Học tập đạo đức HCM

Người làm sống lại một vùng đất

Thứ hai - 19/05/2014 04:15
Đó vợ chồng anh chị Văn Khỏe mà chúng tôi muốn nói đến trong câu chuyện dưới đây, khi họ đã góp phần làm sống lại cả vùng đất nuôi trồng thủy sản Tân Thành- Đồ Sơn sau nhiều năm kiên trì đeo bám công nghệ nuôi tôm công nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Từ hai thanh niên đi xây dựng vùng kinh tế mới 

Thật hiếm có cặp đôi nào lại tâm đầu ý hợp trong làm ăn kinh tế như vợ chồng anh chị. Cái tên Văn Khỏe (tên ghép của chị- Trần Thị Văn và của anh- Nguyễn Văn Khỏe) từ lâu đã khá nổi tiếng ở vùng kinh tế mới Tân Thành- Hải Thành. Ngay khi vùng kinh tế mới Tân Thành được thành lập, tháng 12.1985, hưởng ứng lời kêu gọi thanh niên tích cực tham gia xây dựng vùng kinh tế mới của thành phố, với khát khao được đóng góp sức lực của tuổi trẻ, anh chị đã rời bỏ quê hương đến với mảnh đất còn hoang sơ, bờ sông bãi sú. 

Anh chị Văn Khỏe kiểm tra chất lương tôm thành phẩm.
Anh chị Văn Khỏe kiểm tra chất lương tôm thành phẩm.

Cuộc sống sinh hoạt của người dân nơi vùng kinh tế mới còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Thấu hiểu hoàn cảnh của họ, chia sẻ với bà con trên tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, anh chị đã tạo điều kiện cho bà con bằng cách bán lương thực trả chậm, tới mùa thu hoạch mới thanh toán mà không tính lãi. Cũng từ cách làm của anh chị, nhiều gia đình đã vượt qua cái đói giáp hạt “tháng 3 ngày 8”. Tấm lòng thơm thảo của anh chị, đến nay, nhiều người dân còn ghi nhớ. Khi địa phương có chính sách chuyển đổi từ cấy lúa sang nuôi trồng thủy sản, nhạy bén với tình hình, anh chị đồng lòng chuyển đổi sang nuôi tôm và chuyển kinh doanh các sản phẩm cùng dịch vụ nuôi trồng thủy sản để kịp thời phục vụ bà con. Những ngày đầu bỡ ngỡ, với nguồn vốn eo hẹp, anh chị vào tận Đà Nẵng đặt mua thức ăn nuôi tôm để chuyển ra Hải Phòng mỗi lần chỉ vài ba tạ. Không có phương tiện vận chuyển, anh chị phải chuyển hàng qua ô tô khách và theo xe về Hải Phòng. Thị trường thức ăn, dịch vụ nuôi trồng thủy sản ngày càng hứa hẹn sẽ được mở rộng và đầy tiềm năng khi thành phố Hải Phòng quyết định quy hoạch một vùng rộng lớn thuộc các xã (nay là các phường) Hải Thành - Tân Thành- Đồ Sơn thành vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung với qui mô lớn. Cùng với nhiều bà con nuôi trồng thủy sản trong vùng, anh chị Văn Khỏe cũng tràn đầy hy vọng trước một viễn cảnh tương lai đầy hứa hẹn. 

Dự án tiền tỷ bị bỏ hoang

Anh chị Văn Khỏe cũng như nhiều người dân ở các xã dọc tuyến đường 14 cũ (nay là đường 353 Hải Phòng- Đồ Sơn) hẳn chưa quên những ngày tháng khi dự án đầu tư cơ sở hạ tầng nuôi tôm công nghiệp với quy mô hoành tráng với số vốn đầu tư lên đến hàng chục tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách đã được rầm rộ triển khai xây dựng. Đơn vị thụ hưởng dự án là 2 Xí nghiệp Nuôi trồng thủy sản Kiến Thụy và Đồ Sơn, thuộc Công ty Chế biến thủy sản xuất khẩu Hải Phòng. Tuy nhiên, họ cũng không khỏi bất ngờ khi ít lâu sau, những kỳ vọng vào một vùng nuôi tôm thẻ chân trắng đem lại hiệu quả kinh tế cao đã bị tắt ngấm. Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng bị dừng đột ngột với hệ thống mương máng, hệ thống lưới điện dở dang. Nhiều năm sau hệ thống lưới điện được đầu tư hơn 7 tỷ đồng vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt” trong nỗi xót xa của người dân nuôi trồng thủy sản. Hàng trăm hécta đất thuộc vùng quy hoạch nghề nuôi trồng thủy sản tiếp tục trong tình trạng nuôi thả quảng canh, được chăng hay chớ, nhiều hộ do thấy hiệu quả từ đầm nuôi thấp đã bỏ hoang, chờ cơ hội chuyển nhượng hợp đồng lấy chút ít chênh lệch. 2 xí nghiệp được Nhà nước giao quản lý khai thác tài nguyên lớn hàng trăm hécta đất nhưng liên tục nhiều năm liền nợ đọng tiền thuê đất với số tiền lũy kế nhiều tỷ đồng. Một vùng đất đầy tiềm năng đang chết từng ngày. 

Anh chị Văn Khỏe kiểm tra khâu chăm sóc tôm.
Anh chị Văn Khỏe kiểm tra khâu chăm sóc tôm.

Đứng lên trong gian khó

Như nhiều gia đình khác thuê lại diện tích đất của 2 xí nghiệp, anh chị Văn Khỏe cũng chỉ nuôi tôm quảng canh. Thấy hiệu quả thấp, anh chị đã tìm hiểu từ người thân, bạn bè để mạnh dạn chuyển đổi sang nuôi tôm sú công nghiệp. Nghe thông tin về sản phẩm thức ăn chăn nuôi của tập đoàn CP Thái Lan, anh chị lặn lội vào tận công ty CP ở Đồng Nai để tận mắt thấy được sản phẩm của họ và đặt mua hàng. Kinh tế gia đình còn eo hẹp, mỗi lần anh chị chỉ dám đặt mua 5 tạ. Dần dà, được Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam chuyển giao kỹ thuật nuôi tôm sú công nghiệp mật độ 30 con/m2 với năng suất bình quân 5 tấn/ha. Một kết quả lý tưởng khiến anh chị mừng vui khấp khởi. Mạnh dạn đầu tư vốn liếng, anh chị Văn Khỏe đã gần như mất trắng trong trận bão 2005 do toàn bộ khu đầm bị nước cuốn trôi. Nỗi mất mát đó đẩy doanh nghiệp của anh chị (Công ty TNHH Khoa Thành mới được thành lập) đứng trước bờ vực phá sản. Hàng chục hécta đầm nuôi của các hộ bị xóa sổ gây một cú sốc lớn tưởng chừng không thể vượt qua. Được mọi người động viên, anh chị cũng tự động viên nhau gượng dậy để cùng bà con trong vùng tìm hướng đi mới. Nhận thấy tôm sú không còn phù hợp với vùng đất cũ, anh chị đã mạnh dạn đổi hướng sang nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp. Lại vay vốn, lại đầu tư. Một trong những yếu tố quan trọng quyết định thành công của mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp là phải ổn định cung cấp điện. Sẵn có đường điện 35 KV Nhà nước đã đầu tư cho 2 xí nghiệp đang bị bỏ hoang, được sự đồng ý của lãnh đạo 2 xí nghiệp, Công ty TNHH Khoa Thành, cùng một số hộ nuôi trồng thủy sản tại 2 xí nghiệp đã vay mượn người thân, bạn bè, bỏ vốn đầu tư 3 trạm biến áp làm sống lại đường điện 35 KV để lấy điện sản xuất. 

Không phụ lòng quyết tâm của anh chị, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng đem lại hiệu quả kinh tế cao đến bất ngờ. Với mật độ 100 con/m2, sản lượng đạt 10 tấn/ha, trừ chi phí, người nuôi cũng thu hoạch 400 triệu đồng/ vụ (4 tháng/vụ). Từ mô hình này, hiện nay, nhiều hộ đã học tập anh chị, tăng thêm diện tích, nhiều hộ cũng bắt đầu triển khai nuôi tôm công nghiệp. Vì thế, diện tích nuôi tôm công nghiệp năm 2014 tăng lên nhiều. Công ty TNHH Khoa Thành và các hộ dân nuôi tôm công nghiệp tại 2 Xí nghiệp Nuôi trồng Thủy sản Kiến Thụy và Đồ Sơn đã tiếp tục bỏ vốn đầu tư xây dựng thêm 2 trạm điện để phục vụ sản xuất với quyết tâm nâng diện tích nuôi tôm công nghiệp càng nhiều càng tốt, giúp bà con nuôi trồng thủy sản xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu, làm sống lại một vùng nuôi trồng thủy sản như đã từng được kỳ vọng. 
Nguồn: danviet.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập436
  • Hôm nay91,585
  • Tháng hiện tại798,562
  • Tổng lượt truy cập90,861,955
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây