Quãng năm 2011, nhận thấy việc chăn nuôi lợn ở địa phương có thể giúp gia đình tăng thu nhập nên ông Tùng mạnh dạn đầu tư xây chuồng trại, kết hợp trồng bưởi da xanh, dừa trên diện tích 1,5ha đất nông nghiệp.
Ban đầu, ông chỉ nuôi lợn với số lượng ít và chọn giống tốt, dễ nuôi, ít bệnh, tỷ lệ nạc cao, khả năng sinh sản tốt, được thị trường ưa chuộng. Nhờ kiến thức học được từ dự án khí sinh học do Hà Lan hỗ trợ, ông xây dựng hầm xử lý chất thải của đàn lợn làm nước tưới cho vườn cây bưởi da xanh và dừa (diện tích 2.000m2). Từ chất thải của đàn lợn, ông làm hầm biogas và sử dụng khí này để chạy máy phát điện, thắp sáng cho gia đình... Ngoài ra, ông còn làm đại lý cấp 1 của công ty sản xuất thức ăn cho gia súc. Ông Tùng cho biết, mỗi tháng thu lợi khoảng trên 50 triệu đồng từ việc cung cấp thức ăn gia súc, lại giảm được chi phí khi mua thức ăn cho đàn lợn của gia đình.
Thời điểm cuối năm 2016 đến giữa năm 2017, giá lợn giảm mạnh, nhiều hộ thua lỗ, giảm đàn hoặc nghỉ nuôi, trang trại của gia đình ông vẫn duy trì từ 300 - 500 con. Ông Tùng chia sẻ, tôi làm mọi cách để giảm chi phí đầu vào, lợn nái đẻ giữ lại con giống để nuôi, lấy thức ăn trực tiếp từ công ty nên giá thấp, đồng thời kiêm luôn “bác sĩ thú y” chăm sóc cho lợn.
Mỗi năm gia đình ông Tùng thu nhập khoảng 2 tỷ đồng |
Hiện ông Tùng đã mở rộng vườn bưởi da xanh lên 4.000m2. Ông Tùng tự hào khoe bưởi của gia đình là bưởi sạch, chất lượng vì không dùng phân hóa học. Từ mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi này, mỗi năm gia đình ông thu nhập khoảng 2 tỷ đồng. “Nghề nông hoàn toàn có thể mang lại cuộc sống ổn định cho gia đình nếu biết chắt chiu, kết hợp hài hòa giữa cây trồng, vật nuôi và quan trọng hơn là tham gia tốt trong chuỗi giá trị liên kết”, ông Tùng đúc kết. Không dừng lại ở đó, đầu năm nay, ông lên mạng tìm hiểu về mô hình nuôi chim yến và đầu tư gần 800 triệu đồng để xây dựng nhà yến. Nhà ông có vị trí thuận lợi, xung quanh là vườn cây, không gian yên tĩnh rất hợp cho yến về làm tổ, lại có nhiều yến đến ăn côn trùng nên ông quyết định nuôi thử. Sau 8 tháng thử nghiệm, ông đã có gần 100 tổ yến và hy vọng hướng đi mới này sẽ đem lại hiệu quả.
Theo lời ông Đỗ Thành Thuấn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Giồng Trôm, mô hình làm kinh tế của ông Tùng vừa đem lại hiệu quả cao, vừa dễ nhân rộng và giúp người dân địa phương thay đổi tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ sang hướng sản xuất quy mô lớn, chất lượng cao và bảo vệ môi trường sống. Ông Tùng đã vận động, phối hợp với hơn 40 hộ dân khác thành lập tổ hợp tác chăn nuôi lợn xã Lương Phú. Thời gian qua, ông Tùng còn chuyển giao kỹ thuật, cách nuôi lợn theo hướng mới cho nhiều hộ dân. Qua đó, giúp hơn 40 hộ dân thoát nghèo. Ngoài ra, ông cũng hỗ trợ hơn 30 hộ dân gặp khó khăn về vốn mua thức ăn với giá gốc và không tính lãi. Với vai trò là Bí thư Đảng ủy xã Lương Phú, ông Đoàn Phương Tùng rất năng nổ cùng tập thể Đảng ủy xã lãnh đạo xây dựng thành công xã nông thôn mới.
Ông Đoàn Phương Tùng là nông dân sản xuất giỏi cấp Trung ương nhiều năm liền; vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi từ năm 2007 - 2011 và được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vừa bình chọn là “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2017.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã