Xuất phát từ ý tưởng đặt hàng của các thương lái, ông Lê Hồng Du ngụ xã Phong Hòa, huyện Lai Vung đã mạnh dạn mua lưới cước để bao toàn bộ gần 2 công mận An Phước của gia đình. Với chi phí gần 12 triệu đồng để bao vườn, ban đầu ông Du cũng ngán ngại, nhưng sau một vụ thu hoạch, năng suất và phẩm chất trái mận thu được là hết sức phấn khởi. Mận to, da bóng, trái đẹp và năng suất đạt gần 2 tấn/công, thu lợi nhuận hằng năm 20 triệu đồng/công. Ông Lê Hồng Du cho biết: “Bao lưới sẽ đỡ xịt thuốc hơn, tiết kiệm khoảng 50% chi phí, giá bán cao hơn gấp nhiều lần, 19.000 - 20.000 đồng/kg, còn không bao giá bán chỉ từ 5.000 - 6.000 đồng/kg. Trước kia hái bán đổ tháo dữ lắm, có 2.000 - 3.000 đồng/kg, còn bây giờ bao vườn đảm bảo mận sạch nên người ta thích mua hơn”.
Do áp dụng bao vườn một cách tuyệt đối nên đã hạn chế tối đa các loài côn trùng, dịch hại tấn công mận như: nhện đỏ, bọ trĩ, ruồi đục trái... làm cho mận ít bị bệnh, nhờ vậy giảm đáng kể tiền phun thuốc bảo vệ thực vật trên mận. Theo ông Du, sau 2 năm áp dụng bao vườn với 4 vụ thu hoạch, vườn mận An Phước nhà ông đã đem lại lợi ích lớn. Nhiều thương lái đến tìm mua mận sạch, giá mận nâng lên từ 3 - 5 lần so với trước. Ông Nguyễn Bé Năm - Trưởng Trạm bảo vệ thực vật huyện Lai Vung cho biết: “Mận vào mùa mưa thường bị sâu đục trái làm chất lượng giảm. Để hạn chế vấn đề này, nhà vườn tổ chức bao vườn để hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo sức khỏe con người và tránh ô nhiễm môi trường”.
Hiện toàn xã Phong Hòa có 6 vườn áp dụng mô hình bao vườn với diện tích khoảng 3ha. Do chỉ mới bước đầu áp dụng nên kỹ thuật bao vườn chưa được tốt lắm. Do đó, Trạm Bảo vệ thực vật cùng với các ngành chuyên môn đang nghiên cứu để đưa ra hình thức bao vườn phù hợp nhất, nhằm giúp giảm thiểu sâu bệnh và tăng khả năng quang hợp của cây. Ông Nguyễn Bé Năm cho biết thêm: Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi mô hình này trong vài vụ nữa để tìm ra giải pháp hiệu quả nhất. Hướng tới, chúng tôi sẽ xem xét để áp dụng cho các vườn quýt”.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hòa, địa phương đề nghị ngành khuyến nông và Trạm bảo vệ thực vật trực tiếp mở hội thảo hoặc tập huấn cho bà con nắm được hiệu quả của mô hình này và có chính sách hỗ trợ vốn cho nông dân an tâm sản xuất.
Dù chỉ mới bước đầu áp dụng nhưng ý thức sản xuất sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng đã và đang được người nông dân áp dụng. Nếu được quan tâm hỗ trợ, mô hình sẽ mở ra hướng đi mới cho vườn cây ăn trái trong huyện Lai Vung nói riêng và tỉnh Đồng Tháp nói chung trên bước đường sản xuất sạch, an toàn.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã