Ea H’leo: Trúng đậm mùa chanh dây
Những ngày này, hàng trăm hộ nông dân ở xã Ea Nam (huyện Ea H’leo (Đắk Lắk) đang bước vào vụ thu hoạch chanh dây. Ngoài niềm vui được mùa, bà con ai nấy đều phấn khởi vì giá cả luôn ở mức cao.
Người dân chăm sóc chanh dây trồng xen tiêu
Nhận thấy giá chanh dây ổn định lại phù hợp với vùng đất đỏ bazan, năm 2017, anh Đặng Đức Đồng (thôn 5) đưa vào trồng 300 gốc chanh dây xen trong 1,5 ha tiêu, bơ booth, sầu riêng. Chỉ sau gần 6 tháng xuống giống, chanh dây trong vườn đã ra hoa kết trái, lượt thu bói đầu tiên mỗi gốc chanh dây đều cho từ 35 - 40 trái. Anh Đồng cho biết, cây chanh dây có thời gian sinh trưởng ngắn, dễ trồng, ít sâu bệnh, chỉ cần chú ý tưới đủ nước và phun thuốc chống các bệnh nấm vào thời điểm ra hoa là cây phát triển khỏe mạnh, nếu chăm sóc tốt có thể cho thu hoạch 3 năm mới phải thay thế.
Hiện tại, gia đình anh Đồng đang thu trái đợt 2, theo tính toán, vụ mùa này thuận lợi cho anh sản lượng ước đạt trên 10 tấn, với giá thu mua của thương lái từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, trừ chi phí anh lãi gần 300 triệu đồng.
Ngoài nguồn thu chính hồ tiêu, sầu riêng, 2 năm nay anh Bùi Nhất Hoan (thôn 6) còn có thêm nguồn thu nhập cao từ chanh dây. Anh chia sẻ, với 150 gốc giống chanh dây bông tím trồng xen trong 2,5 ha vườn, tận dụng trụ tiêu làm cọc, chỉ tốn khoảng 30 triệu đồng chi phí đầu tư mua giống, dây kẽm căng giàn, phân bón.
Nhờ chăm sóc tốt lại hợp đất, vườn chanh dây phát triển rất nhanh, quả to, mọng nước nên được thương lái ưa thích. Đang vào thời điểm thu hoạch rộ, dự tính năm nay thu gần 10 tấn trái. Với giá ổn định như hiện tại, vụ mùa này sẽ thu trên 250 triệu đồng.
Ông Phạm Trường Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Nam cho biết, Ea Nam là xã có diện tích chanh dây lớn nhất huyện với gần 100 ha, hầu hết được trồng xen trong vườn hồ tiêu, cây ăn trái. Với đặc tính dễ trồng, dễ thu hoạch, chi phí đầu tư thấp, hiệu quả cao, 3 năm trở lại đây, nhờ giá ổn định, 25.000 - 30.000 đồng/kg, nhiều hộ dân đã đầu tư trồng chanh dây để nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, việc thu mua chanh dây đều qua thương lái, chưa có đầu ra ổn định, vì vậy các hộ đã cần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, không nên mở rộng diện tích để tránh rủi ro.
Đắk Nông: Tìm đầu ra cho quả bơ Tuy Đức
Hiện, nhiều vườn bơ trên địa bàn huyện Tuy Đức (Đắk Nông), đang tập trung chăm sóc vườn cây để sẵn sàng tham gia sự kiện "Đắk Nông mùa bơ chín" dự kiến tổ chức vào trung tuần tháng 7 tới tại Gia Nghĩa.
Vườn bơ ông Chuẩn, (Quảng Tâm) thu nhập trên 400 triệu đồng/ha
Tuy Đức hiện có gần 500ha bơ giống địa phương, bơ sáp, bơ booth. Phần lớn, trồng tập trung giai đoạn 2012 – 2016 theo hình thức trồng thuần, xen, phân tán. Diện tích thu hoạch hiện nay khoảng 350 ha, sản lượng đạt 736 tấn, nhiều diện tích đang cho thu hoạch năm thứ 6. Bơ chưa phải là cây trồng chủ lực của địa phương, nhưng nhiều nông dân đang trồng và mở rộng diện tích để có đầu ổn định, phát triển bền vững.
Vườn bơ của ông Vũ Quang Diễn, xã Đắk Búk So (Tuy Đức) nằm trên đồi thoải dốc, đã 6 năm tuổi, cao hơn 7m đang khoe từng lớp quả lủng lẳng dưới tán lá. Theo ông Diễn, đến sự kiện Đắk Nông mùa bơ chín, nhiều cây bơ trong vườn của ông vừa kịp thời điểm thu hoạch.
Niên vụ 2017, ông thu khoảng 6 tấn bơ booth và bơ sáp, với mô hình bơ xen tiêu, trên đơn vị diện tích, ông Diễn có thể thu nhiều sản phẩm để tăng thu nhập. Ngoài ra, ông còn tìm hiểu và tiến hành ghép giống bơ địa phương với giống bơ booth để cho ra giống bơ mới.
Tuy nhiên, khó khăn và trăn trở nhất của ông vẫn là thị trường đầu ra. Hiện, đang bán cho thương lái, cứ đến mùa bơ là người ta điện thoại rồi đặt tiền. Ai đến trước, bán trước chứ thực sự không có hợp đồng. Sự kiện "Đắk Nông mùa bơ chín", tôi sẽ tham gia trưng bày và bán sản phẩm tại hội chợ, với mong muốn sẽ có nhiều đối tác đến ký kết, giúp bà con ổn định đầu ra.
Năm 2011, trên diện tích 1ha đất trồng hoa màu kém hiệu quả, anh Nguyễn Văn Chuẩn, xã Quảng Tâm, quyết định chuyển toàn bộ diện tích sang trồng bơ. Hiện, vườn bơ của anh đang cho thu năm thứ 7, mỗi vụ dao động từ 5 - 7 tấn. Theo anh Chuẩn, mỗi cây thu nhập bình quân 1 triệu đồng/vụ. Dù đã thu hoạch 7 năm nhưng anh vẫn phải phụ thuộc vào thương lái, theo từng vụ bơ, thời điểm chính vụ thường bị ép giá.
Hiện, vườn bơ của anh Chuẩn đã được chọn là một trong những nhà vườn đại diện cho huyện tham gia hội chợ, và quảng bá sản phẩm. Anh Chuẩn mong muốn, sự kiện Đắk Nông mùa bơ chín sẽ tìm được đối tác thu mua, bao tiêu sản phẩm với giá cả ổn định.
Nông dân Tuy Đức mạnh dạn đưa bơ chất lượng cao vào trồng trên diện tích cà phê, hồ tiêu già cỗi, hoặc xen canh cà phê, hồ tiêu. Bước đầu nhiều hộ đã có thu nhập cao. Mong muốn lớn nhất của huyện là qua sự kiện “Đăk Nông mùa bơ chin” sẽ quảng bá được các giống bơ địa phương, đồng thời kết nối với thị trường để có đầu ra ổn định- Ông Kiều Quý Diện. Phó phòng Nông nghiệp –TTNT huyện Tuy Đức cho biết
Gia Lai: Bỏ mía trồng cây ăn quả, hóa ra lại 'ăn to”
Phá toàn bộ diện tích mía kém hiệu quả, sang trồng cây ăn quả, chị Trần Thị Cảm, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang (Gia Lai) được mọi người cho là... liều. Tuy nhiên, kết quả đã khiến không ít người phải ngưỡng mộ.
Chị Trần Thị Cảm đang chăm sóc vườn ổi
Vườn trái cây 3ha của chị Trần Thị Cảm 32 tuổi, xã Kông Lơng Khơn, nằm lọt thỏm giữa hàng nghìn ha mía, gồm 4 loại: Ổi, xoài, bơ, dừa. Đây là khu đất trước kia gia đình chị trồng từ ngô, đậu đến sắn, sau đó chuyển sang mía.
Tuy nhiên, do đặc thù khu đất nhà chị trồng mía rất khó, nắng thì cháy lá, mưa thì úng nước nên không ăn thua, chưa kể giá ngày càng sụt giảm. Còn sắn thì cứ đến mùa mưa là ngập úng rồi thối củ... Tôi đắn đo vô cùng bởi không biết nên trồng cây gì. Muốn trồng cây ăn quả nhưng không biết bán cho ai. Tuy nhiên, mình nghĩ quan trọng vẫn là chất lượng cây trồng, cứ phải ngon, bổ, sạch, thì sẽ bán được thôi”.
Chị chia sẻ: “Thực ra, mình thấy trồng cây ăn quả cũng không phải là khó lắm, chỉ cần chịu khó quan sát, học hỏi để nắm được kỹ thuật, từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây để áp dụng vào việc chăm sóc thì cây sẽ phát triển tốt.
Toàn bộ phân bón, thuốc thang mình đều ưu tiên dùng theo phương pháp vô cơ. Thường thì hay sử dụng những thực phẩm như tỏi, ớt, gừng để trị những loài sâu, bướm đục trái, đục cây...”.
Khi hỏi về từ ý tưởng nào mà chị quyết định phá bỏ mía chuyển sang trồng cây ăn quả, chị Cảm nhớ lại: “Một lần sang nhà anh bạn chơi, tình cờ thấy anh trồng ổi, hái thử ăn thì thấy ổi vừa ngọt thơm, mềm lại ít hạt và giòn hơn ổi thường, nên từ đó tôi bắt đầu thích, rồi mê lúc nào không hay. Hồi đó phá mía chuyển sang trồng cây ăn quả, mọi người cũng nói nhiều lắm, có người còn cho tôi là... “liều” vì tự dưng phá dòng cây chủ lực, trồng ổi, rồi bơ, dừa... mà không biết đầu ra thế nào...”.
Đến nay, khu vườn 3ha của chị Cảm đã có 4 loại cây ăn quả trong đó nhiều nhất vẫn là ổi với 1.200 gốc, bơ 250 gốc, xoài 28 gốc và dừa 200 gốc. Chỉ riêng ổi, dù mới hái bói 2 tháng đầu tiên, chị đã thu về 2 tấn quả, cho thu nhập 30 triệu, những loại quả còn lại như bơ, xoài, dừa mùa tới sẽ cho thu hoạch. Toàn bộ diện tích trồng cây ăn quả 3 ha này đều được chị Cảm đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt.
Hỏi về dự định tiếp theo, chị Cảm cho biết: “Thời gian tới, mình sẽ mở rộng thêm 3ha diện tích cây ăn quả nữa. Tiến tới thành lập hợp tác xã với mục đích liên kết, sử dụng chuỗi hoa quả, nông sản sạch đến với người tiêu dùng. Hiện tại, đã có 13 hội viên đăng ký tham gia hợp tác xã”.