Thực ra, trong những năm qua, tốc độ phát triển của ngành chăn nuôi Bình Phước không phải là tệ, mà ngược lại có thể nói là khá tốt, tới hơn 10%/năm. Nhưng so với trồng trọt, thì chăn nuôi ở tỉnh này vẫn như một học sinh tiểu học đứng bên cạnh một học sinh cấp 3, khi mà trồng trọt vẫn đang chiếm tới 80% diện tích đất nông nghiệp.
Ông Phạm Văn Đon, PGĐ Sở NN-PTNT Bình Phước lý giải, các loại cây trồng chủ lực phát triển chóng mặt ở Bình Phước, nên chăn nuôi dù phát triển khá tốt thì vẫn chưa ăn thua gì. Nhưng đến nay, sự phát triển về diện tích của các loại cây trồng chủ lực đã bắt đầu chững lại.
Cây cao su từng tăng tới gần 100 ngàn ha chỉ trong có vài năm do lợi nhuận cao, giờ do giá cao su giảm mạnh, diện tích hầu như không tăng thêm nữa... Trong khi đó, ngành chăn nuôi ở các tỉnh cũng đã chững lại hoặc suy giảm vì hết đất. Bởi vậy, nhiều DN, trong đó có cả những tên tuổi lớn như CP, Japfa, Evimest... đã tìm lên Bình Phước đầu tư vào chăn nuôi.
Nhiều trang trại ở Bình Phước mạnh dạn đầu tư vốn để xây dựng chuồng trại cho các công ty thuê lại hoặc chăn nuôi gia công cho chính những công ty này. Đã có những mô hình như thế đạt hiệu quả cao về mặt kinh tế.
Điển hình có thể kể tới trại gà lấy trứng quy mô lớn của Cty Hùng Nhơn tại huyện Đồng Phú. Trại gà này được đầu tư từ năm 2009, với tổng kinh phí 85 tỷ đồng, trong đó, vốn tự có của Cty Hùng Nhơn là 25 tỷ, vốn vay của Agribank là 60 tỷ đồng.
Ông Cao Văn Thành, PGĐ Agribank Chi nhánh Bình Phước cho biết, trong vòng 1 - 3 năm tới, Agribank Bình Phước sẽ phải cung ứng nguồn vốn tính dụng từ 1.000 - 1.500 tỷ đồng để đáp ứng nhu cầu phát triển chăn nuôi quy mô lớn |
Với tổng nguồn vốn như trên, Cty Hùng Nhơn đã nhập khẩu dây chuyền chăn nuôi tự động của Đức, xây dựng 8 chuồng nuôi gà lớn, mỗi chuồng nuôi tới 40.000 con.
Đây là trại gà được đánh giá hiện đại nhất ở nước ta hiện nay. Nhờ vậy, Cty Hùng Nhơn đã ký được hợp đồng nuôi gà lấy trứng theo hình thức gia công với Cty CP Việt Nam.
Hiện nay, tổng đàn gà lấy trứng ở trang trại này là 320.000 con, sản lượng trứng bình quân mỗi ngày 278.000 quả. Doanh thu mỗi năm của trại đạt khoảng 20 tỷ đồng.
Nhờ đã mạnh dạn đầu tư nhiều hơn, có thể nói chăn nuôi ở Bình Phước đã đến thời điểm để thoát ra khỏi các bóng quá lớn của trồng trọt, dần trở thành một ngành hàng nông sản quan trọng của tỉnh.
Ngoài việc thúc đẩy phát triển chăn nuôi ở nông hộ, trang trại, Bình Phước còn đẩy mạnh phát triển chăn nuôi quy mô lớn trong các vườn cao su quốc doanh nhằm tận dụng nguồn đất đai, nhân công lao động...
Mặt khác, phát triển chăn nuôi quy mô lớn trong vườn cao su không chỉ tạo thêm nguồn thịt heo phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng trong tỉnh và các tỉnh bạn, tạo nguồn heo giống phục vụ chăn nuôi ở địa phương... mà còn tạo ra một nguồn sản phẩm phụ (phân heo) với khối lượng lớn để bón cho chính vườn cây cao su.
Trên tinh thần đó, tỉnh Bình Phước đã lập một dự án phát triển 10 trại chăn nuôi heo trong các vườn cao su của 2 DN cao su lớn thuộc tỉnh quản lý, là Cty TNHH MTV Cao su Phước Long và Cty TNHH MTV Cao su Bình Phước.
Theo đó, mỗi công ty sẽ làm 5 trại heo, mỗi trại có diện tích 3 ha. Vốn đầu tư cho mỗi trại là 35 tỷ đồng.
Để có đủ nguồn vốn đáp ứng cho chương trình phát triển chăn nuôi heo quy mô lớn trong vườn cao su cũng như các mô hình chăn nuôi tập trung, quy mô lớn khác, tỉnh Bình Phước đã yêu cầu Angribank Chi nhánh Bình Phước chuẩn bị sẵn sàng nguồn vốn tín dụng cho ngành chăn nuôi tỉnh này.
Nguồn: nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã