng, những con số ấn tượng như 70% đồng bào dân tộc thiểu số ở Bảo Lâm hiện đang gắn bó với con bò, trong đó, những hộ thuộc diện "câu lạc bộ triệu phú" với mức thu nhập trung bình từ 100-200 triệu đồng/năm ngày càng nhiều là do "sức mạnh" của nghị quyết trên đã lan tỏa tới từng thôn, bản, tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho đồng bào.
Lê Thị Hải Lưu
Nguồn bienphong.com.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập423
  • Hôm nay91,585
  • Tháng hiện tại818,364
  • Tổng lượt truy cập90,881,757
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây